Không được nhận quyết định thu hồi đất, không được bồi thường thiệt hại về đất và tài sản trên đất của mình, nhưng đơn vị thi công đã tùy tiện san ủi khi thực hiện dự án chỉnh trang khớp nối khu dân cư khối phố 4, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ nên ông Nguyễn Văn Dũng đã làm đơn khiếu nại.
Mái hiên nhà ông Dũng bị vỡ ngói do thi công khớp nối khu dân cư. Ảnh: T.H |
Nguồn gốc đất và nhà cửa
Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Dũng, trú tại khối phố 4, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ, trình bày: Trước 1975, ông cùng với bà Nguyễn Thị Long (bà ngoại, đã chết) và mẹ ông - bà Đống Thị Anh, sinh sống tại phường Hòa Hương (TP. Tam Kỳ). Sau năm 1975, ông Nguyễn Đây là chồng trước của bà Đống Thị Anh đi tập kết ra Bắc trở về sinh sống cùng gia đình ông. Ông Đây, bà Anh mua nhà ở đường Huỳnh Thúc Kháng (TP. Tam Kỳ) đăng ký hộ khẩu đứng tên chủ hộ Nguyễn Đây gồm 3 nhân khẩu (ông Nguyễn Đây, bà Đống Thị Anh và Nguyễn Văn Dũng). Thời gian này, ông Đây cũng đưa người con trai Nguyễn Đình Khoa từ miền Bắc vào ở, sau đó ông Khoa vào Đồng Tháp Mười lập nghiệp cho đến nay.
Khi bán ngôi nhà trên đường Huỳnh Thúc Kháng, ông Đây, bà Anh mua đất, làm nhà ở trên đường Hồ Xuân Hương (thuộc khối phố 4). Năm 2000, ông Đây qua đời. Năm 2004, sau thời gian đi làm ăn xa, ông Dũng đưa vợ con về đây sinh sống. Gia đình bỏ tiền sửa chữa lại nhà, xây thêm phòng. Năm 2007, bà Anh qua đời, gia đình ông Dũng vẫn tiếp tục sinh sống trong ngôi nhà này cho đến nay; đồng thời đứng tên chủ hộ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế nhà đất và các khoản đóng góp khác đối với địa phương. Điều làm ông Dũng bức xúc là đang sống yên ổn trong ngôi nhà của mình, chưa nhận quyết định thu hồi đất, quyết định áp giá bồi thường, đùng một cái, đơn vị thi công đưa xe cơ giới đến san ủi, chặt cây cối, làm thiệt hại tài sản của ông.
Chủ sở hữu là ai?
Có hay không việc tùy tiện thi công, làm hư hại tài sản của ông Nguyễn Văn Dũng? Làm việc với ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP. Tam Kỳ, chủ đầu tư dự án Chỉnh trang khớp nối khu dân cư khối phố 4 - phường An Xuân, ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi làm đúng trình tự, quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thực tế, trước đó, tại nhà văn hóa khối phố đã niêm yết danh sách các hộ trong diện bị ảnh hưởng bởi dự án. Bản niêm yết không có tên ông Dũng, chỉ có tên ông Nguyễn Đình Khoa, nhưng chẳng thấy ông Dũng và người dân ý kiến gì. Hơn nữa, danh sách đó do phường đưa lên. Vì vậy, UBND TP. Tam Kỳ căn cứ vào danh sách niêm yết để ra quyết định thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ đối với hộ ông Nguyễn Đình Khoa. Ông Khoa ủy quyền cho chị ruột - bà Nguyễn Thị Hòa (trú phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ) đã nhận các khoản bồi thường về một phần đất, cây cối bị ảnh hưởng.
Biên bản bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thi công dự án Chỉnh trang khớp nối khu dân cư khối phố 4, tại hiện trường (ngày 25.2.2013) có nội dung: sau khi kiểm tra thực địa, đại diện chủ hộ Nguyễn Đình Khoa (bà Nguyễn Thị Hòa được ủy quyền) đã chặt toàn bộ cây cối và thống nhất bàn giao mặt bằng đã được bồi thường. Thế nhưng, theo ông Dũng, đơn vị thi công đã lợi dụng lúc ông đi vắng lén lút chặt cây. Vai trò chủ hộ đứng tên ông đã không được cơ quan chi trả đền bù xem xét giải quyết. “Có quá nhiều điều khuất tất, mờ ám trong vụ việc này. Tôi sinh sống trên mảnh đất cha mẹ để lại, là chủ hộ luôn chấp hành nghĩa vụ đóng thuế nhà đất, địa phương nắm rất rõ, nhưng không hiểu tại sao, khi niêm yết danh sách họ lại cố tình gạt bỏ tên tôi và ghi tên ông Nguyễn Đình Khoa vào?” - ông Dũng bức xúc.
Sau khi có đơn khiếu nại của ông Dũng, ngày 1.3, chính quyền địa phương tổ chức hòa giải với sự tham dự của đại diện chủ đầu tư dự án, lãnh đạo phường, khối phố, ông Nguyễn Văn Dũng, bà Nguyễn Thị Hòa. Tại cuộc hòa giải này, ông Dũng đồng ý chấp hành bàn giao mặt bằng thi công dự án, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng sớm cung cấp hồ sơ bồi thường. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP. Tam Kỳ, việc giải quyết vụ khiếu nại này cần xem xét thấu đáo, vướng mắc ở đây là tranh chấp quyền lợi nội bộ gia đình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao ông Khoa đã định cư ở Đồng Tháp Mười từ lâu, không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng khi niêm yết danh sách giải tỏa, bồi thường thì chính quyền địa phương lại “nhớ” tên ông và “quên” tên ông Dũng?
TRẦN HỮU