Bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ở Tam Kỳ: Cần cơ chế phù hợp

XUÂN TRƯỜNG 01/03/2016 09:23

Xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (BT - GPMB - TĐC) có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình và thu hút đầu tư, nên TP.Tam Kỳ đang triển khai xây dựng, trình phê duyệt một nghị quyết để các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác này trong giai đoạn 2016 - 2020.

Thách thức lớn

Tháng 8.2012, Thành ủy Tam Kỳ ban hành Nghị quyết số 05/NQ - TU về BT - GPMB - TĐC trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, UBND TP.Tam Kỳ đã triển khai thực hiện tốt công tác này, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm như: mở rộng quốc lộ 1 qua địa bàn thành phố, cầu Kỳ Phú 1 & 2 và đường dẫn, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, khu dịch vụ và khách sạn Mường Thanh, Khu công nghiệp Tam Thăng… Qua đó, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Tuy vậy, công tác BT - GPMB - TĐC của thành phố trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ một số dự án, công trình cũng như việc thu hút đầu tư. Trong đó, nổi lên một số vấn đề như: công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn lỏng lẻo, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất chưa đảm bảo tính chính xác, nguồn vốn không đáp ứng đủ và kịp thời so với nhu cầu vốn BT - GPMB - TĐC các dự án, công trình. Bên cạnh đó, quỹ đất trên địa bàn thành phố còn hạn hẹp trong khi nhu cầu bố trí TĐC quá lớn. Hơn nữa, khi tiến hành giải tỏa một hộ dân (hộ chính) thì phát sinh thêm một hộ phụ (từ nhiều thế hệ trong gia đình) có nhu cầu về nhà ở nên phải bố trí thêm nhiều lô đất phụ. Ông Trương Công Thành - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Vị trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng chưa tương xứng với vị trí đang ở hoặc chưa đảm bảo điều kiện kinh doanh như trước đây thì rất khó để người dân đồng ý di dời”.

Việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất tại một số địa phương gặp lúng túng đã ảnh hưởng đến công tác BT - GPMB - TĐC. TRONG ẢNH: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.T
Việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất tại một số địa phương gặp lúng túng đã ảnh hưởng đến công tác BT - GPMB - TĐC. TRONG ẢNH: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.T

Ngoài ra, việc BT - GPMB - TĐC đã gặp phải nhiều khó khăn vì một số người dân chưa am hiểu pháp luật hoặc vì lợi ích riêng đã cố tình chây ỳ, tìm cách đối phó với các cơ quan chức năng, khiếu kiện và đưa ra yêu sách vượt ngoài quy định của Nhà nước. Trong khi đó, mặt trận, đoàn thể địa phương chưa nắm bắt kịp thời những quy định liên quan đến đất đai, bồi thường để phổ biến cho người dân và cán bộ chuyên môn làm công tác BT - GPMB - TĐC cũng chưa có khả năng tuyên truyền, vận động để tạo được sự đồng thuận từ quần chúng nhân dân trong việc thu hồi đất thực hiện các dự án. Ông Đoàn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Nếu như việc tuyên truyền chủ trương và phổ biến quy định pháp luật cho người dân không được chính xác, đảm bảo sẽ dễ dàng làm mất niềm tin, dẫn đến khó khăn trong việc vận động người dân chấp hành”.

Giải pháp cụ thể

Giai đoạn 2016 - 2020, địa bàn TP.Tam Kỳ sẽ triển khai nhiều dự án, công trình có thực hiện việc thu hồi đất. Đặc biệt, kế hoạch năm 2016, TP.Tam Kỳ triển khai xây dựng 110 dự án, công trình lớn nhỏ để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhận định trong thời gian tới, công tác BT - GPMB - TĐC sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là việc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ (cơ quan duy nhất của thành phố có chức năng thực hiện việc BT - GPMB - TĐC theo quy định pháp luật) nay đã xác nhập về Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh nên các dự án, công trình triển khai trên địa bàn thành phố sẽ chậm tiến độ do thay đổi cơ chế, chức năng.

Trước những bức thiết về vấn đề BT - GPMB - TĐC trong thời gian qua cũng như yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, UBND TP.Tam Kỳ đang xây dựng để trình Thành ủy phê duyệt một nghị quyết về BT - GPMB - TĐC giai đoạn 2016 - 2020, lấy đó làm “kim chỉ nam” cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Một số giải pháp cụ thể cũng đã được đề ra. Theo đó, Phòng Tài nguyên - môi trường thành phố sẽ tăng cường hướng dẫn chuyên môn cho UBND các xã, phường trong việc quản lý hiện trạng đất đai và xác nhận nguồn gốc sử dụng đất được đảm bảo chính xác, kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng sai sót phải xác nhận lại nhiều lần. Đối với mặt trận, các cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân. Trong khi đó, cán bộ làm công tác BT - GPMB - TĐC phải nâng cao năng lực chuyên môn để phổ biến chính sách, pháp luật cho người dân nắm rõ. Đối với việc bố trí TĐC, giải pháp của thành phố là sẽ lập kế hoạch xây dựng quỹ nhà, quỹ đất TĐC đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong vùng dự án bằng nhiều hình thức như: tập trung, xen cư, khai thác đất lẻ… Đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc “Khi có đầy đủ đất TĐC mới phê duyệt phương án BT và thực hiện GPMB”. Trong khi đó, việc bố trí TĐC cũng phải đảm bảo nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ phù hợp trong điều kiện thành phố, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

Một giải pháp không kém phần quan trọng đó là giải quyết đơn thư khiếu kiện của người dân và xây dựng một cơ chế giám sát việc triển khai thực hiện công tác BT - GPMB - TĐC. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói: “Một khi nghị quyết về BT - GPMB - TĐC được triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả và được giám sát chặt chẽ, thường xuyên thì những khó khăn, thách thức về vấn đề này sẽ được giải quyết hiệu quả hơn”.

XUÂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ở Tam Kỳ: Cần cơ chế phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO