Bờ tre quê nhà

20/12/2015 07:32

Cây tre quen thuộc với mỗi người Việt, quen thuộc như hơi thở. Xưa, từ giường tre, nôi tre cho đến hàng trăm vật dụng khác đều gắn liền với thân tre. Nay, tre lui dần vào ký ức, nhường chỗ cho cái gọi là sự tiện dụng và hiện đại. Làm sao dựng lại bờ tre quê nhà?

CÒN KHÔNG, NHỮNG LÀNG NGHỀ TRE?

Trong khi sản phẩm mây tre lá nói chung đang có nhiều thời cơ thuận lợi để chiếm lĩnh thị trường thì ngay tại nơi vốn được xem là vùng đất của tre - các làng nghề tre đã mai một, sản phẩm nông ngư cụ, mỹ nghệ cũng dần thưa vắng.

Những làng nghề đan lát nông ngư cụ, mỹ nghệ tre đã dần mai một. Ảnh: THỤC ANH
Những làng nghề đan lát nông ngư cụ, mỹ nghệ tre đã dần mai một. Ảnh: THỤC ANH

Mai một nghề tre mỹ nghệ

Theo báo cáo của Hiệp hội Mây tre lá Quảng Nam, trung bình trong hai năm 2014 và 2015, mỗi năm cả tỉnh đã nhập khoảng 800 tấn tre các loại để phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm từ tre. Tre nhập về từ các địa phương khác thường có hai loại, khoảng 600 tấn tre lồ ô, bình vông để làm đũa, tăm tre; khoảng 20 tấn tre tầm vông sản xuất chuôi hương, đồ mỹ nghệ... “Do đặc thù tre ở địa phương nhiều mắt và cứng, không đáp ứng được nhu cầu để sản xuất một số loại sản phẩm có xuất xứ từ tre nên các cơ sở, doanh nghiệp buộc lòng phải nhập tre từ địa phương khác về. Một số vùng nguyên liệu tre như Thăng Bình, Hiệp Đức, Nam Giang, Tây Giang... hiện chỉ đáp ứng phần nhỏ nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong tỉnh”, ông Nguyễn Quang Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Mây tre lá Quảng Nam, cho biết. Thực tế lâu nay, các làng nghề sản xuất từ tre đã bắt đầu mai một. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ tre cũng đã không còn “định danh, định thương hiệu” nhiều so với sản phẩm mỹ nghệ làm từ mây. Cơ sở sản xuất mỹ nghệ từ mây tre lá được cho là ăn nên làm ra lâu nay ở Quảng Nam là Xí nghiệp mây tre lá Âu Cơ cũng đã không còn mặn mà với sản phẩm mỹ nghệ từ tre. Ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc Xí nghiệp mây tre lá Âu Cơ cho hay, từ vài năm nay, sản phẩm sản xuất chủ yếu của cơ sở là chỉ là mây. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là khó tìm nguồn nguyên liệu ưng ý và đối tác nước ngoài đặt hàng hầu hết sản phẩm từ mây.

Trong khi đó, ông Lê Viết Tới - chủ cơ sở tre mỹ nghệ Điện An (Điện Bàn) - được đánh giá là một trong số ít cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ tre, cho hay: nguồn nguyên liệu tre của cơ sở được ông nhập về từ các làng quê thuộc hai huyện Thăng Bình, Hiệp Đức. Nếu trong vòng hai ba năm tới, nếu không được tái sinh thì có lẽ nguồn nguyên liệu truyền thống của cơ sở ông cũng như các vùng tre nguyên liệu nằm rải rác trong tỉnh sẽ cạn kiệt. Mỗi cây tre hiện có giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/cây. So với thời điểm cách đây 3, 4 năm thì mức giá tăng thêm khoảng 25% - 30%. So với thời gian để một cây tre sinh trưởng và thu hoạch được, thì giá như vậy rõ ràng là không tăng nhiều. Được biết, sản phẩm mỹ nghệ của cơ sở tre Điện An tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh thành trong cả nước, chưa xuất khẩu ra nước ngoài. “Nguồn nguyên liệu hạn hẹp không đảm bảo cho các đơn hàng vốn nhiều và lâu dài của khách hàng ngoài nước. Máy móc, cơ sở vật chất còn hạn chế cũng là yếu tố khiến chúng tôi không thể mở rộng đơn hàng ra bên ngoài” - ông Lê Viết Tới nói.

Cạn kiệt nguồn nguyên liệu

Trong khi các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre khá đau đầu và khó khăn trong việc tìm vùng nguyên liệu ổn định thì những người làm công tác quản lý cũng không mấy vui với câu chuyện liên quan đến quy hoạch vùng nguyên liệu tre. Theo ông Nguyễn Quang Thuận, cách đây vài năm, hiệp hội vui mừng khi có chủ trương, kế hoạch quy hoạch vùng trồng nguyên liệu tre với hơn 100ha. Quy hoạch cũng chỉ rõ địa phương phù hợp để tập trung vùng nguyên liệu là huyện Nam Trà My và Nam Giang. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch vẫn chưa được triển khai, còn nằm trên giấy vì thiếu kinh phí.

Tìm về làng nghề chuyên sản xuất sản phẩm nông ngư cụ từ tre nổi tiếng một thời của huyện Phú Ninh, chúng tôi cảm nhận sự đìu hiu, không tìm đâu ra không khí động như cách đây 8 – 9 năm. Trước đây, sản phẩm của làng nghề đan lát Tam Vinh có mặt ở hầu khắp làng quê ở huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Tam Kỳ, Thăng Bình... Ngư dân hay nông dân đều rất ưa chuộng sản phẩm của làng nghề này bởi những sản phẩm đẹp mắt, chắc chắn và tiện dụng trong sản xuất và đời sống mà các dụng cụ bằng sắt, nhôm, nhựa không thể bì kịp. Nhưng nay, dẫu sản phẩm có sự ưu việt, đẹp mắt từng được thị trường ưa chuộng cũng đã lui dần vào dĩ vãng.

Đi tìm nguồn cơn, chúng tôi mới hay, làng nghề đan lát Tam Vinh sau khi huyện Phú Ninh tái lập thì nằm gọn trong quy hoạch thị trấn Phú Thịnh. Những xáo trộn trong quá trình quy hoạch thị trấn cũng như một vài nguyên nhân khác như thu nhập từ nghề thấp, các cơ sở sản xuất đũa tre hoạt động tự phát khiến nguồn nguyên liệu bị phá vỡ... đã khiến làng nghề mai một dần. Anh Dương Hồng Lĩnh - chuyên viên trung tâm phát triển cụm công nghiệp dịch vụ huyện Phú Ninh, cho hay: “Chúng tôi đã và đang rất đau đầu với cơ sở sản xuất đũa tre tự phát. Thời gian một cây tre lớn và trưởng thành phải mất 7 - 8 năm. Thế mà vì lợi ích trước mắt, trong một ngày cơ sở sản xuất đũa tre có thể ngốn 3 – 5 bụi tre, tre gì họ cũng cắt sạch, bất kể tre già hay non”. Cũng theo các chuyên viên trung tâm, trước đây huyện Phú Ninh cũng có quy hoạch vùng nguyên liệu tre dọc sông La Gà nhưng quy hoạch hiện cũng đã bị phá vỡ do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Không riêng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay nông ngư cụ có nguy cơ thất sủng dần mà cả sản phẩm nhỏ nhất như tăm tre cũng không còn được sản xuất chính ở vùng đất vốn nhiều tre như trước đây. Theo các thành viên hội người mù huyện Tiên Phước, Phú Ninh... nghề sản xuất tăm tre cũng không được xem là nghề tạo thu nhập cho họ như trước đây. Nếu có chăng, chỉ là đôi ba người làm và đi bán dạo, dạng nhỏ lẻ. Bởi, họ không thể cạnh tranh với sản phẩm tăm tre được sản xuất bằng máy và được bán hàng loạt trên thị trường. “Một hộp tăm có xuất xứ từ Long An, Sài Gòn được sản xuất bằng công nghệ cắt CNC, nhỏ, đẹp mắt, tiện dụng, bao bì đẹp nhưng được bán chưa đầy 2.000 đồng/hộp, nên sản phẩm thủ công của thành viên hội người mù không thể nào cạnh tranh nổi. Sản phẩm của những người khuyết tật vì thế cũng không còn đất sống là điều dễ hiểu” - một cán bộ Sở Công Thương nói.  (CHIÊU THỤC ANH)

KHOẢNG TRỐNG SẢN PHẨM LƯU NIỆM

Trong số những mặt hàng lưu niệm du lịch bày bán tại Hội An, sản phẩm được làm từ tre dù không nhiều nhưng vẫn có một vị trí trang trọng trong lòng du khách, góp phần tạo nên nét lạ độc đáo để làm nên hồn phố cổ.

Sản phẩm tre vẫn được một bộ phận du khách thích thú.
Sản phẩm tre vẫn được một bộ phận du khách thích thú.

Độc đáo kiểu dáng

Một trong những sản phẩm độc đáo nhất được làm từ tre phải kể đến gốc tre (trối tre) được chạm trổ thành hình các nhân vật lịch sử như Quan Công, Khổng Tử, Đức Phật, bộ Phước – Lộc – Thọ… do các nghệ nhân người Hội An chế tác. Đi đầu về mặt hàng tượng gốc tre chính là 2 nghệ nhân Đinh Xuân Hùng và Huỳnh Phương Đỏ, những người đã mày mò tìm kiếm kiểu dáng và hướng đi cho dòng sản phẩm của mình có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, không chỉ ở Hội An mà còn mở rộng ra nhiều trung tâm du lịch khác của cả nước như Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội, Mũi Né, Phú Quốc… Hiện tại hai cơ sở này mỗi tháng xuất ra thị trường hàng trăm tượng tre các loại mang về doanh thu vài trăm triệu đồng. Theo bà Trần Thị Thu Vân (vợ ông Huỳnh Phước Đỏ) - chủ cửa hàng tượng tre lưu niệm trên đường Bạch Đằng (Hội An), đối tượng khách mua rất đa dạng từ trong nước đến ngoài nước như Pháp, Hà Lan, Úc… Thậm chí, nhiều du khách còn đến yêu cầu tạc tượng theo mẫu mang tới. Có ngày shop của bà thu hút gần trăm khách đến xem, chọn lựa mua hàng. Giá cả cũng phụ thuộc vào độ sắc sảo và độc đáo của tượng, thấp nhất 150 - 500 nghìn đồng, cá biệt có tượng bán được 1 - 2 triệu đồng như tượng Quan Công, tượng chúa Jesu, đức mẹ Maria. “Có khách từ Hà Nội đi máy bay vô đến Hội An chỉ để mua vài tượng gốc tre mang về” - bà Vân kể. Nhiều vị khách cho rằng, yếu tố làm nên sức hút của sản phẩm tượng gốc tre chính là sự mộc mạc, tự nhiên của vật liệu khi mỗi tượng đều mang một sắc thái khác nhau và rất có hồn với tóc, râu, lông mày… khá tự nhiên vì được tận dụng từ các rễ gốc tre hết sức khéo léo.      

Một sản phẩm khác cũng không kém phần độc đáo tại Hội An chính là xe đạp khung tre của anh Võ Tấn Tân (Cẩm Thanh). Đây là khung xe được làm bằng loại tre gai đặc ruột rất bền dẻo, chắc chắn nhằm chịu được lực của người đạp. Bình quân mỗi tháng cơ sở anh xuất sang châu Âu từ 7 - 8 khung với giá khoảng 700 USD/khung. Bên cạnh đó, cơ sở cũng chế tác ra nhiều sản phẩm nhỏ nhắn, đẹp mắt theo đơn đặt hàng của các khách sạn, nhà hàng và bán tại chỗ cho du khách như gạt tàn, hộp đựng trang sức, hộp đựng bút, đồng hồ tre, mô hình cua đá Cù Lao Chàm… Ngoài ra, trên các shop lưu niệm tại Hội An cũng dễ dàng bắt gặp các mặt hàng quen thuộc được làm bằng vật liệu tre như đèn lồng các loại, ống đựng đũa, đồng hồ, chuông gió, đàn tre, mặt nạ… tất cả đã góp phần tạo nên nét đặc trưng cho phố trong lòng du khách.

Hiệu quả không cao

Dù được một bộ phận khách hàng ưa chuộng về sự độc đáo và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, có thể nhận thấy phần lớn sản phẩm được làm từ vật liệu tre vẫn khá khiêm tốn và đơn điệu, chưa có sự đột phá về kiểu dáng mẫu mã để đủ sức cạnh tranh với những mặt hàng thủ công khác. Qua tìm hiểu tại các cơ sở, hầu hết ý kiến cho rằng, so với những sản phẩm khác việc sản xuất sản phẩm lưu niệm từ tre hiệu quả không cao do đầu tư công sức, kỹ thuật nhiều nhưng lợi nhuận thấp. Theo ông Huỳnh Văn Trung - cơ sở đèn lồng Hội Ba, trước đây thỉnh thoảng cơ sở ông vẫn làm đèn lồng tre vì đây là mẫu đèn khá đẹp và tinh xảo, không ít khách thích thú với kiểu dáng đèn này nhưng do những hạn chế như cồng kềnh, khó xếp, giá bán đắt… nên hiện cơ sở chỉ còn làm theo đơn đặt hàng hoặc làm mẫu trưng bày tại các hội chợ, sự kiện… “Nhiều khách nước ngoài vào xem rất muốn mua mang về làm quà nhưng khi biết không thể xếp lại được, đành thôi. Chưa nói, giá cũng cao hơn đèn lồng vải vì tốn nhiều thời gian đầu tư. Nói chung bán đắt thì ít người mua còn bán thấp hơn thì không lời, do đó chúng tôi không sản xuất hàng loạt là vậy” - ông Trung chia sẻ. Tương tự, theo ông Nguyễn Bội Lâm - chủ cơ sở Bội Lâm, hiện cơ sở của ông chủ yếu sản xuất hàng dân dụng và trang  trí theo đơn đặt hàng của khách sạn như phòng ốc, quầy bar…, rất ít hàng lưu niệm bằng tre. “Đồ thủ công bằng tre thường làm khó hơn đồ gỗ vì lao động phải có tay nghề kỹ thuật cao, thời gian để hoàn thành một sản phẩm cũng lâu nhưng lời lãi không bao nhiêu nên ít tập trung sản xuất chứ không phải không làm được. Nói chung đầu tư dòng sản phẩm này không hiệu quả nên không làm thôi” - ông Lâm nói.

Chế tác sản phẩm lưu niệm từ tre đòi hỏi kỹ thuật và tốn thời gian nhưng lợi nhuận thấp.  Ảnh: VĨNH LỘC
Chế tác sản phẩm lưu niệm từ tre đòi hỏi kỹ thuật và tốn thời gian nhưng lợi nhuận thấp. Ảnh: VĨNH LỘC

Bà Nguyễn Thị Xuân Vui – Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An thừa nhận, hiện nay các cơ sở chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ tre tại Hội An rất ít, phần lớn tập trung ở Cẩm Thanh kết hợp với nghề làm dừa nước theo kiểu gia đình, ít lao động và làm theo đơn đặt hàng, chủ yếu đồ dân dụng. Vì vậy, ngoài sản phẩm tượng tre đã khẳng định được thương hiệu và sản xuất theo quy mô tương đối lớn, đa số sản phẩm thủ công vật liệu tre khác chỉ mang tính nhỏ lẻ, ngẫu hứng của cá nhân không chuyên, nên thường khó có sự đột phá trong mẫu mã thiết kế. Chưa kể, do sản phẩm thủ công tre thường đòi hỏi sự tỉ mẩn, kỳ công nhưng lợi nhuận không cao hơn so với các mặt hàng khác nên cũng khó hình thành lên một dòng sản phẩm lưu niệm từ tre riêng biệt tại Hội An. “Để thúc đẩy ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ tre phát triển, dự kiến thời gian tới phòng sẽ tổ chức cuộc thi mẫu quà tặng lưu niệm bằng tre, nhưng tôi vẫn lo vì không có đủ người tham gia” - bà Vui cho biết. (THÂN VĨNH LỘC)

GÓC QUÊ CỦA BÙI KIẾN QUỐC

Từ làng nghề Cẩm Thanh lấy cảm hứng chính từ những ngôi nhà tre, vách tre, lợp lá dừa nước và tất cả bàn ghế vật dụng đều bằng tre, KTS. Bùi Kiến Quốc đã sang bên kia bến sông Cẩm Hà và dừng chân ở vùng bãi bồi sạt lở Triêm Tây.

Ảnh: T.Đ.T
Ảnh: T.Đ.T

Anh đầu tư mua lại hoặc hợp tác với từng chủ ngôi nhà, khu vườn đang bị đe dọa cuốn trôi ở đây để làm khu du lịch nhà vườn. Nhưng vấn đề đầu tiên vẫn là chống… sạt lở. “Và tất nhiên với người làm kiến trúc thiên về khai thác vật liệu tại chỗ như tôi, chú ý quan trọng nhất vẫn là cây tre đã tồn tại hàng thế kỷ ở đây…” - ông Quốc nói.

Nhà báo Trương Điện Thắng - tác giả tập bút ký “Tre mãi bên người” (NXB Đà Nẵng):

Tôi luôn đau đáu với một đề án xây dựng “Bảo tàng tre Việt Nam” từ hai mươi năm nay khi bắt đầu nghiên cứu về cây tre Việt Nam và thế giới. Bảo tàng ấy sẽ lưu giữ và giới thiệu những nét riêng của cây tre Việt cần gắn liền với cuộc sống nông thôn và nghề trồng lúa nước…

Sự cần thiết phải xây dựng một bảo tàng tre như vậy là nhằm lưu giữ những công cụ sinh hoạt, sản xuất từ cây tre của người Việt cũng như sưu tập, phục tráng các giống tre và trồng có hệ thống những loài tre bản địa Việt Nam, các giống tre gắn liền với lịch sử như Tre thánh Gióng, tre Tầm vông ngoài trời... Trong bảo tàng tre còn có khu vực trưng bày các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đồ thủ công lấy hình tượng cây tre làm đề tài sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam đương đại. Bên cạnh Bảo tàng tre Việt Nam, còn có thể xây dựng một xưởng chế tác, phục chế các công cụ bằng tre, các phiên bản thu nhỏ bằng tre...

Một bảo tàng tre như vậy cần có một địa điểm thích hợp gắn liền với bộ phận cư dân làm lúa nước để khai thác các loại hình du lịch sinh thái thích hợp…

Vậy là tất cả lũy tre, bụi tre ven bờ sông, những hàng tre rợp bóng đường làng đã được giữ lại. Giữ lại để giữ cảnh quan, bảo tồn không gian sống của nông thôn xứ Quảng bao đời. Giữ lại và gia cố thêm những lũy tre để chống sạt lở thêm bờ sông cũng là để… giữ làng như ông Quốc nói. Và quan trọng hơn mà tôi thấy, tre sinh sôi nẩy nở và đã được khai thác để làm thêm nhà, để tạo thành những hàng rào liên kết kéo ra ngoài mặt sông, có chỗ là những bè tre sơ sài nổi trên mặt nước để cản sóng đập vào bờ. Tre của ông Quốc giờ là “liên quân” với các loại cỏ có bộ rễ lớn trồng dọc bờ sông để giữ đất…
Tre ở Triêm Tây giờ là các giá kệ đựng đồ sinh hoạt trong mỗi căn phòng cho khách đến lưu trú, là những chiếc ghế bố mượt mà cho khách ngả mình mỗi trưa chiều hay lúc hoàng hôn trên sông Thu huyền ảo. Có dịp vào ở trong những căn phòng ở tầng hai, ta mới thấy dụng công của người làm kiến trúc: Không chỉ là những rặng tre uốn cong quanh vườn mà là những tán mát của tre “đâm lên” qua các lỗ trống của sàn bê tông để tỏa bóng râm vào các sân thượng. Ông Quốc hãnh diện: “Tôi có thể bỏ đi một mét vuông sàn, không đổ bê tông, để dành chỗ cho một bụi tre vươn lên…”.

Cái “không gian xanh” ấy ở Triêm Tây còn được nhân rộng bởi một tiểu dự án mà UNESCO đã tham gia tài trợ: Cuộc thi làm hàng rào bằng tre trúc, bằng cây xanh cho cả cộng đồng dân cư chung quanh khu du lịch…

Cuộc thi đã thành công là nhờ vào đâu? Không chỉ là lý thuyết suông, không chỉ là các khoản tài trợ, mà là lòng người đồng thuận!

Tôi nhiều lần đến Triêm Tây cùng với các thầy giáo, sinh viên Bắc Âu, với các chuyên viên UNESCO và với nhà văn Việt kiều Lệ Lý Hayslip… và biết thêm một điều: Có những cuộc hội thảo để những người dân tham gia, góp ý thật sự vào quy hoạch không gian, giao thông, các tiện ích, ẩm thực của một làng quê được tổ chức và hỗ trợ của chính quyền cơ sở.

Mà lạ thay, cây tre đã được chính người dân kiến nghị giữ lại trong những góp ý! Bởi đó chính là không gian sống mà họ không muốn xa rời! (SÔNG HÀN)

XÓM CŨ

Bà Năm ở xóm tre. Chừng 15 năm trước, khoảng mươi nóc nhà lọt thỏm giữa tre – toàn tre. Nửa buổi ra vườn quơ vài cái, đã có đủ củi vụn chụm được nồi cơm. Cái mùi khói nhẹ bâng đó cứ ngang ngang cánh mũi bà mãi không dứt được. Bây giờ, thỉnh thoảng bà lại ra vườn mót từng bẹ (mo) tre đốt lên. Hồi ấy, xóm bà còn thuộc xã. Xã lên phường khi thị xã lên thành phố. Người trẻ đổ về. Họ mua đất vườn đốn tre đốt gốc làm nhà. Rồi chỉnh trang đô thị đường đất thành đường bê tông xi măng. Điện nước kéo về. Lại chặt tre. Tiếng kẽo kẹt từ mấy bụi tre trước ngõ đầu xóm vắng dần. Tiếng chổi đẩy lá tre khô mỗi sớm vắng dần bà Năm tiếc một mà cái món măng trộn bà tiếc mười. Không phải bà thèm mà đó là món không bao giờ thiếu trên bàn thờ ngày giỗ cha. Hồi ổng còn sống cứ kêu chỉ có măng ở bụi tre đầu ngõ nhà mình ngon nhất bay làm chi thì làm nhớ phải giữ lại bụi tre. Hồi đó cứ chiều chiều là mấy bà ở chợ Mai rảo quanh xóm kiếm mụt măng. Họ nói măng xóm bà Năm ngon, dân họ ưng ăn nên bán nhanh. Rồi quy hoạch khu phố mới. Toàn bộ cánh đồng xanh mướt lúa xanh mướt tre ở xóm bà Sáu mới chiều hôm trước còn rào rào gió chiều hôm sau đã đỏ quạch một màu đất mới từng ụ từng ụ. Bà bỗng vui may quá xóm mình không bị ủi sạch trơn như xóm kia. Cách một con mương chớ mấy.

Chỉ vài người già còn nhớ còn gọi tên xóm tre mỗi khi trả lời địa chỉ cho người mới tới hỏi và trong dịp cúng xóm đầu năm cuối năm. Xóm của bà chừ đã trên ba chục hộ và có tên khai sinh khối phố 4. Hôm rồi loa phường nhắc chiều nay đoàn cán bộ y tế đi phun thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết ở khối phố 4, bà con nhớ thu gọn đậy kỹ đồ đạc. Bà chép miệng xóm mình sốt rần rần không phun đi phun đâu đâu. Con dâu rổn rảng ở khối phố mình chớ đâu má. Ờ, cả chục năm rồi mà bà cũng không nhớ được mình ở khối phố 4. (QUỲNH ĐÌNH)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bờ tre quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO