(QNO) - Bộ Y tế vừa phát cảnh báo người dân không mua và sử dụng hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nghi giả, đó là sản phẩm "Ăn ngon Baby Shark" và "sản phẩm Medi Kid Calcium K2".
Đây là 2 sản phẩm do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech, có địa chỉ tại khối 8, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội sản xuất.
Kết quả kiểm tra cho thấy các sản phẩm này không có số tiếp nhận công bố sản phẩm hợp lệ, có dấu hiệu giả mạo nhãn mác, đánh lừa người tiêu dùng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh lập tức ngừng bán, thu hồi sản phẩm vi phạm nếu phát hiện. Các cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường truyền thông, cảnh báo rộng rãi đến người dân, đặc biệt tại các chợ dân sinh, khu vực nông thôn – nơi vốn là "điểm nóng" tiêu thụ thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế đã đồng loạt ban hành nhiều chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các địa phương, đơn vị siết chặt công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo đó, thời gian qua, thị trường xuất hiện tình trạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị làm giả, nhái nhãn mác sản phẩm nổi tiếng, đánh lừa người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em và người bệnh. Bộ đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất; đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm theo quy định pháp luật.
Song song đó, Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò của việc chủ động rà soát hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, thương mại điện tử. Đây là "mặt trận" tiềm ẩn nhiều rủi ro với đủ chiêu trò tinh vi từ livestream bán hàng đến gắn nhãn mác giả để hợp thức hóa sản phẩm.
Đồng thời, Bộ Y tế có các văn bản cảnh báo đến người dân các dấu hiệu nhận biết thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả để người dân biết và không sử dụng các loại sản phẩm giả này.
Hiện, hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả vẫn có những diễn biến phức tạp, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm che đậy hành vi, đặc biệt là sử dụng mạng xã hội, internet để mua, bán thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không thông qua các kênh phân phối chính thống.
Yêu cầu các địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh chống thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược, chú trọng đến kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe được Bộ Y tế đặt ra cho các địa phương.