Người Cơ Tu ở núi rừng Trường Sơn, bên cạnh bộ trang phục truyền thống, họ còn là tộc người thích sử dụng đồ trang sức với sự đa dạng về chất liệu như tre nứa, đá, xương, vuốt, răng, đồng, bạc, chì... Cái lạ và độc đáo nhất trong trang sức đeo cổ của người Cơ Tu có thể nói là chiếc nanh heo rừng hoặc heo nhà.
Những nghệ nhân diễn tấu trống chiêng trong lễ hội với món trang sức bằng nanh heo rừng. Ảnh: Tấn Vịnh |
Mỗi lần săn được heo rừng, đồng bào giữ lại bộ nanh để làm đồ trang sức. Heo càng già thì chiếc nanh càng dài và quý. Người ta lấy chiếc nanh heo rừng xỏ vào chuỗi hạt bằng đá hoặc mã não, chiếc nanh sẽ là điểm nhấn trong bộ trang sức vòng cổ, khi đeo nó thòng xuống trước ngực. Việc có được chiếc nanh heo rừng được coi như là kỳ tích săn bắn và cũng là vật chứng tỏ lòng dũng cảm, thiện chiến của người thợ săn.
Nghệ nhân Cơ Tu thổi tù và đang đeo chuỗi trang sức mã nào và chiếc nanh heo rừng. |
Bên cạnh việc săn bắn, người Cơ Tu còn nuôi heo nhà theo cách thức rất đặc biệt để có được chiếc nanh màu ngà, mịn và cong hình xoắn ốc, dài hơn 10cm - 15cm. Để có được một chiếc nanh như ý, người phụ nữ Cơ Tu rất vất vả trong việc nuôi và chăm sóc những con heo. Họ phải chọn lựa con heo thiến để nuôi, một thời gian sau phải phá bỏ răng hàm trên của con heo để tránh sự cọ xát với hai chiếc nanh dưới tạo không gian cho nanh dưới phát triển, và đục một lỗ nhỏ ở đầu nanh để cho nanh cong dần lại. Con heo sẽ được nuôi bằng cám trong 8 - 10 năm thì giết để lấy nanh. Người ta phải làm cẩn thận để chiếc nanh được nguyên vẹn, không bị gãy. Với một chiếc nanh heo đẹp thì người sở hữu có thể đổi được một vài con trâu to dùng trong hiến tế. Người Cơ Tu gọi chiếc nanh heo nhà quý hiếm đó là tơr liêng. Trước đây, đồng bào dùng chiếc nanh heo để cắm trên búi tóc phía sau ót cùng với một vài thứ khác như lược đồng, que tre vót nhọn, lông nhím... Mãi đến những năm 50 của thế kỷ trước, người Cơ Tu mới bỏ dần việc nuôi heo lấy nanh, một việc làm được coi là tốn kém lương thực, thời gian, không lợi cho kinh tế gia đình.
Già Làng Cơ Tu với chuỗi trang sức bằng nanh heo rừng. |
Hiện nay cộng đồng người Cơ Tu không còn dùng nanh heo nhà để trang trí trên đầu tóc, nhưng một số người vẫn giữ chúng như vật quý hiếm, lưu dấu một phong tục xa xưa được gắn vào các chuỗi cườm mã não và đeo bên mình một cách trân trọng trong các dịp lễ hội. Người ta có thể nối hai chiếc nanh heo rừng lại với nhau để chúng có độ cong và dài như nanh heo nhà nuôi kỳ công như trước đây. Trong các lễ hội lớn của cộng đồng, các vị già làng dân tộc Cơ Tu thích đeo chuỗi trang sức nanh heo cùng với trang sức mã não. Đặc biệt, để nhớ lại tập quán trang sức một thời của tổ tiên, khi tạc tượng miêu tả sinh hoạt ngày xưa, nhất là các bức tượng trai làng nhảy điệu tâng tung, người Cơ Tu không quên gắn chiếc nanh gỗ trên đầu bức tượng.
Trang sức nanh heo phản ánh tập quán phục sức lâu đời và độc đáo của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, đồng bào Cơ Tu nói riêng. Một số thổ dân sinh sống ở các nước vùng Đông Nam Á hải đảo như Indonesia, Philippines cũng còn giữ tập quán trang sức bằng nanh heo này. Một số nanh heo nhà ngày xưa của đồng bào Cơ Tu đã được sưu tầm, đây là những hiện vật quý được lưu giữ và trưng bày ở các bảo tàng địa phương như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Nam.
TRẦN TẤN VỊNH