Bố trí tái định cư miền núi: Ưu tiên di dời xen ghép

ALĂNG NGƯỚC 20/06/2018 13:46

Bên cạnh tổng rà soát các hộ dân nằm trong vùng nguy cấp bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ và chủ động nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động sắp xếp, ổn định dân cư, việc thực hiện bố trí tái định cư miền núi còn chú trọng ưu tiên đến các nội dung di dời xen ghép gắn với hỗ trợ đất sản xuất, đảm bảo theo nhu cầu bức thiết tại các địa phương.

Bố trí dân cư miền núi theo hình thức xen ghép nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao.  TRONG ẢNH: Một góc khu tái định cư ở Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bố trí dân cư miền núi theo hình thức xen ghép nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao. TRONG ẢNH: Một góc khu tái định cư ở Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2017 - 2020, trên địa bàn miền núi có khoảng gần 11.300 hộ dân có nhu cầu sắp xếp dân cư ổn định theo hướng tập trung và xen ghép. Con số này cao gấp 4,5 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh; đồng thời nếu áp dụng theo nguồn kinh phí được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3150 năm 2017, thì chỉ đáp ứng hơn 15% so với nhu cầu.

Chủ động nguồn kinh phí

Tại cuộc họp bàn về công tác bố trí tái định cư miền núi mới đây, đại diện Sở NN&PTNT kiến nghị Ban chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng tây (gọi tắt là Ban chỉ đạo) cần chủ động ưu tiên bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện sắp xếp dân cư theo diện bị ảnh hưởng thiên tai, có nguy cơ mất nhà ở, đất ở và đất sản xuất do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống; hộ đăc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hộ sống phân tán, thưa thớt, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt,… với gần 12 nghìn hộ có nhu cầu. Đặc biệt, cần ưu tiên kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai, gồm 3.813 hộ (trong đó, có 3.332 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng cao cần phải di dời, với 1.562 hộ thuộc diện xen ghép và 1.770 hộ tập trung).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, bên cạnh tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm về kinh tế tại các địa phương, cần chú trọng đến quy hoạch, bố trí và sắp xếp dân cư ở những vùng đặc biệt khó khăn, có nguy cơ cao về thiên tai, bão lũ. Để các dự án sớm được triển khai, song song với công tác rà soát, tổng hợp nhu cầu cụ thể về đất ở, đất sản xuất,… vấn đề kinh phí hỗ trợ cũng phải được ưu tiên, xem đó là cơ hội để miền núi hoàn thiện dần mục tiêu sắp xếp dân cư theo chủ trương của tỉnh. Ngoài ra, kinh phí hoạt động thực hiện dịch vụ chi trả rừng cũng phải được nâng mức cao hơn so với hiện nay. Mục đích đảm bảo việc quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện một cách nghiêm ngặt trong cộng đồng vùng cao. “Cùng với nghiên cứu điều chỉnh nội dung hỗ trợ đất ở tối thiểu 200m2/hộ sang hướng “linh hoạt” dao động 150m2 - 250m2/hộ nhằm giải quyết khó khăn do thiếu quỹ đất ở các địa phương miền núi như hiện nay, Ban chỉ đạo cũng cần bổ sung nội dung hỗ trợ cho ổn định di dời sắp xếp dân cư tại chỗ với số tiền 10 triệu đồng/hộ, cũng như rà soát điều chỉnh tăng tối đa số hộ bị ảnh hưởng thiên tai sang hình thức di dời xen ghép” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiến nghị.

Trong 2 năm (2017-2018), từ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và chương trình nông thôn mới, nguồn kinh phí được cấp cho 9 huyện miền núi đạt hơn 512 tỷ đồng. Riêng ngân sách phân bổ của Trung ương cho nguồn kinh phí thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 258 tỷ đồng (trong đó, kế hoạch năm 2018 là 153 tỷ đồng).

Tập trung bố trí xen ghép

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2017, tại địa bàn 9 huyện miền núi có 24.405 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30,19%, giảm 4,7% so với năm 2016. Trong đó, có 24.104 hộ nghèo về thu nhập và 301 hộ nghèo do thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Qua khảo sát, phần lớn hộ nghèo có nhu cầu, nguyện vọng được hỗ trợ về con giống, phương tiện sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Năm 2017, tại 9 huyện miền núi có 4.816 hộ thoát nghèo, tuy nhiên chỉ có 2.358 hộ đủ điều kiện hưởng theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và có đến 1.228 hộ nghèo phát sinh mới, chủ yếu là do tách hộ và trong gia đình có người ốm đau, đầu tư sản xuất không hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, từ những thực tiễn tại các địa phương miền núi, công tác di dời, sắp xếp và bố trí dân cư phải được gắn liền với hỗ trợ đất sản xuất và công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, cùng với công tác tổng rà soát nhu cầu về nhà ở, đất sản xuất phù hợp với điều kiện tại chỗ của các địa phương, cần tập trung nguồn lực bố trí thực hiện tái định cư xen ghép, đồng thời hạn chế mức thấp nhất tình trạng phá rừng, xâm hại rừng tự nhiên. “Trong những năm tiếp theo, chỉ nên thực hiện di dời xen ghép, tránh hình thức tập trung dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

Năm 2017, tại 9 huyện miền núi đã thực hiện di dời, sắp xếp 949 hộ dân trên tổng số 1.496 hộ được phân bổ theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, với vốn giải ngân đạt gần 31 tỷ đồng. Nhiều địa phương tập trung triển khai thực hiện đạt hiệu quả, như huyện Nam Trà My (332 hộ/13,13 tỷ đồng); Nam Giang (146 hộ/7,308 tỷ đồng); Tây Giang (162 hộ/4,44 tỷ đồng); Đông Giang (120 hộ/4,963 tỷ đồng)… Tuy nhiên, do năm đầu tiên triển khai nên quá trình thực hiện các dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu sự đồng đều giữa các địa phương. Hơn nữa, địa hình phức tạp của miền núi thường xuyên bị chia cắt và có độ dốc lớn, cũng như “vướng” chủ trương hỗ trợ tối thiểu 200m2/hộ khiến nhiều địa phương không đủ quỹ đất để bố trí cho các hộ dân.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang chia sẻ, những năm qua, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và sắp xếp dân cư miền núi luôn được tỉnh chú trọng bàn bạc, thảo luận trong các cuộc họp, hướng đến tìm ra giải pháp căn cơ, hiệu quả, giúp các địa phương miền núi phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế, cần phải được điều chỉnh một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang lưu ý cần đảm bảo nguyên tắc tính đặc thù, chú trọng việc đầu tư tập trung các dự án và tránh sự dàn trải, không đem lại hiệu quả thiết thực. “Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, các địa phương cần tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và bố trí xen ghép cho các hộ có nhu cầu bức thiết” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bố trí tái định cư miền núi: Ưu tiên di dời xen ghép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO