Bồi thường - hỗ trợ và tái định cư: Địa phương kêu khó

TRẦN HỮU 15/08/2016 09:19

Tại hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, hỗ trợ (BT-HT) và tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2016 và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016 - 2020  do Tỉnh ủy tổ chức cuối tuần qua, nhiều địa phương cho biết sự lúng túng trong thu hồi đất, xác định giá đất BT cụ thể nên phát sinh không ít hệ lụy sau khi triển khai dự án.

Rối như tơ vò

Nhiều dự án giẫm chân tại chỗ, hoặc chưa thể thực hiện được vì người dân không chịu bàn giao mặt bằng, cương quyết đấu tranh đòi quyền lợi. Mỗi nơi vướng mắc một kiểu về mặt bằng, nhưng điểm chung nằm ở nghịch lý về đơn giá và các cơ chế BT-HT và TĐC. Nơi có nhiều dự án đầu tư như thị xã Điện Bàn thì năm nay gần như chưa thể BT về loại đất ở, chỉ mới tập trung BT-HT cho đất nông nghiệp. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nêu ví dụ về bất hợp lý trong một dự án của Tập đoàn Tuần Châu đầu tư như, người dân muốn mua một lô đất TĐC, giá khoảng 3 triệu đồng/m2 (lô 100m2 tương đương 300 triệu đồng), trong khi đó Nhà nước chỉ BT xấp xỉ 800 nghìn đồng/m2.

Người dân xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) trồng cây giữa đường cao tốc để phản đối việc BT-HT chưa thỏa đáng hồi tháng 5 năm nay.
Người dân xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) trồng cây giữa đường cao tốc để phản đối việc BT-HT chưa thỏa đáng hồi tháng 5 năm nay.

Ông Úc cũng “bắt bệnh” về rắc rối trong giải phóng mặt bằng (GPMB)  là thời gian dài chính quyền không  xây dựng, quản lý hồ sơ địa chính. Bây giờ xác định nguồn gốc đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì rất dễ, còn xác định để BT thì rất khó.  “Chỉ cần một kẽ hở là người dân khiếu nại ngay. Nếu kiện ra tòa, người dân chỉ mất 200 nghìn đồng, trong khi chúng ta vừa tốn thời gian, công sức huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc” - ông Úc nói. Còn tại huyện Núi Thành, từ năm 2010 đến nay gần 1.100 hộ giải tỏa trắng, hiện vẫn loay hoay xác định giá đất cụ thể sát thị trường, ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, có thực tế người dân mua đất TĐC cao hơn giá được nhận BT, việc xác định nguồn gốc đất của chính quyền cơ sở, đơn vị thực hiện BT-HT, GPMB không đạt yêu cầu.

Nhiều dự án theo luật định doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân về giá BT, chính quyền đứng ra làm “trọng tài” nhưng không dễ để phân xử. Chẳng hạn, ở huyện Phú Ninh có một dự án doanh nghiệp đã thỏa thuận xong với 50 hộ dân bị ảnh hưởng đất nhưng còn 6 hộ không đồng ý nên không biết đến bao giờ mới triển khai. Phức tạp hơn, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất thông qua hình thức công chứng tư vượt tầm kiểm soát địa phương. Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, chính quyền đã thành lập tổ giúp việc hỗ trợ cho doanh nghiệp thỏa thuận với dân để BT-HT, nhưng thực tế nảy sinh là người dân “làm khó” đẩy giá lên cao gấp 10 lần thị trường; ở vùng ven biển đất cát hoang hóa nhưng có nơi giá lên đến 4 triệu đồng/m2. Trong một địa bàn triển khai nhiều dự án khác nhau, với mức áp dụng BT-HT chênh lệch giá khá lớn cũng là yếu tố làm người dân khiếu nại, khiếu kiện. Còn về đất TĐC, chỉ triển khai đồng bộ ở các dự án, công trình trọng điểm, nhưng dự án do địa phương làm chủ đầu tư thì hầu như chưa quan tâm đúng múc. Ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ lý giải: “Địa phương thụ động trong việc bố trí mặt bằng TĐC nguyên nhân chính là không có vốn. Bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa lo TĐC”.

Thành lập tổ tư vấn

Lý giải việc cán bộ bồi thường còn thiếu, yếu năng lực, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT nhìn nhận, một số địa phương không thực hiện đúng chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh là “bàn giao theo nguyên trạng” Trung tâm Phát triển quỹ đất về một cấp. Do đó xảy ra hiện tượng trước khi bàn giao đã điều chuyển một số cán bộ có năng lực của trung tâm về các phòng, ban chuyên môn khác của địa phương, đồng thời chuyển cán bộ không làm được việc về Trung tâm Phát triển đất một cấp thuộc Sở TN-MT.

Từ năm 2010 đến nay, có 1.530 hộ khiếu nại liên quan đến chính sách BT-HT và TĐC (bình quân mỗi năm có gần 278 hộ khiếu nại). Trong đó, Núi Thành và thị xã Điện Bàn là 2 địa phương có số lượng đơn thư nhiều nhất. Phần lớn đều khiếu nại về đơn giá BT-HT, thu hồi đất sai và đất TĐC cao hơn mức giá BT.

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh đề xuất, GPMB nên đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, do vậy công tác vận động tuyên truyền cần xem xét bố trí  nguồn kinh phí cho lĩnh vực này hoạt động hiệu quả hơn. Từ kinh nghiệm GPMB ở TP.Đà Nẵng, chính quyền thị xã Điện Bàn đã ra học tập kinh nghiệm. “Tôi đề xuất khẩn trương xây dựng hồ sơ địa chính, dù có tốn kém bao nhiêu cũng phải làm. Có thể trước mắt Nhà nước tốn tiền, nhưng sau này được lợi nhiều lắm, đất ổn định và xác lập rõ ràng nguồn gốc nên có căn cứ để BT” - ông Úc nêu giải pháp. Hiện nay, với các dự án, công trình trọng điểm, chính quyền 3 cấp (tỉnh, huyện và xã) đều thành lập ban chỉ đạo GPMB dự án; công tác dân vận, vận động người dân bàn giao sớm mặt bằng ít nhiều có tác dụng.  Vai trò của các cơ quan tham mưu; đơn vị tư vấn trong điều tra, đo đạc, lập và chỉnh lý hồ sơ địa chính cần được nâng cao đáp ứng được nhiệm vụ GPMB.

Về giải pháp sắp đến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang lưu ý đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành công tác GPMB. Ngay từ bây giờ cần xác định khu vực trọng điểm về GPMB để tập trung nguồn lực bố trí tái định cư, tránh dàn trải. Thành lập tổ tư vấn, nghiên cứu chính sách về GPMB, BT-HT và TĐC để phát huy chức năng hoạt động. Thời điểm này, Sở TN&MT đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, hệ thống lại các cơ chế chính sách BT-HT và TĐC cho sát thực tế. Bám sát thực tế quản lý và sử dụng đất đai, đảm bảo hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của người dân khi bị thu hồi đất.  Tổ chức công khai và thông tin rộng rãi về các loại quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ hiện trạng và hoàn chỉnh hồ sơ cơ sở dữ liệu đất đai, cấp bách tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc ở vùng đông nam của tỉnh.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bồi thường - hỗ trợ và tái định cư: Địa phương kêu khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO