Ở một số địa phương, khi cao su tiểu điền (CSTĐ) vừa cho mủ thì nông dân đã gánh thiệt hại ban đầu khi tự “bơi” tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Không ít diện tích cao su, người trồng buộc phải chặt đốn vì dịch bệnh, năng suất thấp…
Ép giá?
Tại thời điểm này, các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn đã trồng hàng nghìn héc ta CSTĐ, trong đó có nhiều diện tích đang trong giai đoạn cạo mủ. Trước đây, nông dân tự tìm hiểu, “bắt chước” mô hình trồng cao su đại điền (CSĐĐ) từ doanh nghiệp (DN), nhưng do đầu tư chưa đúng quy cách kỹ thuật, sử dụng giống không rõ nguồn gốc nên hậu quả là năng suất mủ thấp và cây ủ bệnh chết dần. Ông Phan Phước Nhường (xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức), một người trồng cao su, buồn rầu: “Năm 2003, khi thấy cao su đã ứa nhựa đầu tiên thành công, tôi trồng thử nghiệm khoảng 3.000 cây trên diện tích gần 4ha. Giống RRIV 4 sinh trưởng, chịu gió bão tốt, nhưng không hiểu sao rất ít mủ. Hàng loạt cây đang xanh tươi bỗng lá chuyển sang vàng úa, chết ngược từ ngọn xuống gốc. Tiền công thuê chăm sóc, lấy mủ cao quá, trong khi năng suất cực thấp, lỗ to, cuối cùng tôi quyết định chặt bỏ”. Theo ông Nhường, không chỉ riêng mỗi mình ông chặt bỏ cây cao su mà nhiều nông dân khác ở xã Sông Trà, Phước Trà (Hiệp Đức) “cắn răng” hành động tương tự để tìm giống mới thay thế. Một số trường hợp thì chờ đợi cây đủ năm đủ tháng, tìm cơ hội chặt bán lấy gỗ. Người trồng CSTĐ sắp đến tuổi thu hoạch đang ngổn ngang trăm mối vì sợ giống cho mủ thấp, lại rớt giá. “Diện tích cây cao su trồng kém hiệu quả ở đây không phải là ít, nhưng vì tiếc rẻ nên tâm lý người dân chưa muốn chặt bỏ. Ngày trước dân mình trồng tự phát, theo phong trào là chính” – ông Nhường nói.
Một vườn ươm cao su tại xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My. Ảnh: B.HẠNH |
Ông Nguyễn Tấn Thành (trú tại thị trấn Tân An, Hiệp Đức) có hơn 10ha CSTĐ với nhiều độ tuổi khác nhau ở xã Sông Trà. Theo ông, nỗi lo âu của người trồng CSTĐ là sợ bị tư thương ép giá. Ở Quảng Nam, có 2 nhà máy tổ chức thu mua, chế biến mủ; riêng tại Hiệp Đức có 3 đại lý thu mua mủ, nhưng người sản xuất thường đem ra các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, hoặc vào tận Kon Tum, Tây Ninh bán lại. Nguyên nhân là thị trường trong tỉnh “khó tính”, có thời điểm công ty từ chối thu mua. “Người trồng bỏ nhiều vốn đầu tư, lại phải tăng thêm chi phí vận chuyển mủ ra ngoài địa bàn tiêu thụ. Thực tế là thị trường đang “loạn giá”, thiệt hại cuối cùng vẫn là nông dân” – ông Thành phân trần.
Trước đây cử tri của Hiệp Đức từng phản ánh, DN sản xuất, thu mua mủ cao su tại địa phương ép giá, hoặc không tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên, phía DN lại lập luận, họ sẵn sàng tiêu bao sản phẩm mủ cao su với điều kiện phải đảm bảo chất lượng. Thế nhưng DN cho rằng chất lượng mủ của CSTĐ kém (nhất là khâu giống ban đầu), dẫn đến chất lượng mủ chế biến không đảm bảo nên “ngại” mua hàng. Vì lẽ đó mà người trồng CSTĐ tự tìm kiếm đối tác tiêu thụ, đôi khi bị ép vào thế bất đắc dĩ phải bán với giá rẻ hơn thị trường nhiều lần.
Bất cập
Chủ trương của tỉnh là lấy CSĐĐ làm bệ phóng, “bà đỡ” để thúc đẩy CSTĐ. Ngoài giúp người dân kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, DN còn có trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm. Những năm trước khi khuyến khích trồng CSTĐ, chính quyền các địa phương nghĩ đơn giản về chuyện đầu ra, song thực tế đó là sự sống còn với nông dân. Ông Đào Bội Thuyên – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nhìn nhận: “Khi CSTĐ thu hoạch sản lượng lớn, địa phương cũng phải tính toán tạo ra các tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Còn hiện nay đúng là thị trường trôi nổi, nếu DN không thu mua sẽ gây bất lợi cho người trồng CSTĐ”. Cũng theo ông Thuyên, nhà quản lý thì định hướng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân mở rộng vùng nguyên liệu chứ đâu thể can thiệp vào thị trường được. Đầu ra sản phẩm thì dân phải tự lo chứ Nhà nước không thể nào làm thay việc đó.
Hiện nay Hiệp Đức hỗ trợ người trồng CSTĐ 12 triệu đồng với đồng bào dân tộc thiểu số, 6 triệu đồng là người Kinh (hỗ trợ tối đa không quá 1ha). Theo định hướng của địa phương, đến năm 2020, CSĐĐ chiếm 3.000ha, nhưng CSTĐ chiếm 8.000ha. Cơ sở nào để quy hoạch như vậy? Ông Thuyên giải thích, trước đây làm đại điền, dân mất nhiều đất. Khi thấy cây cao su có giá trị kinh tế lớn, xóa đói giảm nghèo được, địa phương quyết để lại đất cho dân canh tác. Trái ngoe ở chỗ, dân có đất thì thiếu vốn (trồng mỗi héc ta cao su đến giai đoạn thu hoạch tốn gần 100 triệu đồng), trong khi đó DN thì thừa vốn nhưng lại thiếu đất. Với chính sách đất đai hiện nay, DN khó bỏ số tiền lớn ra để đền bù đất cho dân. Theo ước tính, bồi thường, hỗ trợ mỗi héc ta đất rừng hết 200 triệu đồng, số tiền đủ cho DN đầu tư hơn 2ha cao su.
Rõ ràng, khi quy hoạch vùng CSTĐ, ngành chức năng lẫn chính quyền các cấp chưa tiên lượng, dự báo hết những rủi ro, thiệt hại của người dân về thị trường đầu ra. Vấn đề đặt ra ở đây là hài hòa lợi ích giữa DN với người dân, các bên cần xem nhau như đối tác tin cậy. DN cũng cần linh hoạt hơn trong khâu thu mua mủ tại địa bàn, tiến tới liên kết làm ăn lâu dài với người dân. Có như vậy, người dân mới mạnh dạn đầu tư phát triển cây cao su.
BÍCH HẠNH