BÀI 1: ĐÒI HỎI QUÁ ĐÁNG
Từ vài tháng qua, những tấm biển báo với nội dung “đất đền bù trái pháp luật, không được thi công”, “đất chưa bàn giao mặt bằng” xuất hiện khá nhiều trên một đoạn quốc lộ 1 chừng trên dưới 500m, thuộc khu vực phía bắc thị trấn Hà Lam (Thăng Bình), gây nên sự phản cảm và bức xúc trong dư luận xã hội. Đỉnh điểm của vụ việc là gần đây, một người dân đã liều mình lao vào xe tải đang thi công trên công trình để tạo ra “điểm nóng”!
Cản trở thi công
Ngoài những biển báo nêu trên, gần đây lại xuất hiện những tấm băng rôn, in dày đặc những dòng chữ với nội dung “tố cáo” lãnh đạo huyện và các ngành chức năng huyện Thăng Bình làm trái pháp luật trong công tác bồi thường, thu hồi đất. Đây rõ ràng là điều bất bình thường trong công tác bồi thường, thu hồi đất phục vụ các dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn Quảng Nam lâu nay.
Không chỉ treo biển báo, thời gian qua nhiều hộ dân trong vùng dự án còn có những hành vi cản trở, chống đối quyết liệt các ngành chức năng và chủ đầu tư trong lúc triển khai nhiệm vụ. Chỉ một đoạn ngắn quốc lộ 1 từ phía bắc thị trấn Hà Lam đến khu vực giáp ranh xã Hương An (Quế Sơn) mà việc thi công liên tục trong tình trạng “nhảy cóc” khiến đoạn đường này trở nên nham nhở, vừa rất “khó coi” vừa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Đã không dưới một lần, khi nhà thầu và các ngành chức năng đến hiện trường tổ chức bảo vệ thi công thì hàng trăm người dân lập tức kéo đến, dùng mọi biện pháp cản trở quyết liệt khiến cho tiến độ thực hiện công trình qua đoạn này bị đình trệ kéo dài.
Thi công mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Hà Lam. Ảnh: HỮU PHÚC |
Mới đây nhất, sự việc một người dân địa phương bất chấp nguy hiểm lao vào xe tải của đơn vị thi công đã đẩy vấn đề lên thành “điểm nóng”. Một số trang mạng xã hội, kể cả báo chính thống đưa tin ban đầu một cách không rõ ràng, càng khiến vấn đề thêm “nóng”. Sự thật thì như các cơ quan chức năng đã kết luận: không hề có chuyện lái xe cố tình đổ đất đá “chôn sống” người dân! Điều đáng nói là hộ ông Nguyễn Thạnh (thôn 3, xã Bình Phục), dù trước đó đã thống nhất bàn giao mặt bằng, nhưng khi đơn vị thi công mang xe máy đến khu vực này, ông Thạnh vẫn cản trở. Không những thế, ông Thạnh còn cố tình ngăn cản nhà thầu khi đơn vị này đang làm việc tại một vị trí khác, cách xa thửa đất mà ông Thạnh đang khiếu nại đòi quyền lợi! Đại tá Nguyễn Viết Lợi – Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Không có chuyện ông Thạnh bị xe tải cố tình đổ đá dăm lên người. Vị trí xảy ra vụ việc nằm trước nhà ông Nguyễn Sơn (thôn 3, Bình Phục, huyện Thăng Bình), cách xa địa giới nhà ông Thạnh nên không liên quan, ảnh hưởng hay xâm phạm đến quyền lợi của gia đình ông Thạnh. Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh, việc ông Nguyễn Thạnh bị “chôn sống” như từ ngữ các trang mạng phản ánh là hoàn toàn không chính xác, không đúng sự thật. Hành động bột phát, cản trở thi công của ông Thạnh sẽ bị xử lý theo quy định”.
Yêu sách
Chủ trương nhất quán của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là vận dụng tối đa cơ chế chính sách hiện hành để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất đai, nhà ở, vật kiến trúc, cây cối khi bị giải tỏa. Cũng vì chủ trương này và để sớm có mặt bằng thi công mở rộng quốc lộ 1, cùng với chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước, chủ đầu tư cũng linh hoạt áp dụng các hình thức hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Ông Thân Hóa – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Xây dựng công trình giao thông 545 - chủ đầu tư dự án này cho biết, đoạn đường qua địa bàn huyện Thăng Bình còn 2km chưa hoàn thành. Trong thời gian qua, để thi công kịp tiến độ, đơn vị thi công đã thực hiện hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án. Nhiều trường hợp đồng ý nhận tiền hỗ trợ rồi, nhưng sau đó lại tiếp tục nêu yêu sách, gây khó dễ, có hành vi ngăn cản thi công. Qua rất nhiều cuộc họp, làm việc giữa các bên nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, hàng chục hộ dân vẫn không chấp hành. “Chúng tôi đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân rồi. Bây giờ thực hiện giải tỏa đến đâu chúng tôi làm đến đó chứ không làm như lâu nay để chính quyền quy trách nhiệm là tại chúng tôi đưa tiền cho dân” – ông Hóa bức xúc.
Tình trạng người dân có tư tưởng trông chờ mức bồi thường hỗ trợ cao hơn như ông Hóa phản ánh là có thật. Thậm chí, không ít hộ dân có hành vi phản đối, cản trở thi công và nêu “yêu sách” vượt quá quy định của pháp luật. Theo báo cáo của UBND huyện Thăng Bình, thời điểm này còn 70 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, tập trung nhiều vào những trường hợp sử dụng đất sau tháng 12.1980 kiến nghị bồi thường đất ở trái quy định. Vướng mắc chủ yếu tập trung khu vực liên quan dự án đoạn qua xã Bình Nguyên và thị trấn Hà Lam. Ông Dương Ngọc Lân - Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên cho hay, một số hộ dân đã nhận tiền, có biên bản bàn giao mặt bằng nhưng vẫn cản trở thi công. Một số người dân cố tình dây dưa không chịu bàn giao mặt bằng mà nêu ra đủ thứ yêu sách gây khó cho chính quyền và đơn vị thi công.
Đáng chú ý là trong danh sách các hộ dân so bì quyền lợi, đề đạt “yêu sách” nhì nhằng, còn có cả một số hộ cán bộ đảng viên. Chẳng hạn như trường hợp một cán bộ thuế huyện Thăng Bình bị hư hỏng nứt nhà ở do ảnh hưởng thi công. Sau khi đòi bồi thường thiệt hại, đơn vị kiểm định trực tiếp đo đạc áp giá 4 triệu đồng, bên thi công hỗ trợ thêm hơn 10 triệu đồng nhưng gia đình của vị cán bộ này vẫn một mực đề nghị phải hỗ trợ 70 triệu đồng mới chấp thuận cho thi công qua khu vực nhà mình. Một đảng viên khác là ông Nguyễn Văn Hảo - Bí thư Chi bộ thôn Kế Xuyên 2 (xã Bình Trung, Thăng Bình) cũng chưa thỏa mãn với khung giá bồi thường của Nhà nước. Đất ông Hảo có nguồn gốc sử dụng sau tháng 12.1980, theo quy định, địa phương áp giá bồi thường cây lâu năm nhưng hộ dân này đòi bồi thường giá đất ở. Trong phần diện tích đó, gia đình ông Hảo từng ký cam kết với Khu Quản lý đường bộ V (nay là Cục Quản lý đường bộ III) không xây dựng công trình kiến trúc từ mép hiên nhà ra cống thoát nước dọc đường. Tuy nhiên, ông Hảo đã tự xây 2 ki ốt và nay yêu cầu đền bù theo đơn giá đất ở. Các ngành chức năng của huyện nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng ông Hảo không nhận tiền vì gia đình đòi hỗ trợ thêm 30 triệu đồng mới chịu bàn giao mặt bằng. Theo thống kê của UBND huyện Thăng Bình, trong 70 hộ vướng mắc, có 12 hộ có biểu hiện tham gia cản trở thi công với lý do đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công nâng mức hỗ trợ thiệt hại tương tự như hộ ông Hảo. Theo đại diện đơn vị thi công, 70 hộ vướng mắc mặt bằng có đến hơn chục trường hợp cản trở thi công là cán bộ đảng viên!
HỮU PHÚC – QUANG VIỆT
Bài 2: Lỗ hổng quản lý
Vì sao công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng lại xuất hiện “điểm nóng” dai dẳng ở Thăng Bình? Nguồn cơn sự việc này từ đâu? Có phải lỗi hoàn toàn thuộc về người dân hay quá trình thực hiện công tác bồi thường tại đây có “vấn đề” từ phía các cơ quan thực thi nhiệm vụ?