Bộ hộp nữ trang lưu niệm bằng gỗ mỹ nghệ đạt sản phẩm OCOP

THANH VIỆT - BÙI HUÂN 18/05/2022 09:14

(QNO) - Sau nhiều năm làm ăn ở Sài Gòn, ông Nguyễn Quang Vũ (SN 1973, thôn Cẩm Văn Tây, xã Điện Hồng, Điện Bàn) quyết định về quê khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu bộ hộp nữ trang lưu niệm bằng gỗ mỹ nghệ. Sản phẩm này đã có mặt tại thị trường khó tính như Mỹ, Pháp.

Ông Nguyễn Quang Vũ (thôn Cẩm Văn Tây, xã Điện Hồng, Điện Bàn) bên những bộ hộp nữ trang do chính tay mình tạo nên. Ảnh: H.V
Ông Nguyễn Quang Vũ (thôn Cẩm Văn Tây, xã Điện Hồng, Điện Bàn) bên những bộ hộp nữ trang do chính tay mình tạo nên. Ảnh: H.V

Ông Nguyễn Quang Vũ cho biết, năm 1994 ông vào Sài Gòn học nghề mộc ở huyện Hóc Môn. Ban đầu ông Vũ chỉ bôn ba chỉ kiếm kế sinh nhai hàng ngày chứ chưa có ý định kinh doanh hay mở xưởng. Khi chập chững học nghề mộc ông được người thầy làm chung xưởng dạy về công thức và cách điêu khắc làm các sản phẩm gỗ như: tranh treo tường, tranh tứ quý, tranh thư pháp và các đồ gỗ gia dụng...

Giấy phát hoạ đường nét được dán lên khối gỗ để việc cưa thành các mảnh gỗ nhỏ có hình thù được trơn tru hơn. Ảnh: H.V
Giấy phát hoạ đường nét được dán lên khối gỗ để việc cưa thành các mảnh gỗ nhỏ có hình thù được dễ dàng hơn. Ảnh: H.V

Ông Vũ chia sẻ: “Nhận thấy ở các siêu thị hay trung tâm thương mại mua sắm, phụ nữ mua những hộp đựng nữ trang bằng nhựa mà hoa văn cũng như hình thù của sản phẩm không tinh xảo, tính thẩm mỹ chưa cao. Vì vậy, tôi có ý tưởng là làm nên chiếc hộp để phụ nữ đựng trang sức bằng gỗ. Sau một năm mày mò, nghiên cứu, sản phẩm nhiều lần phải bỏ đi vì được trước mà hỏng sau. Cuối cùng, hộp nữ trang lưu niệm dành cho phái đẹp cũng đã hoàn thành theo ý muốn".

Công đoạn đi đường nét tạo hình thù để gắn trên khung hộp nữ trang đòi hỏi người thợ mộc phải thật khéo léo và có nhiều năm trong nghề. Ảnh: H.V
Công đoạn đi đường nét tạo hình thù để gắn trên khung hộp nữ trang đòi hỏi người thợ mộc phải thật khéo léo và có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Ảnh: H.V

Năm 2010, ông Vũ về quê và cho sản phẩm ra mắt thị trường với các hình thù tinh xảo như: nốt nhạc, cọ ó, con khỉ, thỏ đứng, hoa hồng trắng,… giá dao động mỗi chiếc từ 60.000 – 90.000 đồng tùy kích cỡ. Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất gần 1.000 sản phẩm hộp nữ trang các loại, trừ các chi phí lãi thu về khoảng 200 triệu đồng/năm.

Tiệm gỗ Quang Vũ tạo công ăn việc làm cho 6 người thợ mộc tại địa phương xã Điện Hồng. Ảnh: H.V
Cơ sở gỗ Quang Vũ tạo công ăn việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Ảnh: H.V

Thuận lợi nhất khi sản xuất bộ hộp nữ trang lưu niệm bằng gỗ tại cơ sở của ông Nguyễn Quang Vũ là chủ động được nguyên liệu đầu vào, bởi phần lớn nguyên liệu được chọn là gỗ mứt, gỗ mít, gỗ tràm, gỗ xoan, các loại gỗ có nhiều tại Quảng Nam.

Quá trình làm ra sản phẩm bộ nữ trang lưu niệm trải qua ít nhất 10 công đoạn như: dán giấy phát hoạ; cắt từng khối; cưa thành mảnh; khâu mài; đi đường nét; dán từng hình thù; cưa gỗ dày và làm nhám; cố định khung hộp; dán hình thù lên hộp…

Các khâu đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉn chu của người thợ. Riêng ở bước mài và đi đường nét người thợ phải có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề mộc thì mới có độ chính xác về độ dày và nét đi đẹp đến chi tiết. Sản phẩm bộ hộp lưu niệm đang được nhiều khách hàng đặt mua để làm quà tặng. Phần lớn sản phẩm của cơ sở ông Vũ tiêu thụ ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… 

Công đoạn làm nhám mảnh gỗ đã có hình thù. Ảnh: H.V
Công đoạn làm nhám mảnh gỗ đã có hình thù. Ảnh: H.V

Đặc biệt, với sự tìm hiểu kỹ về thị trường kinh doanh quốc tế, Nguyễn Quang Vũ đã kết nối và hợp tác với một số doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường Pháp, Mỹ. Đây là hai thị trường cực kỳ khó tính nên trước khi những hộp nữ trang lưu niệm được xuất đi nước ngoài, sản phẩm đều được đánh giá theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt và kiểm định về chất lượng. "Trung bình mỗi tháng, cơ sở tôi xuất đi nước ngoài hơn 500 hộp nữ trang lưu niệm các loại" - ông Vũ tiết lộ. 

Mỗi hộp nữ trang lưu niệm được giữ cố định nhờ thanh gỗ nhỏ được mài và làm nhám đúng kích thước từng milimet. Ảnh: H.V
Mỗi hộp nữ trang lưu niệm được giữ cố định nhờ thanh gỗ nhỏ được mài và làm nhám đúng kích thước từng milimet. Ảnh: H.V

Thợ mộc Thiếu Đức Tân (xã Điện Hồng) nói: “Làm đồ gỗ mỹ nghệ cần phải chịu khó, chăm chỉ lao động trong thời gian dài thì tay nghề mới được nâng cao. Tại cơ sở mộc Quang Vũ, ngoài tôi còn có 5 người thợ lành nghề đều có đôi tay khéo léo, biết sử dụng thành thạo máy móc công nghệ hiện đại như: máy cắt khắc tia laser 1390, máy ưa lọt thụt, máy cưa lọng đứng… Đây là sự cộng hưởng độc đáo giữa truyền thống và hiện đại tạo nên những đường nét ấn tượng trên các bộ sản phẩm”.

[CLIP] - Quy trình tạo nên bộ hộp nữ trang lưu niệm làm bằng gỗ:

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng, năm 2021, sản phẩm bộ hộp nữ trang lưu niệm của cơ sở gỗ Nguyễn Quang Vũ đạt hạng 3 sao OCOP của tỉnh. Thời gian qua, cơ sở này còn dạy nghề và giải quyết lao động tại chỗ cho người dân địa phương với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bộ hộp nữ trang lưu niệm bằng gỗ mỹ nghệ đạt sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO