Bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến vận tải khách cố định: Mừng mà lo

CÔNG TÚ 27/10/2015 09:37

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tính toán bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách cố định là tín hiệu đáng mừng cho đơn vị kinh doanh, nhưng kèm theo đó là nỗi lo.

Gây khó

Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7.11.2014 quy định doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) kinh doanh vận tải hành khách cố định phải đăng ký khai thác tuyến và được Sở GTVT của nơi xe đi và đến chấp thuận. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, việc chấp thuận tuyến là công cụ quản lý giúp ngành chức năng kiểm soát được luồng tuyến, tránh xảy ra tình trạng phá vỡ quy hoạch luồng tuyến. Nhưng nay, khâu quản lý được cải tiến theo hướng công khai, minh bạch, quy định trở nên “lỗi thời”. Chuyện phát triển luồng tuyến đã có quy hoạch rõ ràng. Thế nên, việc giữ nguyên quy định chấp thuận khai thác tuyến sẽ gây khó khăn cho các DN, HTX tổ chức kinh doanh vận tải hành khách cố định liên tỉnh và kể cả nội tỉnh. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng khẳng định, giữ quy định trên là giữ cơ chế xin - cho. Thực tiễn ấy tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh, gây cản trở, tốn kém thời gian, tiền bạc cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.

Gỡ bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến sẽ tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Ảnh: C.T
Gỡ bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến sẽ tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Ảnh: C.T

Chúng tôi được biết, DN, HTX lâu nay không hài lòng đối với quy định về hồ sơ và xử lý hồ sơ đăng ký khai thác tuyến. Bởi họ cho rằng, những thủ tục trên làm kéo dài thời gian. Đơn cử như trong quy định chung, đơn vị phải gửi 1 bộ hồ sơ đăng ký cho Sở GTVT đầu tuyến. Trường hợp nào cần sửa đổi, bổ sung, ngành thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản nội dung liên quan ngược trở về trong thời gian tối đa không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Rồi quy định riêng đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở GTVT nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi Sở GTVT đầu tuyến phía bên kia để lấy ý kiến. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Sở GTVT được xin ý kiến phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn trên nếu không có văn bản trả lời thì coi như Sở GTVT được xin ý kiến đã đồng ý với nội dung đăng ký. “Chưa kết, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở GTVT nơi tiếp nhận hồ sơ mới có văn bản chấp thuận gửi đơn vị, bến xe hai đầu tuyến theo mẫu quy định. Văn bản chấp thuận được đồng thời gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT đầu tuyến bên kia để phối hợp quản lý” - một chủ doanh nghiệp giãi bày.

Mừng mà lo

Tháng 7.2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, sửa đổi quy định để bỏ chấp thuận khai thác hai đầu tuyến đối với Sở GTVT hai đầu. Theo đó, DN, HTX chỉ cần căn cứ vào quy hoạch luồng tuyến của địa phương rồi gửi hồ sơ thông báo mở tuyến về hai Sở GTVT nơi đến và đi để nắm thông tin mà không cần phải chờ chấp thuận mới được chạy xe. Mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê bình và yêu cầu cơ quan tham mưu khẩn trương đẩy nhanh hơn chuyện gỡ bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến tại Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT. Cạnh đó, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm công bố chi tiết luồng tuyến để DN đăng ký. Trường hợp tuyến có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cố định đăng ký thì tiến hành đấu thầu công khai. Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã yêu cầu các Sở GTVT xây dựng, công bố biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh do địa phương quản lý trên trang Thông tin điện tử của ngành mình. Sở GTVT hai đầu tuyến phối hợp để xây dựng biểu đồ chạy xe của từng tuyến và công bố để các đơn vị vận tải chủ động đăng ký khai thác tuyến.

Đón nhận thông tin trên, ông Ông Văn Dũng - Giám đốc Xí nghiệp vận tải (trực thuộc Công ty CP GTVT Quảng Nam) cho biết, bản thân đồng tình nếu quy định này được sửa đổi. Đồng thời việc công khai minh bạch về luồng tuyến là rất tốt. Còn theo ông Hồ Tấn Ba - Giám đốc HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ, bỏ quy định đó sẽ tránh chuyện độc quyền, bảo kê luồng tuyến. “Bây giờ kinh doanh theo cơ chế thị trường rồi, do đó cạnh tranh phải lành mạnh. Mức độ “tranh đua” chắc chắn sẽ quyết liệt, song chúng tôi chấp nhận vì có như vậy mới nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hành khách” - ông Ba tâm sự. Có thể nói, nhiều “nút thắt” sẽ được tháo gỡ nếu quy định chấp thuận khai thác tuyến không còn. Nhưng một số nhà chuyên môn cũng bày tỏ sự lo lắng về những vấn đề có thể phát sinh… hậu sửa đổi. Theo họ, các Sở GTVT cần thỏa thuận thật kỹ càng khi công bố biểu đồ. Ngành chức năng phải lường trước tình trạng một DN hay HTX có năng lực “tranh thủ” đăng ký nhiều tuyến. Sau đó, họ ung dung chuyển nhượng quyền khai thác cho đơn vị yếu thế hơn để kiếm lời. Hết sức chú ý cá thể DN, HTX câu kết với bến xe khi đăng ký khai thác luồng tuyến.

Trong khi chờ đợi Thông tư 63/2014/TT-BGTVT được sửa đổi và áp dụng, các DN, HTX kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh nói riêng cần phải nỗ lực hoàn thiện, nâng tầm về nhân lực, chất lượng phương tiện, phong cách phục vụ để “kéo” khách về phía mình. Ngành chức năng cũng phải có giải pháp kiểm tra, giám sát quá trình khai thác, sử dụng “luồng tuyến thật” của đơn vị liên quan, đặc biệt lưu tâm nhiều vấn đề mà nhà chuyên môn đã khuyến cáo.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến vận tải khách cố định: Mừng mà lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO