(QNO) - Đó là khẳng định được Boeing đưa ra như một sự khẳng định có việc hãng này sẵn sàng tham gia vào cuộc chạy đua công nghệ mới.
Tương lai, trong nhà máy của Boeing, các nhân vật 3D nhập vai sẽ được kết hợp với các robot nói chuyện với nhau, trong khi các kỹ sư trên toàn thế giới sẽ được liên kết với nhau bằng tai nghe HoloLens trị giá 3.500 USD do Microsoft Corp sản xuất.
Đây là hình ảnh tưởng tượng về một chiến lược mới đầy tham vọng của Boeing nhằm hợp nhất các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ hàng không rộng khắp trong một hệ sinh thái kỹ thuật số duy nhất trong vòng ít nhất là hai năm tiếp theo.
Nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đang chuẩn bị bước vào năm 2022 với mong muốn khẳng định lại vị thế thống trị về kỹ thuật của mình sau cuộc khủng hoảng 737 MAX, đồng thời đặt nền móng cho chương trình máy bay tương lai trong thập kỷ tới - một canh bạc 15 tỷ USD. Kế hoạch này cũng nhằm ngăn chặn các vấn đề sản xuất trong tương lai, chẳng hạn như các sai sót về cấu trúc đã gây rắc rối cho chiếc Dreamliner 787 trong suốt năm qua.
“Đó là sự tăng cường về mặt kỹ thuật. Chúng tôi thay đổi cách làm việc trong toàn bộ công ty”, Greg Hyslop - kỹ sư trưởng của Boeing, nói với Reuters.
Sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nhu cầu giao hàng theo đơn đặt hàng ngày càng lớn đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến giữa Boeing với Airbus.
Giám đốc điều hành của Airbus - Guillaume Faury, cựu giám đốc nghiên cứu ô tô, đã cam kết “phát minh ra các hệ thống sản xuất mới và tận dụng sức mạnh của dữ liệu” để tối ưu hóa hệ thống công nghiệp của mình.
Sự thúc đẩy đồng thời của cả hai gã khổng lồ máy bay là biểu tượng của một cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra trên toàn cầu, khi các nhà sản xuất ô tô như Ford hoặc các công ty truyền thông xã hội như Meta chuyển môi trường làm việc và giải trí vào một thế giới ảo nhập vai được gọi là metaverse.
Câu hỏi được đặt ra là metaverse - một không gian kỹ thuật số được chia sẻ thường sử dụng kết hợp thực tế ảo hoặc thực tế tăng cường sẽ hoạt động như thế nào trong ngành hàng không?
Giống như Airbus, điểm đặc biệt của Boeing trên chiếc máy bay mới tiếp theo của hãng là xây dựng và liên kết các bản sao “song sinh kỹ thuật số” ba chiều ảo của máy bay phản lực và hệ thống sản xuất có thể chạy mô phỏng.
Các mô hình kỹ thuật số được hỗ trợ bởi một “sợi chỉ kỹ thuật số” xâu chuỗi mọi thông tin về máy bay từ giai đoạn sơ khai, từ các yêu cầu của hãng hàng không, đến hàng triệu bộ phận, đến hàng nghìn trang tài liệu chứng nhận, mở rộng sâu vào chuỗi cung ứng.
Hyslop cho biết, hơn 70% các vấn đề về chất lượng tại Boeing đều bắt nguồn từ vấn đề thiết kế. Boeing tin rằng ứng dụng metaverse sẽ là trọng tâm để đưa một chiếc máy bay mới ra thị trường trong vòng 4 hoặc 5 năm tới.