Bỏ thì thương, vương thì tội

NGUYỄN ĐIỆN NAM 10/12/2023 07:55

Chuyện bỏ hoang ruộng đồng đã nói nhiều, nhưng dường như không ít nơi vẫn chưa tìm được cách hóa giải hữu hiệu.

Vậy nên, trong cuộc tiếp xúc cử tri do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cùng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam, diễn ra tại Núi Thành vừa qua, lại có ý kiến cho hay “thực tế buồn” khi nhiều diện tích đồng ruộng bị bỏ hoang.

Có người nói ruộng bỏ hoang quá nhiều bởi thu nhập từ nông nghiệp quá thấp, mỗi mùa trồng lúa “may lắm” thu lời được khoảng hai, ba trăm nghìn đồng/sào, thậm chí lỗ. Mặt khác thanh niên nông dân cũng đi làm công nhân, dù cực nhưng thu nhập cao hơn, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”.

“Thực trạng buồn” của chuyện bỏ ruộng hoang có lẽ không chỉ ở Núi Thành. Chỉ cần đi dọc quốc lộ 1 sẽ thấy nhiều đám ruộng để cỏ dại mọc tràn. Năm nay thì chưa thấy số liệu thống kê chính thức, nhưng có lẽ với con số 5.640ha ruộng bị bỏ hoang ở thời cao điểm năm 2020, chắc chưa dễ khắc phục được hết số diện tích ấy.

Tình trạng bỏ ruộng có thể hiểu được ở những nơi đô thị hóa mạnh, nhiều nhà máy xí nghiệp mọc lên thu hút lực lượng lao động chuyển từ nông dân qua công nhân. Chẳng hạn Hà Nội, đầu năm nay có tới 4.000ha đất ruộng bỏ hoang; hoặc Hải Phòng ruộng bỏ hoang tràn lan, đến mức có xã gần như bỏ trắng diện tích trước đây trồng lúa.

Rõ ràng, đất nông nghiệp bị bỏ hoang vừa ảnh hưởng đến an ninh lương thực, vừa gây lãng phí tài nguyên. Xưa, ông cha từng khuyến dụ “ai ơi đừng bỏ ruộng hoang, bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”, nhưng giờ thì không ít nơi bỏ cả “bờ xôi ruộng mật”.

Lý do đầu tiên là từ sự dịch chuyển đi làm công nhân, làm thợ, dịch vụ,… khiến không ít vùng chỉ còn người già ở nhà, nên không có nhân lực làm ruộng. Nhưng căn cốt là trồng lúa theo kiểu truyền thống thì hầu như không lời lãi, hoặc chi phí giống, phân bón, công cấy cày, thu hoạch “ăn gần hết” phần lời, nên nông dân không mặn mà. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng qua rau màu thì thu nhập khá hơn, nhưng lại bấp bênh đầu ra thị trường.

Khó khắc phục triệt để diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, nhưng không phải là không có giải pháp. Ở Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông đã bắt đầu tư vấn cho nông dân thành lập câu lạc bộ đại điền, tích tụ ruộng đất và tổ chức sản xuất tập trung bằng cơ giới, ứng dụng khoa học kỹ thuật và thâm canh năng suất cao.

Quảng Nam cũng đã tích cực dồn điền đổi thửa hàng chục nghìn héc ta để xây dựng cánh đồng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu theo chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Đặc biệt có những mô hình ở cơ sở rất hay như xã Bình Đào (Thăng Bình) triển khai tích tụ, tập trung ruộng đất, để từ đó HTX nông nghiệp Bình Đào áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, tiến bộ khoa học vào đồng ruộng giảm chi phí sản xuất, tạo ra năng suất cao.

Năng suất lúa khu vực tập trung tích tụ cao hơn năng suất bình quân toàn xã, kéo theo lợi nhuận của người nông dân được tăng thêm 20% so với sản xuất lúa thường. Thú vị hơn nữa là mô hình “Người nông dân yêu đất”, tại Cẩm Châu (Hội An), đã gom đất ruộng bỏ hoang chuyển qua canh tác trang trại, chăn nuôi tổng hợp, xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển đời sống.

Trong nghị quyết của Quốc hội định hướng nhiệm vụ năm 2024, vẫn nêu rõ việc phải “bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản”. Do đó, thiển nghĩ cần phải rà soát diện tích đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng bỏ hoang để thực hiện mục tiêu ấy.

Nông dân Việt không yêu đất đai làm sao có thể sản xuất ra hạt gạo ngon và xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu thế giới? Đừng để họ “bỏ thì thương, vương thì tội” khi phải nhìn cánh đồng hoang hóa, nên cần cả hệ thống chính trị giúp sức cho họ trụ lại và sống được với ruộng đồng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bỏ thì thương, vương thì tội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO