Hội An có 3 vùng chuyên canh trồng quật tết là Cẩm Hà, Thanh Hà và Tân An. Nhờ điều kiện sản xuất thuận lợi và đầu tư bài bản, năm nay nhiều người dân trồng quật ở các vùng chuyên canh này có một vụ mùa bội thu.
Chuyên canh
Vùng chuyên canh trồng quật tết khối An Phong (phường Tân An) là một trong những vùng sản xuất quật tết hàng hóa điển hình của TP.Hội An. Tại đây, mỗi năm, các nông hộ cung ứng ra thị trường quật tết khoảng 20 nghìn chậu quật thế. Ông Lê Viết Kỷ (trú phường Cẩm Châu), đang thuê đất ở vùng chuyên canh trồng quật tại khối An Phong, cho biết: “Để sản xuất quật tết ở đây, chúng tôi phải làm hợp đồng thuê đất. Điện, nước, giao thông thì Nhà nước đã đầu tư rồi nên chúng tôi chỉ tập trung vào chuyên môn trồng quật”. Mỗi năm, gia đình ông Kỷ đầu tư trồng 1 nghìn chậu quật thế. Đến thời điểm này, hầu hết chậu quật của ông đều sai quả, chờ xuất bán vào dịp tết. Hiện ông Kỷ đã thỏa thuận bán 900 chậu quật thế cho các thương lái đến từ Quảng Ngãi. “Giá bán ổn định ở mức 5 triệu đồng/chậu, cao hơn gần 15% so với năm trước. Năm nay sản xuất thuận lợi nên thu nhập cao hơn hẳn mọi năm. Điều quan trọng nhất để vụ mùa bội thu là chất lượng quật giống và nguồn nước tưới. Quy trình chăm sóc là “mẫu số chung” của các nông hộ rồi nên ngay từ đầu năm gia đình đã phải lặn lội các vùng sản xuất quật giống trên địa bàn thành phố để lùng sục quật giống tốt nhất” - ông Kỷ nói.
Vườn quật của ông Lê Viết Kỷ đã được các thương lái Quảng Ngãi đặt cọc mua. Ảnh: N.Q.V |
Hiện tại, ở TP.Hội An có 3 vùng chuyên canh sản xuất quật hàng hóa là Cẩm Hà, Thanh Hà và Tân An. Sinh sống ở phường Cẩm Phô nhưng gia đình ông Bùi Quang Trung lại đầu tư trồng quật tết ở cả 3 vùng chuyên canh này với tổng số 2.700 chậu quật thế. “Điều quan trọng nhất là phải khẳng định được thương hiệu quật tết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Khi đã có các mối làm ăn lớn rồi thì tại sao lại không dám đầu tư mở rộng sản xuất? Đồng ý nghề chi cũng có bấp bênh nhất định nhưng nghề trồng quật thì có vẻ ít rủi ro hơn, lại phù hợp với sở trường của mình” - ông Trung chia sẻ. Đến thời điểm này gia đình ông Trung đã bán 1 nghìn chậu quật cho thương lái đến từ Quảng Ngãi, 600 chậu cho thương lái đến từ Bình Định và 1 nghìn chậu cho mối làm ăn từ Đà Nẵng. Ông Trung cho biết thêm, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ mùa thành công, giá bán dao động trong khoảng 3 - 5 triệu đồng cho mỗi chậu quật thế.
Chuyên nghiệp
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP.Hội An, mỗi năm các nông hộ trên địa bàn cung ứng ra thị trường quật tết khoảng 125 nghìn chậu quật hàng hóa, doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, mặc dù các chậu quật vẫn còn nằm trong các nhà vườn tập trung trên địa bàn thành phố nhưng qua các thỏa thuận, ký kết mua bán quật tết thì có thể nói mùa quật này rất thành công. Điều đó càng khẳng định thương hiệu quật tết của Hội An. Để có được kết quả này, các nông hộ đã tổ chức sản xuất quật tết theo hướng hàng hóa chứ không dừng lại ở tính tự phát, nhỏ lẻ trước đây. Người dân đã mạnh dạn ký kết các hợp đồng làm ăn lớn để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, sau đó mở rộng sản xuất, ứng dụng các thành tựu kỹ thuật tiên tiến, chọn nguồn quật giống tốt, đầu tư công chăm sóc. “Để định hướng sản xuất quật tết hàng hóa cho các nông hộ, trong thời gian qua, địa phương đã quy hoạch quỹ đất để hình thành các vùng sản xuất tập trung. Ở các vùng sản xuất này, chúng tôi đầu tư hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất của người dân. Các nông hộ đủ điều kiện sẽ thuê lại đất tại đây để sản xuất. Cán bộ thuộc Phòng Kinh tế hay Trạm Bảo vệ thực vật thành phố sẽ hỗ trợ người dân tiếp cận các thành tựu mới về khoa học, công nghệ, ứng dụng phục vụ sản xuất. Thực tế đã cho thấy người dân rất năng động trong quá trình sản xuất” - ông Nguyễn Văn Dũng nói.
Phục vụ quá trình sản xuất quật hàng hóa, tại TP.Hội An đã hình thành nên các khu hậu cần lớn về đúc chậu, về trồng quật giống, về cung ứng vật tư cho sản xuất quật. Nhờ đồng bộ các điều kiện như vậy nên người dân rất kỳ vọng về thành công của nghề trồng quật tết hàng hóa trong những năm đến. Để tiếp sức cho quá trình sản xuất, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, địa phương đang tiếp tục nghiên cứu để quản lý căn cơ nghề trồng quật tết hàng hóa, lấy đó làm cơ sở để nâng cao sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, ngoài quy hoạch quỹ đất, đầu tư hạ tầng, địa phương chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và cán bộ quản lý cấp cơ sở. Ngoài ra, thành phố cũng tạo điều kiện để nông dân tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, gia tăng các cơ sở hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao.
NGUYỄN QUANG VIỆT