Thứ Bảy vừa rồi, từ ngã ba Hương An, Tư tôi dong xe lên hướng trung tâm hành chính huyện Quế Sơn và thực sự bị cuốn hút bởi những cánh đồng lúa trĩu bông chín vàng, rộn rã tiếng nói cười của nông dân. Anh Sáu Phước Thành ở xã Quế Thuận cho biết, vợ chồng anh có 5 sào ruộng trên xứ đồng Cây Bứa. Do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư thi công nên lâu nay họ chỉ gieo sạ được mùa lúa đông xuân, còn hè thu thì số diện tích ấy thường phải chịu cảnh bỏ hoang bởi nắng nóng quá khốc liệt, mặt ruộng nứt toác. Vì không chủ động nước tưới nên đông xuân năm nay gia đình anh Sáu triển khai xuống giống 5 sào ruộng của mình sớm hơn lúa chính vụ khoảng 35 - 45 ngày. Anh Sáu bảo, sở dĩ anh cùng rất nhiều hộ dân trong vùng phải gieo sạ sớm là để ruộng lúa nhận được những cơn mưa vào cuối năm ngoái và đầu năm 2017 này, đặc biệt là hạn chế tình trạng mất mùa do khô hạn gây ra kể từ cuối tháng 3 dương lịch.
Nhìn mấy chục bao lúa tươi chất quanh các góc ruộng, anh Sáu Phước Thành hồ hởi nói: “Vụ này, lúa nước trời thắng lớn nên nhà nông quê tui phấn khởi lắm. Chú Tư mi biết không, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, các loại sâu bệnh nguy hiểm ít bùng phát nên thời gian qua cả 5 sào lúa của tui đều sinh trưởng và phát triển rất tốt. Bây giờ, tiến hành thu hoạch đồng loạt, tui ước tính sau khi phơi phóng xong thì bình quân mỗi sào sẽ cho năng suất 250kg lúa khô. Đông xuân năm trước, do giai đoạn đầu nắng hạn hoành hành dữ dội khiến cây lúa phải sống còi cọc, tới lúc nó trổ đòng rộ lại gặp mấy đợt mưa lạnh kéo dài nên xảy ra hiện tượng lem lép – thối hạt trên diện rộng. Vì thế, vụ đó toàn bộ 5 sào lúa của tui đều mất mùa nghiêm trọng, mỗi sào chỉ thu được 120kg lúa khô, dẫn đến vốn đầu tư bị thâm hụt nặng. Nói thật với chú em, người dân làng tui chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, mỗi khi mùa màng thất bát là khó khăn chồng chất. Cũng may, vụ lúa này nhờ ông trời thương nên chuyện buồn của năm ngoái không lặp lại”.
Trao đổi với Tư Ruộng tôi, ông Phan Duy Thanh – Chủ tịch UBND xã Quế Thuận cho hay, vụ đông xuân 2016 - 2017 nông dân địa phương tổ chức canh tác 267ha lúa, trong đó có 146ha phụ thuộc vào nước trời và 121ha chủ động tưới. Theo ông Thanh, 146ha lúa nước trời vừa nêu nằm trên địa bàn 4 thôn Phước Thành, Phong Phú, Phước Ninh, Phú Dương. Số diện tích này được nhà nông triển khai làm đất, đổ ải gieo sạ từ ngày 20.11 đến đầu tháng 12.2016. “Hiện giờ, trong số 146ha lúa nước trời ấy thì nông dân đã tiến hành thu hoạch được 85% diện tích và họ hết sức phấn khởi vì rất được mùa. Qua khảo sát tại nhiều vùng thì vụ này năng suất lúa nước trời bình quân toàn xã đạt xấp xỉ 50 tạ/ha. Trong khi đó, đông xuân năm ngoái vì thời tiết cực đoan khiến lúa nước trời bị thất bại nặng nề, 1ha chỉ thu được 24 tạ” – ông Thanh nói.
Đâu riêng xã Quế Thuận, mấy ngày qua lội trên nhiều cánh đồng khác ở các xã thuộc vùng trung và vùng tây Quế Sơn, đâu Tư tôi cũng thấy niềm vui trên những khuôn mặt đen sạm vì nắng gió của nông dân, bởi lúa nước trời bội thu. Ông Nguyễn Sửu – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, ngoài hơn 3.000ha lúa chủ động tưới thì vụ này nhà nông trên địa bàn huyện còn gieo sạ 755ha lúa nước trời, tập trung chủ yếu tại những địa phương như Quế Cường, Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Hiệp, Quế An… Theo ông Sửu, qua thống kê cho thấy đông xuân năm nay năng suất lúa nước trời bình quân toàn huyện đạt không dưới 48 tạ/ha, tăng ít nhất 10 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm trước.
TƯ RUỘNG