Bộ sách của một đời người

TẦN HOÀI DẠ VŨ 17/03/2018 10:09

LTS: Tháng 1.2018, bộ sách Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn - Tần Hoài Dạ Vũ được phát hành. Tác giả gần như đã dành trọn tâm huyết của cả cuộc đời để viết, xuất bản, tái bản, sửa chữa, bổ sung; rồi viết lại, qua gần tròn 40 năm (kể từ ngày mang ba lô bắt đầu cho những cuộc điền dã liên miên, bất tận), mới hoàn chỉnh “bộ sách của một đời người” này. Ông vừa gửi đến Quảng Nam Cuối tuần bài viết này.

Bốn tập của bộ sách “Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng”.
Bốn tập của bộ sách “Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng”.

Những thuận lợi hiếm có

Năm 1978, tôi bắt đầu mang ba lô đi điền dã, làm công việc mà ông Nguyễn Đình An, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), người thực sự có kiến văn và có tầm nhìn, đã nhận tôi về sở và giao cho tôi nhiệm vụ sưu tầm văn hóa dân gian xứ Quảng, công việc mà ông gọi là “đãi cát tìm vàng”.

Vào thời điểm đó, nông thôn Quảng Nam - Đà Nẵng (và nông thôn của cả nước) còn thuần hậu, lớp người lớn tuổi (vào độ 70 - 80 tuổi) còn bảo lưu được nhiều vốn văn hóa dân gian. Cho nên, khi chúng tôi về các làng quê, sống cùng bà con nông dân, chia sẻ những nỗi đời với bà con, thì việc tìm hiểu, ghi chép, sưu tầm vốn văn hóa dân gian còn dễ dàng, nhất là khi  được bà con thương mến. Các mẹ, các cụ lớn tuổi trong khắp các làng xã còn vui vẻ bỏ hàng giờ, vào ban đêm, để truyền đạt cho chúng tôi vốn văn hóa, văn nghệ dân gian còn bảo lưu được. Chúng tôi cũng đã tổ chức những đêm hát hò khoan cho bà con, và trên những sân phơi lúa của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, có nhiều đêm, buổi hát được bà con yêu cầu kéo dài đến tận 1 hay 2 giờ sáng. Niềm vui như chảy tràn trong những câu hát, những tiếng cười hồn nhiên và thích thú của những người tuy lớn tuổi mà tâm hồn còn rất đỗi thanh xuân.

Khi chúng tôi về liên hệ công tác với chính quyền các huyện trong tỉnh, thì bao giờ UBND huyện cũng giới thiệu về gặp chính quyền các xã. Rồi xã thường cho người đưa chúng tôi về các làng quê, giới thiệu và gần như “giao nhiệm vụ” cho các chủ nhiệm HTX nông nghiệp. Tới lượt các vị chủ nhiệm này dẫn chúng tôi đến nhà một nông dân nào đó (thường là người “khá giả” trong làng), giao tôi cho chủ nhà. Người chủ nhà này sẽ “nuôi” tôi trong vòng vài ba tuần lễ, cho tôi ăn ở trong nhà, như một người thân với gia đình (cho nên, cách ăn nếp ở của người đi điền dã giữ vai trò vô cùng quan trọng, không được lòng chủ nhà thì....”thua”, sẽ chẳng mong được giúp đỡ gì, về mặt sinh hoạt đời thường và cả nghiệp vụ sưu tầm). Gạo cơm, tiền thức ăn cho chúng tôi sẽ được HTX quy ra thóc, và “trả” cho chủ nhà “nuôi” tôi trong suốt thời gian tôi “ăn nhờ” ấy! Ngày nay, nếu có người mang ba lô đi điền dã, như tôi vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20, thì làm sao có được “sự ưu đãi” đó, và làm sao có thể ở lại trong nhà của những người nông dân trong khắp các làng xã? Mà không ở lại được trong nhà, trong làng, thì làm sao sưu tầm được vốn văn hóa, văn nghệ dân gian?

Chỉ với riêng hai điều kiện xã hội mà chúng tôi vừa nêu, thì hiện nay, dẫu có đầu tư hàng chục tỷ đồng cũng không thể sưu tầm vốn văn hóa dân gian xưa. Nhất là yếu tố đầu tiên, vì lớp người già còn bảo lưu được nhiều vốn văn hóa dân gian ngày trước đã ra đi, về với tổ tiên hết rồi; lớp nông dân ở độ tuổi 70 hiện nay, chẳng còn mấy người biết được chuyện xưa tích cũ. Đó là chưa kể, có một thực tế xã hội hiện nay, mà dù không muốn, chúng ta cũng phải thừa nhận, là trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, đã có một cuộc di dân thầm lặng từ nông thôn ra thành thị.

Tâm huyết một đời người

Vào tháng 6.1978, tôi bắt đầu đi điền dã. Và trong suốt 10 năm (1978 - 1988), tôi đã lặn lội, xuôi ngược khắp mọi miền quê xứ Quảng, từ đồng bằng, lên rừng, rồi xuống biển. Có thể nói, một cách cụ thể và chính xác nhất, gần như không có làng, bản nào của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mà tôi không từng đến, ăn ở và chung cùng nỗi đời với bà con nông dân; kể cả lên rừng và sống trong các bản làng cùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tôi làm được điều đó, vì chính quyền các địa phương ủng hộ, nhưng thêm một yếu tố chính nữa là vì tôi bị... vợ bỏ. Một thân một mình, tôi đã gượng đứng lên, trên đôi chân của chính mình, và bằng quyết tâm, muốn làm lại cuộc đời từ con số không, nên mang ba lô đi điền dã, sưu tầm vốn văn hóa dân gian. Một người đàn ông sống yên ổn bên gia đình, vợ con, chắc chắn không thể nào đi liên miên suốt mười mấy năm, lặn lội khắp các làng quê, như tôi đã dấn thân. Và sau ba năm rưỡi, vào tháng 1.1983, cuốn sách đầu tiên “Văn nghệ Dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng” được xuất bản. Thêm một năm nữa (1984), “Văn nghệ Dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng”, Tập II, được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) xuất bản. Cả hai cuốn sách này, được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Năm 2000, tôi được anh Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam mời về để tiếp tục đi điền dã (hơn 4 năm, 2000 - 2004) và biên soạn thành công hai cuốn sách Văn học Dân gian Quảng Nam (Tập III, Miền Biển, xuất bản năm 2001, và Tập IV, Miền Núi, xuất bản năm 2004). Nếu anh Nguyễn Đức Tuấn không phải là người nhìn xa trông rộng, thấy trước sự mai một, mất mát của vốn văn hóa dân gian, mà không ưu ái giao cho tôi nhiệm vụ điền dã và tiếp tục biên soạn, thì đã không có hai cuốn sau của bộ sách 4 tập.

Năm 2015, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Chi nhánh Miền Trung - Tây Nguyên), mà cụ thể là nhà văn Thái Bá Lợi, được UBND tỉnh Quảng Nam duyệt chi 200 triệu để tái bản bộ sách gồm 4 tập của chúng tôi. Nhưng, vì lý do nào đó, Sở VHTT không đồng ý, và Nhà xuất bản Hội Nhà văn không có điều kiện tài chính để in lại bộ sách của chúng tôi. Nhưng trong cái rủi có cái may, vì nếu ngày ấy, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản (và trả nhuận bút cho tôi), thì bộ sách in ra vẫn là 4 tập sách cũ, có thể nói còn nhiều thiếu sót, nhất là hai Tập III và IV chỉ là văn học dân gian Quảng Nam. Từ việc Nhà xuất bản không thể tái bản, mà tôi có quyết tâm tự đi điền dã bổ sung và tu chỉnh, lý giải, hoàn chỉnh hai tập I và II, rồi viết mới hai tập III và IV, thành một chỉnh thể “Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng” gồm 4 tập, với 2.100 trang in, khổ 13 x 20cm, được đựng trong một hộp carton, do họa sĩ La Thanh Hiền thiết kế mẫu bìa sách và mẫu hộp rất đẹp.

Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn giãi bày là, cả trong thực tế xã hội và trong lòng nhân dân thì, tuy hiện nay có hai đơn vị hành chánh, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, nhưng trước sau, Quảng Nam- Đà Nẵng bao giờ cũng là một; lại càng là một trong lĩnh vực văn hóa dân gian. Là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi tâm đắc điều ấy và vui vì điều ấy.

TẦN HOÀI DẠ VŨ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bộ sách của một đời người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO