Được áp dụng triển khai mô hình “Bến đò an toàn” nhưng sau một thời gian ngắn, bến đò Trà Linh (thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức) cũng lại đâu vào đấy. Phương tiện xuống cấp trầm trọng trong khi đó người đi đò cũng không mặc áo phao.
Bến đò Trà Linh là nơi đưa đón gần 150 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu từ thôn 1, 2 qua lại trung tâm xã Hiệp Hòa. Hơn nữa, khu vực bên kia sông cũng là nơi canh tác, trồng trọt của đa số người dân thôn 3 nên mỗi ngày, hàng trăm lượt khách phải qua đò. Năm 2013, Huyện đoàn Hiệp Đức phối hợp với chính quyền địa phương xã Hiệp Hòa tổ chức triển khai mô hình “Bến đò an toàn” tại bến đò Trà Linh. Cụ thể, mô hình thực hiện cắm bảng tuyên truyền bến đò an toàn, trao phao cứu sinh, áo phao cho chủ phương tiện đò và thành lập đội thanh niên tự quản thường xuyên túc trực nhắc nhở người dân tuân thủ đúng quy tắc, số lượng người tham gia giao thông và mặc áo phao đúng cách.
Con đò xuống cấp “gồng mình” chở người qua sông. |
UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy và thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là các bến đò ngang thường xuyên chở nhiều người qua lại. Công văn nêu rõ, xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải, quá số lượng người quy định, phương tiện không trang bị đủ áo phao, phao cứu sinh, phương tiện không có đầy đủ thủ tục về giấy đăng ký phương tiện, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; người điều khiển phương tiện không có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện đang vận hành… |
Tuy vậy, theo ghi nhận, mô hình chỉ được triển khai nghiêm túc trong khoảng gần 1 năm. Đến nay, tại khu vực bến đò Trà Linh, bảng tuyên truyền đã không còn nữa, các phao cứu sinh đều bị bỏ ngổn ngang dưới đáy thuyền. Hơn nữa, xung quanh bến đò cũng không có bóng dáng một thanh niên nào túc trực nhắc nhở người dân. “Tất cả áo phao hiện tại đã hư hỏng hết, mặt khác người dân cũng không thích mặc nên tôi cất đi. Các đơn vị, chính quyền lâu lâu mới xuống một lần để kiểm tra nhắc nhở nhưng nói xong vài ba câu rồi lại đi. Ở bến đò này chưa xảy ra tai nạn lần nào nên người dân còn chủ quan lắm, tôi nhắc nhở cũng như không” - anh Phạm Văn Bích, người lái đò tại bến Trà Linh nói.
Từ khi triển khai mô hình “Bến đò an toàn” tại bến Trà Linh, Huyện đoàn Hiệp Đức đã hỗ trợ 80 triệu đồng để thay thế đò gỗ cũ bằng đò nhôm. Theo đó, chiếc đò này cho phép chở tối đa 10 người và 3 xe máy. Nhưng đến nay, con đò này đã xuống cấp nghiêm trọng, các mảng gỗ trên sàn đò đã mất, để lại nhiều lỗ hổng. Đặc biệt, các trục chính của hai bên mạn thuyền đã có dấu hiệu mục và sắp gãy. Tuy nhiên, số lượng người và xe máy được vận chuyển trên con đò này vẫn không giảm so với lúc còn mới. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Ông Lương Phước Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa xác nhận tình trạng trên. Hiện tại phương tiện đò đang hoạt động trên bến Trà Linh đã hết thời hạn đăng kiểm. Nhưng vì bến chỉ có một con đò và là phương tiện duy nhất đưa người dân qua lại nên khó sắp xếp được lịch đưa đi thực hiện tái đăng kiểm. “Do lực lượng đội thanh niên tự quản tại bến đò Trà Linh còn mỏng nên khó có thể túc trực thường xuyên như quy định đặt ra. Sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền ý thức cho người dân. Đồng thời đề nghị lên Ban An toàn giao thông huyện cấp lại phao cứu sinh và áo phao cho phương tiện” - ông Nghĩa cho biết thêm.
PHAN VINH – NGUYỄN CƯỜNG