Bổ sung quy hoạch khoáng sản nhỏ lẻ: Tránh tái diễn khai thác lén lút

TRẦN HỮU 17/04/2020 10:35

UBND tỉnh vừa đề xuất HĐND tỉnh xem xét thông qua bổ sung quy hoạch khoáng sản vàng phân tán nhỏ lẻ ở một số khu vực miền núi, làm căn cứ để cấp có thẩm quyền cấp giấy phép cho đơn vị xin khai thác.

Khu vực thôn 8, xã Phước Hiệp (Phước Sơn) đưa vào bổ sung quy hoạch khoáng sản vàng phân tán nhỏ lẻ trình HĐND tỉnh kỳ họp sắp đến. Ảnh: T.H
Khu vực thôn 8, xã Phước Hiệp (Phước Sơn) đưa vào bổ sung quy hoạch khoáng sản vàng phân tán nhỏ lẻ trình HĐND tỉnh kỳ họp sắp đến. Ảnh: T.H

Khai thác trái phép vẫn dai dẳng

Năm 2010, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Từ đó đến nay, việc cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vàng gốc chủ yếu thuộc về 2 cơ quan là Bộ TN&MT và UBND tỉnh.

Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, sau đó là nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (trong đó có vàng gốc) đến năm 2025, có xét đến năm 2035, là căn cứ pháp lý để Quảng Nam công bố và thực hiện quy hoạch khoáng sản cụ thể hơn.

Các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, có thể khai thác quy mô công nghiệp thì phân quyền quản lý cho Bộ TN&MT; còn phân tán nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh. Tuy vậy, tình trạng lén lút tận thu trái phép suốt thời gian dài diễn ra cả 2 khu vực phân cấp cho Trung ương lẫn địa phương.

Bộ TN&MT thống kê, có gần 100ha có vàng gốc mới phát hiện tại miền núi Quảng Nam, phân bổ rải rác tại nhiều khu vực. Đó là bãi vàng ở khu vực Bãi Cao, khu vực Bãi Đá thuộc xã Phước Hiệp (Phước Sơn); khu vực Bãi Vàng Nhẹ xã Phước Đức (Phước Sơn); khu vực 3, xã Tư (Đông Giang); huyện Bắc Trà My có 2 khu vực Nước Vin (xã Trà Giác) và khu vực Bãi Cao (xã Trà Bui); khu vực Đá Ngựa (Thăng Bình) và Phú Ninh  có 1 khu vực.

Theo Tổng cục Địa chất (Bộ TN&MT), các khu vực trên được đánh giá không có triển vọng khai thác quy mô công nghiệp, nhưng chưa được phân tích cụ thể về số liệu thông tin địa chất, chưa đủ điều kiện phân định là khu vực phân tán, nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật. Thời điểm này, các khu vực trên vẫn chưa có một đơn vị doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác, trong khi đó hàng năm Nhà nước tốn tiền tỷ cho chiến dịch truy quét khoáng sản trái phép, hỗ trợ lực lượng liên ngành của chính quyền tỉnh, huyện (gồm ngành công an, tài nguyên – môi trường, kiểm lâm, quân đội…) tấn công vào các bãi vàng tự phát.

Quy trình thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản được xem như điều kiện ràng buộc trước khi cấp phép. Theo thống kê của Sở TN&MT, đến nay có ít nhất 20 khu vực được phê duyệt thăm dò, khai thác khoáng sản nằm trong rừng tự nhiên, do Bộ TN&MT và UBND tỉnh cấp.

Đáng chú ý, hàng chục ki lô mét vuông có trạng thái rừng tự nhiên được phê duyệt dưới danh nghĩa lập đề án điều tra đánh giá khoáng sản. Chẳng hạn, năm 2017, Bộ TN&MT đã phê duyệt và đồng ý cho Công ty CP Vật liệu xây dựng đường bộ 668 góp vốn đề án điều tra, thăm dò khoáng sản với diện tích hơn 45km2 tại các khu vực xã Phước Năng, Phước Xuân, Phước Hòa, thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), xã Đắc Pring (Nam Giang), khu vực xã Trà Leng, Trà Dơn (Nam Trà My) và các xã Trà Giác, Trà Bui (Bắc Trà My).

Nhà nước chỉ phê duyệt quy hoạch, hay bổ sung quy hoạch khoáng sản phân tán nhỏ lẻ khi có đề xuất của doanh nghiệp; còn nhiều khu vực khác có quy hoạch nhưng thả nổi quản lý vì chưa được cấp phép “danh chính ngôn thuận” và thực tế lực lượng chức năng không đủ sức quản lý.

Tránh thất thoát tài nguyên

Trong Kỳ họp lần thứ 15, khóa IX, HĐND tỉnh sắp tới (dự kiến tổ chức ngày 21 và 22.4), UBND tỉnh đề xuất đưa 3 khu vực vào bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đó là khu vực thôn 8, xã Phước Hiệp (Phước Sơn); khu vực xã Trà Văn, xã Phước Kim (Phước Sơn) và khu vực vàng gốc tại Núi Vú, xã Tiên Phong (Tiên Phước). Đây là những khu vực đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động nhưng hiện nay đã hết hạn.

Tại bãi vàng thôn 8 (xã Phước Hiệp), UBND tỉnh cấp phép khai thác vàng gốc và thuê đất cho Công ty CP Nam Mai từ năm 2007 đến tháng 6.2016. Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục cho phép công ty này thăm dò từ tháng 11.2016 đến 11.2018. Hiện trạng khu vực thôn 8 là đất đồi núi chưa sử dụng do UBND xã quản lý sau khi doanh nghiệp hết phép khai thác. Còn khu vực Trà Văn (xã Phước Kim), UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Lý Châu Giang đến hết tháng 7.2017.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, sở đã điều chỉnh diện tích khu vực sau khi rà soát cụ thể hiện trạng rừng trên thực tế, bóc tách không đưa diện tích có rừng tự nhiên vào khu vực doanh nghiệp đề nghị, kết quả diện tích còn lại là 6,7ha. Trong khi đó, UBND tỉnh vừa xác nhận kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng vàng gốc tại khu vực Núi Vú, xã Tiên Phong (Tiên Phước) của Công ty TNHH Đức Lộc. Tuy các doanh nghiệp đóng cửa hoạt động, song thực tế vẫn còn xảy ra việc lén lút khai thác trong khi chờ đợi giấy phép mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, trước khi cấp lại giấy phép mới, các doanh nghiệp đều phải lập dự án khai thác, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bổ sung quy hoạch khoáng sản nhỏ lẻ: Tránh tái diễn khai thác lén lút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO