Nhiều dự án xây dựng cơ bản ở TP.Hội An chậm tiến độ do chưa nhận được sự đồng thuận về phương án giải tỏa đền bù, khiến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Dự án nào cũng… vướng!
Đã hơn nửa năm qua, 43 hộ ở hai bên tuyến đường DX32, đoạn từ thôn Trảng Kèo đi thôn Đồng Nà xã Cẩm Hà đã bàn giao hơn 1.600m2 đất để mở rộng, nâng cấp tuyến đường rộng 13,5m, trong đó có gần 900m2 đất ở và 365m2 đất trồng cây lâu năm. “Thi công từ trước tết đến chừ chưa xong nhưng không thấy đơn vị thi công tiếp tục làm. Mặt đường chưa thảm nhựa, đất đá lổn ngổn, bụi bay mù trời làm răng chịu nổi.” - bà N.T.L. ở thôn Đồng Nà bức xúc. Trên tuyến đường này hiện còn một số diện tích đất vắng chủ, vài hộ chưa đồng thuận với phương án đền bù, đặc biệt là 2 hộ đầu tuyến. “Mới đây, 2 hộ ông Châu và ông Hà ở 2 đầu tuyến đã đồng tình với phương án đền bù, giải tỏa, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, đường làm xong nền rồi mà đơn vị thi công chưa thảm nhựa, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân. Chúng tôi cố gắng phối hợp tác động để giải quyết.” - Ông Lê Viết Hát - Phó Giám đốc Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất Quảng Nam tại Hội An cho hay.
Tuyến DX 32 chưa thảm nhựa gây khó khăn cho cuộc sống người dân.Ảnh: Q.HẢI |
Không chỉ tại tuyến đường DX32, rất nhiều dự án khác cũng chậm tiến độ, gây bức xúc cho người dân. Đơn cử như dự án khu dân cư Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hòa tại phường Cẩm Phô, được phê duyệt từ năm 2014 nhưng đến nay còn điều chỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch và bản đồ quy hoạch của dự án vì chưa khớp, không thể phê duyệt giá đất tái định cư. Hiện cơ quan chức năng chỉ triển khai phương án đền bù đối với các hộ có đất nông nghiệp chứ chưa thể triển khai trên đất ở tại khu dân cư này. Thêm vào đó, giá đất hiện nay so với giá phê duyệt năm ngoái đã tăng 30 - 40%, vấn đề đặt ra là những hộ có diện tích đất nằm trong dự án thì thuận lợi nhưng các hộ ở tuyến ngoài lại cho rằng giá không sát với thị trường. Vì thế, nhiều hộ không đồng thuận phương án giải tỏa bồi thường, tái định cư. Còn dự án Nhị Trưng - Cồn Thu, thành phố đang trình giá đất tái định cư, thông tin cho hay khoảng nửa tháng nữa mới có giá đất phê duyệt và dự án này cũng sẽ chuyển đổi chủ đầu tư, dự kiến nguồn vốn chi bồi thường lên tới 70 tỷ đồng. Riêng khu đô thị An Bàng - phường Cẩm An, ngành chức năng vừa báo cáo với UBND thành phố là “dân không hợp tác nữa, mời không đến”. Nguyên nhân là đơn giá bồi thường thấp hơn trước nên các hộ không thống nhất nhận tiền đền bù. Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ giải tỏa đền bù trước đây như thu hồi 750m2 đất nông nghiệp, được mua là 100m2 đất ở, đến nay không còn nữa.
Đối thoại với dân
Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện về đất đai chiếm 70% đơn thư khiếu nại, trở thành một vấn đề nhức nhối hiện nay là vì những vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tập trung ở những vấn đề như nguồn gốc đất của các tổ chức, hộ dân chưa rõ ràng; giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường. Đồng thời những vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất vẫn có những vướng mắc về phía người dân bị thu hồi đất khi được bồi thường thiệt hại. Nhiều trường hợp do bức xúc, người dân thường có những hành vi cản trở quá trình thu hồi đất, không chịu bàn giao mặt bằng khi đã có quyết định thu hồi đất; thậm chí cản trở tiến độ thi công công trình, không nhận tiền bồi thường, không chịu di dời đến nơi ở mới. Bên cạnh đó, một số quy định mới về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo Luật Đất đai năm 2013 cũng khiến cho quá trình triển khai các dự án xây dựng cơ bản tại Hội An gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. “Bây giờ chính sách liên tục thay đổi khiến các cơ quan làm việc vô cùng khó khăn. Các huyện trong tỉnh đều gặp khó nhưng Hội An càng gặp khó hơn vì có cơ chế mềm hơn” - Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận.
Thực tế cho thấy, dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn lớn nhất là lựa chọn cơ chế và cách xác định giá bồi thường chưa nhận được sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi. Để giải quyết khâu này phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp sử dụng đất và người dân. Ông Lê Viết Hát - Phó Giám đốc Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất Quảng Nam tại Hội An đề nghị: “Chúng tôi đã vận động tích cực nhưng người dân chưa đồng tình. Vì vậy, trong tháng 5 này, đề nghị UBND thành phố dành thời gian tổ chức đối thoại với các hộ dân chưa nhận tiền tại các dự án Lâm Sa - Xuân Hòa - Tu lễ, Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, khu đô thị An Bàng… Bởi hiện tại Hội An còn có không ít dự án dở dang”. Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, phải tập trung tháo gỡ từng trường hợp, ngành chức năng cũng phải chủ động, linh hoạt khi sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp cho từng công trình.
QUỐC HẢI