Xuất phát từ sự tăng trưởng “nóng”, ngành du lịch Quảng Nam những năm gần đây bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, tác động xấu đến môi trường văn hóa, tự nhiên và xã hội.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh hành vi của cộng đồng, doanh nghiệp và du khách vẫn gặp nhiều khó khăn do đặc thù của lĩnh vực du lịch, nhiều hoạt động và lối ứng xử không thể dùng luật pháp để xử lý. Trong khi đó, một Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch nhằm cụ thể hóa các quy định pháp luật, làm cơ sở để điều chỉnh các hoạt động du lịch lại chưa được tỉnh xây dựng ban hành.
LOAY HOAY CHỜ LUẬT DU LỊCH SỬA ĐỔI
Thiếu cơ sở điều chỉnh hoạt động du lịch
Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL, từ năm 2.000 đến nay tốc độ tăng trưởng của du lịch Quảng Nam bình quân khoảng 12%. Năm 2015, Quảng Nam đón 3,85 triệu lượt khách, thu nhập xã hội ước đạt 6.000 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, hơn 3,33 triệu lượt khách đã đến tham quan, lưu trú, tăng hơn 11% so với cùng kỳ, doanh thu đạt gần 2.300 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 5.400 tỷ đồng. Thông qua du lịch, hạ tầng dịch vụ được đầu tư hoàn thiện, nhiều giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống được bảo tồn, phục hồi phát huy, nhất là các khu vực thôn quê, vùng núi. Đặc biệt tại Hội An, đến nay du lịch dịch vụ đã chiếm gần 70% trong tổng cơ cấu ngành kinh tế thành phố, tác động đến mọi hoạt động văn hóa, xã hội địa phương, đưa Hội An trở thành điểm đến nổi trội trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Việc ban hành Bộ quy tắc sẽ góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Nam văn minh và an toàn hơn cho khách. Ảnh: VĨNH LỘC |
Tuy vậy, sự phát triển “nóng” của du lịch cũng đã tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Tình trạng cò mồi, chèo kéo, tranh giành khách, làm ăn gian dối, ứng xử thiếu văn minh giữa một bộ phận người dân với khách, giữa du khách với cộng đồng xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện tượng khách thiếu tôn trọng văn hóa, phong tục địa phương xảy ra khá phổ biến, nhất là tại những nơi tôn nghiêm như đình chùa, di tích lịch sử, văn hóa. Chủ yếu, thể hiện qua cách ăn mặc, đi đứng, nói cười chưa đúng mực gây phản cảm và khó chịu trong dư luận. Điển hình, tại rừng dừa Cẩm Thanh, doanh nghiệp mở nhạc to cho khách hát hò, nhảy múa gây ồn ào, ảnh hưởng xung quanh hay khách phớt lờ cảnh báo mà leo trèo lên các đền tháp Mỹ Sơn… đã gây khó chịu cho người dân và những du khách còn lại. Theo ông Trần Tấn Dũng – Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp, dù biết tình trạng một bộ phận du khách ăn mặc phản cảm vào chùa Hải Tạng lễ Phật, nhưng xã rất khó can thiệp nhắc nhở vì những vấn đề này thuộc thẩm quyền của Ban hộ tự và xa hơn là Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Hội An. “Nếu có Bộ quy tắc ứng xử với những quy định rõ ràng và được phổ biến rộng rãi thì khi khách vào chùa sẽ hiểu nên và không nên làm gì và mình cũng sẽ dễ điều chỉnh hơn” - ông Dũng nói.
Năm 2016, UBND TP.Hội An ban hành tập gấp “Những điều cần biết về trật tự, kinh doanh, môi trường du lịch trong khu phố cổ”, phân phát đến người dân sống trong phố cổ. Nội dung quy định những điều nên làm, không nên làm và cấm làm, từ giữ gìn cảnh quan đường phố đến những điều cần biết về sắp xếp, bày bán hàng hóa; những quy định về ánh sáng, âm thanh; khuyến khích người dân ăn mặc lịch sự, vui vẻ, ân cần khi giao tiếp khách; sử dụng các vật liệu tre, gỗ để làm bảng hiệu… Tập gấp cũng quy định hàng loạt điều cấm, như: cấm các hoạt động cò mồi, chèo kéo, ăn xin; cấm quảng cáo trên đường phố, trước mặt tiền ngôi nhà khi chưa có giấy phép; cấm các phương tiện có động cơ, trừ xe của người khuyết tật; cấm để các loại xe trên vỉa hè, kiệt, hẻm, trừ xe đạp của khách mua hàng và xe xích lô phục vụ du khách trong thời gian thực hiện “Phố đi bộ”; cấm lưu hành các xe cân điện tử, các loại phương tiện có gắn loa phát lời mời mua bán hàng; các loại xe đẩy, xe chở, xe kéo bán hàng; cấm đánh bắt các loài thủy sản trên sông Hoài (đoạn từ cầu An Hội đến cầu Quảng trường Sông Hoài)… |
Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng (Hội An) cho rằng, việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch là cần thiết. Thực tế, không ít địa phương trong nước cũng như một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện từ khá lâu rồi. “Một số nước như Thái Lan, Lào hoặc Campuchia khi du khách vào những nơi tôn nghiêm như cung điện hoàng gia hay chùa chiền đều phải mặc những trang phục theo quy định. Thậm chí, tại một số nơi công cộng ở Lào hay các nước Hồi giáo, việc khách bày tỏ tình cảm quá mức cũng không được phép vì ngay từ đầu khách đã được hướng dẫn viên phổ biến những quy định cụ thể nên hay không nên làm gì” - ông Dũng dẫn chứng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Dũng, việc ban hành bộ quy tắc hay bất kỳ các quy định nào cũng phải đi cùng với sự thuận tiện cho khách chứ không phải là áp đặt cứng nhắc. “Nếu quy định khách ăn mặc lịch sự vào chùa thì mình cũng phải có nơi cho họ thuê hoặc mua trang phục phù hợp chứ không thể bắt khách quay về khách sạn thay đồ được” - ông Dũng nói.
Chờ thời điểm phù hợp
Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, Quảng Nam chưa thể xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch do phải chờ Luật Du lịch sửa đổi được ban hành. Bởi, những quy tắc ứng xử phải được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa các điều luật mà luật pháp đã đề ra, nhất là trong việc chế tài các vi phạm. “Cần xác định bộ quy tắc đó làm ra để giải quyết vấn đề gì, chưa kể nó phải có sự đồng thuận của các bên liên quan và phù hợp với luật pháp, cụ thể là Luật Du lịch, mà Luật Du lịch thì đang sửa đổi. Quan điểm của tôi là không nôn nóng, phải chờ Luật Du lịch được Quốc hội thông qua, ban hành, trên cơ sở đó và tình hình thực tiễn địa phương sẽ đề ra quy tắc ứng xử, để khi triển khai nó phải đi vào cuộc sống, chứ đề ra quy tắc theo kiểu lý thuyết, mang tính chất hành chính, khó thực hiện được thì cũng chẳng có ý nghĩa gì” - ông Hài phân tích.
Tình trạng khách có hành vi hoặc ăn mặc không phù hợp xuất hiện ngày càng nhiều ở Hội An. |
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng, việc điều chỉnh hành vi, ứng xử trong hoạt động du lịch là điều cần làm, nhất là với Hội An, khi mà áp lực từ phát triển du lịch lên môi trường văn hóa, xã hội ngày càng gay gắt. “Tuy tỉnh chưa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch nhưng Hội An đã làm vấn đề này từ rất sớm, như: chỉ đạo ngành văn hóa, du lịch, thương mại xây dựng những quy chế, quy định liên quan đến hoạt động du lịch gắn với kinh doanh trong khu phố cổ, nhằm định hướng mối quan hệ giữa người dân với du khách cũng như trong quan hệ, ứng xử mua bán …” - ông Dũng nói. Hiện nay, tại một số nơi như Tổ đình Phước Lâm, Chúc Thánh, Long Tuyền… bắt đầu đã có những quy định riêng về trang phục dành cho khách khi vào viếng. Ông Dũng cho rằng, đây là điều cần thiết và được thành phố ủng hộ. “Gần đây đang xuất hiện tình trạng khách du lịch ăn mặc không phù hợp như cởi trần hoặc mặc áo dây đi lung tung trên phố, thậm chí vào các nơi trang nghiêm, các di tích tâm linh. Quan điểm chỉ đạo của thành phố trước hết là phải nhắc nhở, không tiếp nhận, không đưa họ vào những chốn đó. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu ra các văn bản cảnh báo, khuyến cáo khách khi đến tham quan những nơi này. Mình không thể mặc nhiên hoặc bất chấp để làm kinh tế du lịch, Hội An phải bảo vệ văn hóa của mình” - ông Dũng cương quyết.
Việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch cần tuân thủ những quy định của pháp luật. Nhưng mục tiêu chính của bộ quy tắc cũng chính là tài liệu cung cấp thông tin, giúp du khách nước ngoài hiểu, nắm bắt những quy định của điểm đến để từ đó chấp hành, tôn trọng pháp luật và văn hóa Việt Nam tốt hơn.
NHÌN TỪ CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong nước đã xây dựng, ban hành Bộ quy tắc ứng xử du lịch, bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Nội dung các bộ quy tắc chủ yếu nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh, phù hợp với văn hóa truyền thống, phong tục tập quán cho người dân, doanh nghiệp và du khách.
Một số nội dung trong Bộ quy tắc ứng xử du lịch tại Đà Nẵng đã được hình ảnh hóa cho người dân và du khách dễ hiểu. |
Môi trường du lịch văn minh
Với mục đích xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, tạo ấn tượng đẹp đối với du khách, cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch. Với chủ đề “Nụ cười Hạ Long”, bộ quy tắc này nhằm xây dựng và hình thành thói quen ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện của đội ngũ cán bộ lao động làm việc trong ngành du lịch và các ngành liên quan đến hoạt động du lịch. Bộ quy tắc hướng đến 4 đối tượng gồm: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; Quy tắc ứng xử của doanh nghiệp du lịch; Quy tắc ứng xử của người dân và cộng đồng địa phương; Quy tắc ứng xử của khách du lịch khi đến tham quan Quảng Ninh. Trong mỗi phần đều có những quy định cụ thể về việc nên hoặc không nên làm gì, từ tác phong, thái độ ứng xử nơi công cộng; tôn trọng sự riêng tư và quyền lợi hợp pháp của người khác; giữ gìn môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán địa phương.... Bên cạnh đó, bộ quy tắc cũng cung cấp cho du khách những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử tại điểm đến, đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo những hành vi không phù hợp, hướng tới mục tiêu làm tốt đẹp hơn mối quan hệ giữa du khách và cộng đồng.
Dù chưa phải là một trung tâm du lịch lớn, nhưng tháng 6.2016, tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh với chủ đề: “Phú Yên – Hấp dẫn và thân thiện”. Bộ quy tắc của Phú Yên cũng hướng du khách, người dân, doanh nghiệp và những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch vào các nguyên tắc chung trong quan hệ, giao tiếp văn minh, như: có tác phong lịch sự, thái độ ứng xử đúng mực; tôn trọng các giá trị văn hóa, phong tục điểm đến; trung thực, sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch; biết lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của khách; không phân biệt đối xử với khách du lịch; không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính… Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên cho rằng, để bộ quy tắc đi vào cuộc sống, việc tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng, kể cả phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Phú Yên xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về bộ quy tắc ứng xử để cộng đồng, doanh nghiệp và du khách cùng hiểu. “Nếu các địa phương triển khai thực hiện tốt những nội dung trong bộ quy tắc sẽ góp phần không nhỏ xây dựng hình ảnh du lịch địa phương mình cũng như tạo sự đồng thuận với du khách” - ông Bảy nhìn nhận.
Hiệu quả bước đầu
Qua thống kê sơ bộ, đến nay có khoảng 10 tỉnh, thành trong cả nước đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch. Ngoài Quảng Ninh, Phú Yên, có thể kể đến tỉnh Bạc Liêu, An Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Ở nhiều địa phương, bộ quy tắc còn được dịch ra các ngôn ngữ như Anh, Pháp… Đặc biệt, tại Đà Nẵng, bộ quy tắc còn được dịch ra tiếng Trung Quốc để dành riêng cho thị trường khách này. Ngoài ra, 12 nội dung của bộ quy tắc được hình ảnh hóa, như: tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán địa phương; có ý thức giữ gìn, bảo vệ các di tích văn hóa và các công trình kiến trúc lịch sử; trang phục lịch sự và phù hợp với điểm tham quan du lịch, nhất là khi đến những nơi tôn nghiêm như nhà thờ, chùa, đền, miếu, nghĩa trang liệt sĩ…; có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường; xếp hàng nghiêm túc khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động nơi công cộng; tôn trọng, giúp đỡ và ưu tiên người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ; nói không với hành vi đeo bám, chèo kéo, làm phiền khách du lịch; chào nhau bằng nụ cười thân thiện, luôn sẵn sàng nói “xin chào”, “xin lỗi”, “xin mời”, “xin cảm ơn” trong giao tiếp; không khạc nhổ, vứt tàn thuốc lá hoặc xả rác nơi công cộng; không la hét, gây ồn ào mất trật tự hoặc nói chuyện quá lớn làm ảnh hưởng đến những người chung quanh; không thể hiện tình cảm quá mức nơi công cộng; không say xỉn...
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, mục đích của bộ quy tắc ứng xử chủ yếu mang tính chất khuyến nghị chứ không phải là quy chế để chế tài hay xử phạt. Tuy nhiên, nếu có những điều vượt quá giới hạn phong tục tập quán hoặc vi phạm thì đã có pháp luật chế định. Để triển khai đến cộng đồng, doanh nghiệp và du khách, thời gian qua sở đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều kênh quảng bá phát hành rộng rãi, thông báo đến các công ty lữ hành và hướng dẫn viên, quảng bá tại sân bay, bến tàu… Qua tổng hợp cho thấy người dân và du khách đều có sự đồng thuận và ủng hộ thực hiện các nội dung của bộ quy tắc. “Mục tiêu đầu tiên và chủ yếu của bộ quy tắc là cung cấp thông tin về văn hóa, phong tục tập quán của địa phương cho khách trên tinh thần “nhập gia tùy tục” chứ không phải xử phạt hay định hướng hành vi, vì đây là một quá trình dài trong khi khách du lịch chỉ đến vài ngày, họ không thể hiểu và nắm hết được nên càng cung cấp nhiều thông tin thì mức độ tuân thủ càng cao hơn. Tại Đà Nẵng, hiện bộ quy tắc mới chỉ áp dụng cho khách du lịch chứ chưa hướng đến điều chỉnh hành vi của người dân bản địa, nhưng nếu người dân đọc thấy phù hợp với văn hóa của họ thì cũng sẽ tuân thủ thôi” - ông Bình chia sẻ.
NHỮNG Ý KIẾN, ĐỀ XUẤT
Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An: Đừng để bị đồng hóa ngay trên chính mảnh đất của mình
Ngoài những quy định chung của tỉnh thì Hội An phải có một quy chuẩn quy chế cho khách vì nơi đây có những đặc thù của nó, nhất là tại các điểm thờ cúng như chùa, miếu mạo… Do đó, địa phương phải đề nghị tỉnh, vì suy cho cùng quy định nào cũng phải xuất phát trên nền tảng văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, địa phương. Khi anh đến một địa phương nào, bắt buộc anh phải tôn trọng tập quán địa phương đó. Nếu anh vào chùa, nơi tôn nghiêm nhất của người Việt Nam, anh ăn mặc không kín đáo, có thái độ không ngay ngắn, thì không thể chấp nhận được, nên cần phải có những quy định, những quy tắc điều chỉnh ứng xử phù hợp.
Mình tôn trọng những nhu cầu của du khách cũng như tôn trọng phong tục tập quán của họ, ngược lại du khách cũng phải tôn trọng phong tục tập quán Việt Nam. Hiện nay, trong du lịch mình đang bị một cái gọi là chạy theo thị hiếu, nhu cầu của khách. Có nghĩa là họ không phải “nhập gia tùy tục” nữa mà chủ nhà lại chạy theo họ, nên không trách vì sao nơi nào khách đến nhiều thì văn hóa nơi đó bị xuống cấp, nơi nào khách đến đông nơi đó mọi quy tắc ứng xử tốt đẹp bị xáo trộn. Vì vậy, tỉnh phải ra quy chế để làm cơ sở điều chỉnh, xử lý các hành vi ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục địa phương. Trong quy định, trong luật pháp đã ghi những điều đó rồi, bây giờ chỉ là cụ thể hóa nó ra thôi, đừng để mình bị đồng hóa ngay trên mảnh đất của mình. Chúng ta phải quảng bá văn hóa của mình và không đánh mất mình. Lịch sử mấy trăm năm của Hội An sở dĩ tồn tại được đến nay là vì người Hội An đã biết “biến” những người nơi khác thành người Hội An.
Ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam: Rất cần thiết
Hiệp hội du lịch đã nhiều lần đề xuất Sở VH-TT&DL tham mưu tỉnh ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch nhưng không hiểu sao đến bây giờ vẫn chưa có. Do đó, nếu không có bộ quy tắc ứng xử thì rất khó xử lý, vì du lịch là một hoạt động chuyên ngành và đa ngành. Có bộ quy tắc, mình sẽ căn cứ trên đó để xử lý, điều chỉnh những cái không phù hợp với luật pháp và phong tục tập quán địa phương của du khách, kể cả áp dụng với cư dân phố cổ, người dân bản địa…
Ông Trần Lực - Phó giám đốc Saigontourist, Chi nhánh Đà Nẵng: Cần có những quy định ngắn gọn, dễ hiểu
Theo tôi, bộ quy tắc ứng xử đó sẽ giải quyết được vấn đề gì mới quan trọng. Thực tế, tại một số nơi đã ban hành bộ quy tắc như Đà Nẵng chẳng hạn, không phải doanh nghiệp du lịch hay người dân, du khách nào cũng quan tâm và biết đến nó. Chưa kể, khách du lịch chỉ đến với mình vài ngày họ cũng chẳng có thời gian hoặc cần thiết phải nhớ những điều quy định này nọ, được làm gì hay không được làm gì… Nên sẽ có 2 yêu cầu đặt ra là, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, nhất là các hướng dẫn viên trong việc phổ biến những thông tin cần biết cho khách trước khi đến một nơi nào đó. Thứ hai, tại mỗi điểm tham quan nên đề ra những quy định ngắn gọn dễ hiểu phía trước để khách có thể dễ dàng nắm rõ trước khi vào tham quan. Còn những vấn đề khác trong hoạt động du lịch liên quan đến doanh nghiệp, người dân… thì đã có những quy định pháp luật chi phối.
Thực hiện chuyên đề: VĨNH LỘC