Bộ Y tế: Cần sự đồng thuận của người dân trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19

Theo Báo Nhân dân 28/06/2022 08:45

(QNO) - Chiều 27.6, Bộ Y tế tổ chức buổi cung cấp thông tin y tế năm 2022 cho báo chí, trong đó nhấn mạnh nguy cơ bùng phát dịch trước sự lưu hành của biến thể phụ BA.5 và tình hình tiêm vắc xin tại Việt Nam.

Lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế cung cấp thông tin cho báo chí. (Ảnh: TRẦN LAM)
Lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế cung cấp thông tin cho báo chí chiều 27.6. Ảnh: Báo Nhân dân

52,8% số ca tử vong liên quan Covid-19 chưa tiêm vắc xin

TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19 tại Việt Nam, có tới 52,8% số ca tử vong là chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.

“Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản” - ông Dương nói.

Đồng thời, các nghiên cứu trên thế giới, trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron.

Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với hơn 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng. Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả cơ sở y tế, góp phần hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong.

Trong thời gian qua, ngành y tế các cấp nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5.2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn bảo đảm tính sẵn có của vắc xin Covid-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc xin đến gần với người dân. Nhiều địa phương triển khai tiêm 24/7 như Thái Nguyên.

Về tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, hiện nay các địa phương đang xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai tiêm chủng mũi 3 (mũi nhắc lại) cho đối tượng này. Một số địa phương đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm trong tuần vừa qua, toàn quốc có hơn 160 nghìn trẻ trong độ tuổi này được tiêm mũi 3 an toàn.

Tính đến ngày 23.6.2022, cả nước có hơn 5,4 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (48,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 và hơn 1,4 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm an toàn.

Đến nay, số người đã tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) trên toàn quốc là hơn 2,8 triệu người, bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhấn mạnh, với tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 mới đạt tỷ lệ hơn 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, đây là thời điểm phù hợp và cần thiết để tiêm nhắc mũi thứ 4.

Đã xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan không tiêm nhắc lại

Trước tình hình số ca nhiễm giảm mạnh, tỷ lệ tử vong giảm thấp, cuộc sống quay trở lại bình thường, nhiều người đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vắc xin tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.

Cả nước hiện có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc xin phòng Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.

.
Bộ Y tế kêu gọi cần sự đồng thuận của người dân trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Báo Nhân dân

Theo PGS-TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi rút  ở mức cao hơn so các biến chủng vi rút SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.

Bên cạnh đó, hội chứng hậu Covid-19 - một trong những hội chứng có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp nhất và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới. Theo thông báo trong tháng 6.2022 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60% trường hợp mắc bệnh bị hậu Covid-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu Covid-19.

Do đó, việc tiêm mũi nhắc vắc xin Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.

“Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10 - 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc xin phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2” - bà Hồng nói.

Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

Bộ Y tế đã có Hướng dẫn 3309 ngày 23.6.2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12 - 17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). 

Theo GS-TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, vi rút SARS-CoV-2 luôn biến hóa khôn lường và hiệu quả vắc xin giảm dần theo thời gian.

“Bình thường dại dịch đi theo xu hướng tăng dần miễn dịch nếu có của vắc xin và miễn dịch do nhiễm bệnh, sẽ giảm dần theo xu thế của dịch và cuối cùng hoặc là biến mất hoặc thành bệnh lưu hành. Nhưng SARS-CoV-2 biến hóa khôn lường. Qua 5 đợt dịch tại Việt Nam, thậm chí trong giai đoạn lưu hành biến thể Omicron đã ghi nhận 5 biến thể phụ cho thấy, những biến đổi này gần như cơ bản không lường được” - ông Lân nói. 

Chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay chưa biết được kháng thể nào có thể bảo vệ được trước Covid-19 vì việc đánh giá miễn dịch tế bào không đơn giản. Nhưng những so sánh cho thấy, người đã tiêm vắc xin, đã mắc thì kháng thể tăng rất cao, kháng thể bảo vệ lâu hơn với người chưa tiêm.

Khi chưa khống chế hoàn toàn được dịch Covid-19 và vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2, liều tiêm nhắc lại thực sự cần thiết giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

Tới đây, có nhiều hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm mũi 4 cho nhóm người nguy cơ, tiêm nhắc lại cho trẻ 12 - 17 tuổi. Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, hiện nay các viện sẽ sử dụng hiệu quả số vắc xin đang dự trữ ở kho quốc gia, kho tại các khu vực. Nhưng quan trọng nhất là người dân phải đồng thuận đi tiêm nhắc lại, cho con em tiêm chủng để không tồn vắc xin, buộc phải hủy vắc xin.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bộ Y tế: Cần sự đồng thuận của người dân trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO