Với diễn biến cực đoan, khó lường của biến đổi khí hậu những năm gần đây đòi hỏi cần có nhiều hơn các tính toán phù hợp trong phòng chống thiên tai (PCTT). Thiệt hại nặng nề ở huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang sau cơn bão số 5 vừa qua, một lần nữa cho thấy sự cấp bách phải hoàn thiện, bổ sung giải pháp PCTT để thích ứng với tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
NGUY CƠ MỚI
Chưa bao giờ người dân ở huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang đối diện với mưa lũ, sạt lở với cường độ kinh hoàng như lần này. Trong khi những ngày đầu năm, Quảng Nam lần đầu tiên xảy ra hạn hán kỷ lục. Đó là những cảnh báo hiển hiện về sự phức tạp của thiên tai, đặt ra áp lực khá thời sự trong bối cảnh hiện tại.
Biến động lớn
Chỉ tính riêng địa bàn huyện Tây Giang, con số thiệt hại do bão số 5 gây ra đã là hơn 173 tỷ đồng (theo thống kê của địa phương). Toàn bộ tuyến giao thông ĐT606, và ĐH liên huyện cũng như tuyến đường lên vùng cao biên giới và các tuyến giao thông nông thôn tại địa bàn 10 xã đều bị sạt lở đất đá trên taluy âm, taluy dương, nhiều đoạn đường bị đứt gãy, gây cô lập hoàn toàn, chia cắt toàn huyện. Hệ thống điện tê liệt suốt 3 ngày, công trình thủy lợi hư hại phần lớn với giá trị khoảng 15 tỷ đồng, 210 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu đã phải sơ tán khẩn cấp. Chính quyền, người dân phải tìm mọi cách băng qua lũ để cứu sống những người mắc kẹt, trong khi 4 xã vùng cao bị cô lập do đường sá ách tắc.
Lãnh đạo huyện Tây Giang lẫn người dân địa phương đều khẳng định chưa bao giờ họ chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như thế. Bão số 5 không phải là một cơn bão mạnh, cũng không trực tiếp đi vào Quảng Nam, tuy nhiên việc mưa lớn xuất hiện trong và sau bão đã để lại hậu quả nặng nề cho vùng cao. Trong khi chỉ mới cách đó hơn hai tháng, hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở khắp các địa phương khiến hàng loạt hồ chứa nước phải sử dụng bơm hút, tát để cứu lúa. Liên tiếp trong các tháng 5, 6, 7, lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình năm trước, có thời điểm chỉ đạt 15% so với cùng kỳ. Những diễn biến cực đoan của thời tiết như lốc, sét, mưa đá, gió giật được ghi nhận ở nhiều địa bàn miền núi, gây ra một số thiệt hại.
Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh thông tin, từ đầu năm đến nay, cơn bão số 5 là cơn bão thứ hai tác động đến địa bàn tỉnh và là cơn bão tác động mạnh nhất. Ngoài ra, dòng chảy các sông biến đổi chậm, mực nước khá thấp tác động nhiều đến tình hình sản xuất nông nghiệp của nhiều huyện đồng bằng.
Cảnh báo
Ông Trương Tuyến - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho hay, những năm gần đây, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới chịu ảnh hưởng thiên tai nặng nề chưa từng có. Các tỉnh thành trong cả nước cũng đã xuất hiện mưa lũ, sạt lở, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Riêng Quảng Nam, lần đầu tiên sau 40 năm, mực nước sông Thu Bồn tại Giao Thủy về mức thấp nhất trong lịch sử. Tình hình dòng chảy sông Vu Gia ghi nhận được tại trạm thủy văn Thạnh Mỹ chỉ đạt 10 - 15% so với trung bình. Hàng loạt hồ chứa về mực nước chết hoặc dưới mực nước chết, trong khi lượng mưa bổ sung thiếu hụt nghiêm trọng.
“Đây là điều bất thường cần cảnh báo. Năm 2020 và những năm tiếp theo, hiện tượng Lanina dự báo sẽ để lại nhiều hậu quả: bão tăng về số lượng và cường độ, mưa lớn diện rộng xuất hiện, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn. Theo nhận định của chúng tôi, khả năng sẽ xuất hiện từ 7 - 9 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có vài cơn bão có thể ảnh hưởng đến các địa phương Quảng Nam từ tháng 9 đến tháng 11, cần đề phòng những xoáy thuận nhiệt đới có diễn biến phức tạp về thời gian, quỹ đạo, cường độ và phạm vi ảnh hưởng, mà cơn bão số 5 là ví dụ điển hình. Ngoài ra, từ tháng 9 trở đi, các hiện tượng dông, sét, tố, lốc vẫn có thể xuất hiện. Mùa lũ năm nay dòng chảy trên các sông có thể có từ 3 - 5 đợt biến động mạnh, đỉnh lũ lớn nhất khả năng cao hơn năm 2019, ở mức báo động II đến báo động III, xuất hiện lũ tập trung vào giữa tháng 10 đến giữa tháng 12, đỉnh lũ lớn nhất có thể nằm vào tháng 11” - ông Tuyến dự báo.
CHUẨN BỊ NHIỀU GIẢI PHÁP
Việc phát huy “4 tại chỗ” vẫn được xem là yếu tố tiên quyết đối với công tác ứng phó thiên tai. Sự chủ động của các cấp, ngành, địa phương cũng như gia tăng sự kết nối, liên lạc và phối hợp kịp thời sẽ tăng khả năng chống chịu, giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại. Những giải pháp mang tính bền vững như hoàn thiện bản đồ ngập lụt, điều hành hệ thống cảnh báo, ứng dụng công nghệ thông tin… cũng cần được tính đến.
Ứng phó theo cấp độ rủi ro
Đại tá Lê Văn Quyền - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ, thực tiễn cho thấy việc hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai phụ thuộc rất lớn vào công tác chuẩn bị ứng phó. “Các địa phương cần có sự rà soát, điều chỉnh kịp thời về kế hoạch PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN), chuẩn bị đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc thù của địa phương mình. Ngoài ra, sự đôn đốc, kiểm tra từ cấp trên cũng hết sức quan trọng, đảm bảo đúng theo kế hoạch đề ra, không để bị động bất ngờ khi có tình huống nảy sinh. Việc này giúp phát hiện, sửa chữa kịp thời các trang thiết bị, sẵn sàng phương tiện phục vụ sơ tán, di dân. Chúng tôi cũng đã tham mưu hướng dẫn các địa phương thành lập đội xung kích PCTT cấp xã theo Quyết định số 08 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT. Đến nay, đã có 18/18 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện 210 đội xung kích, còn 31 xã, phường chưa thành lập. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các lực lượng này đồng thời tham mưu hoàn thiện, bổ sung đáp ứng khả năng hoạt động ở cơ sở tốt hơn” - Đại tá Quyền nói.
Là địa bàn thường xuyên chịu tác động của mưa lũ, bài học từ nhiều năm qua giúp TP.Hội An hoàn thiện tốt hơn phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, mục tiêu của các phương án là huy động tối đa các nguồn lực để chủ động ứng phó trước các tình huống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu; chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
“Trong những năm qua, Hội An đã chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT và TKCN. Năm 2020, công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai được xây dựng theo từng cấp độ rủi ro, với hai loại thiên tai bao gồm “áp thấp nhiệt đới, bão” và “lũ, ngập lụt”, tính toán ứng phó được với cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 5. Tùy vào tình hình thực tế và cấp độ rủi ro mà các biện pháp ứng phó được vận hành, tạo sự chủ động và xuyên suốt trong mọi tình huống, bám sát phương án di dời, sơ tán dân và bảo vệ các công trình trọng yếu đã được vạch ra” - ông Hùng thông tin.
Gấp rút bổ sung giải pháp
Bản đồ ngập lụt được các địa phương nhắc đến khá nhiều trong việc xây dựng, kiện toàn kế hoạch PCTT năm 2020. Quảng Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị Trung ương phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du Vu Gia - Thu Bồn. Ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho hay, bản đồ ngập lụt đối với mỗi địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành sơ tán dân cũng như phục vụ các nhiệm vụ trong PCTT.
“Hiệp Đức đã chỉ đạo lực lượng quân sự, các xã cùng các ban ngành phối hợp xây dựng bản đồ ngập lụt để điều hành, kịp thời thông tin cảnh báo người dân theo từng cấp độ thiên tai. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị nên vận hành một số trang thiết bị cảnh báo ở vùng có khả năng ngập lụt để người dân chủ động nắm thông tin. Lâu nay, công tác cảnh báo trực quan vẫn còn một số khoảng trống, rất bị động. Nếu người dân không kịp thời nắm bắt, có thể dẫn đến nguy cơ thiệt hại về người khi có lũ… Cũng nên nghiên cứu, xem xét việc ứng dụng công nghệ thông tin về điều hành, cảnh báo, để người dân có thể tiếp cận nhanh nhất những thông tin liên quan đến thiên tai cùng các chỉ đạo quan trọng của cơ quan chức năng” - ông Công nói.
Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, để góp phần chủ động PCTT, địa phương chủ động thực hiện việc di dời, sơ tán dân, sắp xếp ổn định dân cư . “Nam Trà My từng xảy ra đợt lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng làm chết và mất tích 11 người, 286 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Liên tục từ đó đến nay, chúng tôi đã chủ động cho rà soát, di dời, vận dụng lồng ghép nhiều nguồn vốn để sắp xếp dân cư, vừa đảm bảo chủ trương phát triển kinh tế xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu PCTT, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do nạn lũ quét, sạt lở đất. Đây cũng là giải pháp hết sức hữu hiệu trong PCTT những năm sắp đến” - ông Mẫn nói.
ĐẢM BẢO AN TOÀN HỒ, ĐẬP
Công tác quản lý an toàn và PCTT trong quá trình thi công xây dựng và quản lý vận hành các đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh hệ thống này tham gia rất lớn vào việc điều tiết lũ, chống hạn. Tuy nhiên, cũng có không ít áp lực đặt ra trong quá trình quản lý.
Địa phương kêu khó
Huyện Núi Thành hiện có 8 hồ chứa thủy lợi. Bên cạnh 2 hồ chứa lớn là Thái Xuân do Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý và Bàu Vang do UBND xã Tam Mỹ Tây quản lý, 5 hồ chứa vừa và 1 hồ chứa nhỏ được giao cho địa phương. Tất cả hồ chứa được điều tiết bằng tràn xả tự do, không có cửa van. Trừ hồ chứa Thái Xuân, hầu hết hồ chứa được địa phương giao cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và tổ /đội thủy nông tại địa phương vận hành, chưa đáp ứng quy định về tiêu chuẩn và năng lực theo Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14.5.2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Đây cũng là nỗi lo lớn của địa phương nhiều năm qua. Trong khi đó, qua quá trình kiểm tra, đánh giá, có một số đập bị hư hỏng nhẹ.
“Từ trước đến nay, địa phương tự tổ chức quản lý vận hành hồ chứa theo kinh nghiệm hoặc qua các lớp tập huấn ngắn hạn về quản lý hồ chứa hằng năm do Chi cục Thủy lợi tỉnh tổ chức. Không có địa phương nào đảm bảo năng lực theo quy định về tiêu chuẩn và năng lực. Điều này xuất phát từ việc nguồn thu từ các hồ chứa không đủ để chi trả lương cho người vận hành đúng theo năng lực. Chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách đào tạo nhân lực quản lý vận hành các hồ, đập theo Luật Thủy lợi, đồng thời bố trí nguồn ngân sách để chi trả lương cho người quản lý vận hành nhằm đáp ứng được các quy định về an toàn đập, hồ chứa. Núi Thành cũng mong muốn được hỗ trợ kinh phí kiểm định an toàn đập theo định kỳ và lập bản đồ quy hoạch vùng hạ du các hồ chứa trong phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp” - ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành kiến nghị.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã đưa vào vận hành, khai thác sử dụng 73 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích xấp xỉ 525 triệu khối nước; trong đó có 22 hồ chứa nước lớn; 21 hồ chứa nước vừa và 30 hồ chứa nước nhỏ. Ngoài hồ chứa Thái Xuân kể trên, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý 16 hồ chứa khác, số còn lại do địa phương quản lý. Đáng nói, chỉ có 12/56 hồ do địa phương quản lý lập, phê duyệt phương án PCTT. Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp chỉ mới lập, phê duyệt cho hồ Khe Tân (do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi quản lý) và 6 hồ do huyện Đại Lộc quản lý, số còn lại vẫn đang triển khai thực hiện. Tương tự huyện Núi Thành, điều này cũng gia tăng thêm áp lực cho các địa phương trong quá trình quản lý, vận hành.
Chờ bản đồ ngập lụt
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có có 2 đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt là Sông Tranh 2, Sông Bung 4; 19 đập, hồ chứa thủy điện lớn (16 đập, hồ chứa thủy điện đã vận hành và 3 đập, hồ chứa đang thi công xây dựng) cùng 4 đập, hồ chứa thủy điện loại vừa. Toàn bộ số hồ chứa thủy điện này đã thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn; bảo trì, sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa và thực hiện báo cáo hiện trạng an toàn năm 2020. Đồng thời đảm bảo công tác tổ chức lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ, tổ chức quan trắc đập, hồ chứa thủy điện, thu thập, phân tích số liệu đánh giá mức độ an toàn so với thiết kế và cung cấp thông tin, báo cáo về cơ quan khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, phương án PCTT cho công trình đang vận hành, công trình và vùng hạ du đang thi công của một số thủy điện vẫn chưa được phê duyệt. Có 16 công trình chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện do liên quan đến bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hạn chế hiện nay là một số chủ quản lý đập, hồ chứa thủy điện báo cáo hiện trạng an toàn đập nhưng không nêu thời gian bắt đầu, kết thúc kiểm tra công trình trước mùa lũ. Điều này dẫn đến thiếu cơ sở đánh giá nội dung báo cáo của chủ quản lý đập. Ngoài ra, trong phạm vi bảo vệ đập, còn có tình trạng người dân neo đậu thuyền bè, đánh bắt cá, tắm giặt, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công tác an toàn trong quá trình vận hành các công trình thủy điện, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.
“Sở kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét sớm phê duyệt và chuyển giao bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cho địa phương để có cơ sở triển khai, hướng dẫn các chủ quản lý hồ, đập xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa; hoặc sớm có văn bản trả lời để có cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo thời gian nếu thẩm quyền phê duyệt không thuộc Bộ NN&PTNT. Thời gian tới, đề nghị các ngành, địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ các chủ đập, hồ chứa thủy điện trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân về công tác bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động gây cản trở, xâm hại, gây mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện” - ông Quang nói.
SẴN SÀNG CHO CỨU HỘ, CỨU NẠN
Theo báo cáo, trong năm 2019, trên biển đã xảy ra 39 vụ tai nạn và sự cố liên quan đến ngư dân Quảng Nam làm chết 20 người, 4 người mất tích, 54 người bị thương, 5 người đau ốm, chìm 8 phương tiện, hỏng và gặp sự cố 7 phương tiện, cháy 2 phương tiện. Qua 9 tháng đầu năm 2020, tiếp tục xảy ra 50 vụ tai nạn, sự cố trên biển làm chết 17 người, 1 người mất tích, 139 người bị thương, 4 người bị tai biến, 4 người đau ốm. Trong số này, có hai vụ lật ghe làm chết 11 người tại sông Vu Gia đoạn qua xã Đại Cường (Đại Lộc) và sông Thu Bồn đoạn qua xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Hai vụ tai nạn thương tâm đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, đảm bảo an toàn phương tiện lẫn công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) khi có sự cố.
Đề cập vấn đề này, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể của tỉnh với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng để tăng cường khả năng TKCN trên sông và đất liền. Đối với việc TKCN trên biển, hải đảo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có chức năng báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và tham mưu công tác xử lý nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Đơn vị này đã tổ chức duy trì đài thông tin TKCN tại các Đồn Biên phòng tuyến biển, nắm chắc tình hình tàu thuyền đang hoạt động trên biển, chủ động thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên biển khi có bão và thời tiết nguy hiểm. Tương tự PCTT, phương châm “4 tại chỗ” cũng là yếu tố tiên quyết trong TKCN cả ở trên đất liền, trên sông và trên biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói: “Thực tiễn cho thấy, năng lực của lực lượng tại chỗ quyết định lớn nhất đến hiệu quả của công tác TKCN. Nước xa không cứu được lửa gần, do đó bên cạnh hoàn thiện kế hoạch PCTT, cần có sự chú trọng thích hợp đến khả năng cứu nạn, cứu hộ. Các địa phương trên cơ sở rà soát, đánh giá các điều kiện, cần tiếp tục củng cố hiệu quả hoạt động của các đội xung kích, kiểm tra phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng hoạt động khi cần thiết. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống các tai nạn đuối nước, phòng chống thiên tai… cũng cần sâu rộng, thiết thực và phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng hơn trong thời gian tới”.