Suốt 3 năm nay, hàng chục hộ dân ở thôn An Trung (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) phải bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là việc thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng với một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất, đá đã khiến nhiều hố nước tự nhiên và hàng loạt chân ruộng bị đất đá bồi lấp nghiêm trọng.
Ông Đinh Bốn - Bí thư Chi bộ thôn An Trung chỉ tay về phía những chân ruộng bị đất bồi lấp, phải bỏ hoang từ 3 năm nay.Ảnh: VĂN SỰ |
Thiệt hại nặng
Từ thông tin phản ánh của người dân, ngày 24.7 phóng viên Báo Quảng Nam về địa phương này tìm hiểu tình hình thực tế. Bà Lê Thị Cúc (70 tuổi, ở tổ Cây Trâm, thôn An Trung, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) cho biết, 3 năm nay, kể từ khi triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa phận thôn An Trung, 3 thửa ruộng của bà không thể canh tác được. Nguyên nhân là trong quá trình thi công tuyến đường này, các nhà thầu để đất đỏ tràn xuống nhiều cánh đồng, có thửa ruộng bị bùn đất bồi lấp cao hơn đầu gối. “Năm 2014 trở về trước, canh tác 1 sào ruộng, mỗi vụ tôi thu được hơn 250kg lúa khô nên đủ gạo ăn. Còn liên tục 6 vụ gần đây, 3 thửa ruộng chịu cảnh bỏ hoang nên đời sống gặp khó khăn. Thời gian qua, gia đình tôi và các hộ dân trong vùng đã nhiều lần kiến nghị cấp trên sớm quan tâm tìm giải pháp khắc phục tình trạng ruộng đất bị bồi lấp nhưng mãi đến nay vẫn chưa được giải quyết” - bà Cúc nói.
Dẫn phóng viên khảo sát thực tế trên nhiều xứ đồng, ông Đinh Bốn - Bí thư Chi bộ thôn An Trung cũng than phiền rằng, do các doanh nghiệp khai thác đất đỏ trên 2 khu đồi Nổng Định, Đá Dựng và nhà thầu thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không có phương án thực hiện bài bản nên đã làm đất chảy tràn xuống nhiều thửa ruộng, chỗ bị bồi lấp ít thì dày khoảng 7 - 10cm, còn chỗ bị bồi lấp nặng thì lội lút cả đầu gối. Không chỉ vậy, những hố nước tự nhiên mà người dân địa phương thường dùng để tưới cho các loại cây trồng như Hố Đảnh, Hố Duyên, Hố Đá Dựng… cũng bị đất đá vùi lấp nghiêm trọng. Ông Bốn nói: “Gia đình tôi có gần 4 sào ruộng bị đất bồi lấp phải bỏ hoang suốt 3 năm nay. Số diện tích này, hồi trước, vụ đông xuân tôi gieo sạ lúa còn vụ hè thu thì trồng dưa leo, dưa gang, khoai lang, bắp các loại… Tuy nhiên, nhiều vụ qua phải bỏ đất hoang nên mất nguồn thu nhập khá lớn”.
Không riêng gì bà Lê Thị Cúc và ông Đinh Bốn, những năm qua rất nhiều hộ dân khác ở thôn An Trung này cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Linh - Trưởng thôn An Trung cho biết, qua thống kê sơ bộ toàn thôn có khoảng 300 sào đất nông nghiệp được Nhà nước cấp lâu dài (đất vòng 1) cho hơn 60 hộ dân không thể sản xuất được vì mặt ruộng bị đất đá bồi lấp. Số diện tích này tập trung chủ yếu ở các xứ đồng Hóc Dẹ, Hóc Tồ, Gò Giữa, Đầu Cầu, Hóc Đá Ngoài... Ông Linh chia sẻ: “Ngày trước, người dân nơi đây canh tác một vụ lúa đông xuân, còn vụ hè thu thì bố trí các loại cây trồng cạn chủ lực như đậu phụng, khoai lang, bắp nếp, bắp lai hoặc trồng dưa gang, dưa leo. Còn 3 năm nay, toàn bộ diện tích đó đành phải bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng rất lớn”.
Khắc phục chậm
Theo lời ông Huỳnh Tấn Linh - Trưởng thôn An Trung, vì quá bức xúc trước tình trạng đó, Ban Dân chính thôn và nhân dân địa phương rất nhiều lần kiến nghị với các ngành liên quan ở xã, huyện nhưng đến nay vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng. Còn về phía đơn vị thi công thì tỏ ra thiếu trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả do chính mình gây ra. Ông Đinh Bốn – Bí thư Chi bộ thôn An Trung cho biết thêm, thời gian qua đã nhiều lần cấp ủy, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể ở thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vì người dân địa phương dự định khiếu kiện đông người. Ông Bốn nói: “Chúng tôi luôn đồng tình, ủng hộ các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thi công đòi hỏi phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, không để ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Hiện tại, người dân trong thôn mong muốn đơn vị thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các doanh nghiệp khai thác đất, đá tại khu vực núi Đá Dựng, Nổng Định phải nhanh chóng tiến hành thống kê, bồi thường thỏa đáng thiệt hại trong suốt thời gian họ không thể sản xuất lúa, hoa màu. Bên cạnh đó, phải khẩn trương nạo vét, cải tạo đồng ruộng, trả lại nguyên trạng ban đầu. Mặt khác, vì hiện nay các hố nước tự nhiên đã bị đất đá vùi lấp nghiêm trọng nên đòi hỏi phải đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương hoặc lắp đặt trạm bơm để chủ động phục vụ nước tưới cho người dân tái sản xuất”.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện đã nhận được phản ánh của chính quyền và người dân thôn An Trung (xã Duy Trung) về tình trạng 15ha (300 sào) đất nông nghiệp phải bỏ hoang kéo dài vì bị đất đá bồi lấp. Theo lời ông Năm, thời gian qua ngành chức năng của huyện đã nhiều lần mời các đơn vị liên quan lên làm việc và yêu cầu phải có hướng giải quyết bồi thường thiệt hại cho nông dân nhưng họ cứ lần lữa mãi. Về hướng khắc phục tình trạng trên, ông Văn Bá Năm cho rằng do mặt ruộng bị bồi lấp quá nghiêm trọng nên nhiều khả năng số diện tích vừa nêu sẽ không thể cải tạo lại để sản xuất lúa, hoa màu và chắc sẽ quy hoạch trồng cây lâm nghiệp.
VĂN SỰ - PHI THÀNH