Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

TÒA SOẠN 06/06/2013 10:41

(QNO) - Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Anh (kimanh050xxx@yahoo.com.vn) hỏi: Nhà đất của ông bà ngoại tôi hiện nằm trong diện giải tỏa trắng thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tôi nghe thông tin sẽ được bồi thường 185 triệu đồng; tuy nhiên nếu ông bà ngoại tôi muốn lấy đất tái định cư (TĐC) thì phải trừ tiền lại. Tại sao nhà nước không hỗ trợ  đất TĐC cho người dân trong diện này?

Trả lời:  Vì trong thư bạn không nêu cụ thể diện tích đất thu hồi, giá đất thu hồi, giá đất tái định cư nên tòa soạn không có cơ sở để trả lời cụ thể. Bạn có thể liên hệ thực tế tình hình bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng nhà đất của ông bà ngoại bạn với quy định dưới đây để đối chiếu.

Việc bố trí TĐC cho những hộ giải tỏa trắng các dự án, trong đó có dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thực hiện theo Điều 35, Quyết định 23/2010/QĐ-UBND ngày 30.9.2010 của UBND, cụ thể như sau:

1. Giao đất ở TĐC và cơ chế hỗ trợ tiền sử dụng đất TĐC:

1.1. Hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất ở mà được bố trí TĐC thì được giao đất ở tại các khu TĐC hoặc bố trí xen cư tại các khu dân cư quy hoạch để xây dựng lại nhà ở (dưới đây gọi chung là đất TĐC). Diện tích đất ở mới được giao căn cứ theo diện tích đất ở bị thu hồi, số nhân khẩu, số cặp vợ chồng thực tế đang sống chung trong một ngôi nhà và điều kiện cụ thể về quỹ đất ở tại địa phương, UBND cấp huyện xem xét, quyết định cụ thể như sau:

a) Đất ở TĐC được giao tối đa là 3 lô đất theo quy hoạch phân lô tại các khu dân cư nhưng không quá 2 lần hạn mức giao đất ở theo quy định hiện hành của UBND tỉnh và không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi.

b) Trường hợp, có 2 cặp vợ chồng cùng chung sống trong một ngôi nhà có đất ở bị thu hồi thì được bố trí 2 lô đất TĐC nhưng không quá 2 lần hạn mức giao đất ở theo quy định hiện hành của UBND tỉnh và không vượt quá diện tích đất ở đã bị thu hồi.

c) Trường hợp, có đất ở bị thu hồi trên 3 lần hạn mức đất ở theo quy định của UBND tỉnh, mà hộ gia đình có từ 5 nhân khẩu trở lên (trong đó còn có nhân khẩu chưa lập gia đình riêng) hoặc có 3 cặp vợ chồng trở lên thực tế cùng sống chung trên 1 thửa đất ở hoặc các trường hợp đặc biệt khác; giao tổ chức thực hiện công tác BT, HT & TĐC phối hợp UBND cấp xã và cơ quan liên quan cấp huyện kiểm tra, xác nhận, báo cáo UBND cấp huyện. UBND cấp huyện căn cứ diện tích đất ở bị thu hồi, quỹ đất ở hiện có tại địa phương để xem xét giao thêm 1 lô đất với diện tích tối thiểu theo quy hoạch tại khu TĐC để làm nhà ở.

1.2. Hỗ trợ tiền sử dụng đất TĐC đối với trường hợp diện tích đất ở bị thu hồi nhỏ hơn diện tích lô đất bố trí TĐC:

a) Trường hợp, giá đất ở bị thu hồi bằng hoặc cao hơn giá đất TĐC, thì được hỗ trợ bằng 25% tiền sử dụng đất theo giá đất TĐC tương ứng với diện tích đất bị thu hồi, phần giá trị của đất TĐC còn lại hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền vào ngân sách Nhà nước theo giá đất TĐC.

b) Trường hợp, giá đất ở bị thu hồi thấp hơn giá đất TĐC thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền sử dụng đất TĐC theo giá đất ở đã được bồi thường, phần giá trị chênh lệch của đất TĐC còn lại được hỗ trợ, tương ứng với diện tích đất ở bị thu hồi.

c) Các trường hợp nêu trên, đối với phần diện tích đất TĐC chênh lệch lớn hơn diện tích đất ở bị thu hồi thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước theo giá đất TĐC. Nếu hộ gia đình, cá nhân thật sự khó khăn, thì phần giá trị đất TĐC chênh lệch lớn hơn, giao UBND cấp huyện xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định cho nợ tiền sử dụng đất, thời gian cho nợ tối đa không quá 5 năm.

1.3. Hỗ trợ tiền sử dụng đất TĐC đối với trường hợp diện tích đất ở bị thu hồi bằng hoặc lớn hơn diện tích đất TĐC:

a) Trường hợp, giá đất ở bị thu hồi bằng hoặc cao hơn giá đất TĐC, thì được hỗ trợ bằng 25% tiền sử dụng đất theo giá đất TĐC tương ứng với diện tích đất TĐC, phần giá trị của đất TĐC còn lại hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền vào ngân sách Nhà nước theo giá đất TĐC.

b) Trường hợp, giá đất ở bị thu hồi thấp hơn giá đất TĐC, thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền sử dụng đất TĐC theo giá đất ở bị thu hồi, tương ứng với diện tích đất TĐC, phần giá trị chênh lệch của đất TĐC còn lại được hỗ trợ.

c) Mức hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất TĐC theo quy định tại điểm a và b, tiết 1.3, khoản 1, Điều này là 2 lô đất theo quy hoạch phân lô tại các khu tái định cư nhưng không quá 2 lần hạn mức giao đất ở theo quy định hiện hành của UBND tỉnh và không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi; hộ gia đình bốc thăm để lựa chọn. Phần diện tích đất TĐC còn lại (nếu có), hộ gia đình phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất TĐC, không cho nợ tiền sử dụng đất.

1.4. Đối với trường hợp quy định tại điểm c, tiết 1.1, khoản 1, Điều này, được hỗ trợ 50% giá trị chênh lệch tiền sử dụng đất tái định cư (nếu giá đất tái định cư cao hơn giá đất ở bị thu hồi), số tiền sử dụng đất còn lại hộ gia đình phải nộp vào ngân sách Nhà nước, không cho nợ tiền sử dụng đất.

Ví dụ:

1. Trường hợp 1:

+ Diện tích đất ở bị thu hồi: 200m2.
- Giá đất đền bù: 100.000 đồng/m2.
Khi đó giá trị đền bù sẽ là: 200 x 100.000 = 20.000.000 đồng.
+ Lô đất TĐC có diện tích: 200m2 (diện tích lô đất TĐC này tùy thuộc vào việc phân lô theo quy hoạch tại khu TĐC).
- Giá đất TĐC: 500.000 đồng/m2.
Khi đó giá trị lô đất TĐC sẽ là: 200 x 500.000 = 100.000.000 đồng.
Nếu người dân được bố trí 1 lô đất TĐC có diện tích nêu trên thì người dân chỉ nộp tiền đúng bằng phần giá trị đã đền bù (tức là 20.000.000 đồng).

2. Trường hợp 2: Tương tự như trường hợp 1 nhưng diện tích thu hồi lớn hơn 200m2 thì người dân cũng chỉ nộp tiền đúng bằng giá trị đã đền bù theo diện tích 200m2; phần giá trị đền bù còn lại người dân được nhận đủ.

TÒA SOẠN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO