Dù các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm định mức độ thiệt hại nứt tường nhà do xe cơ giới vận chuyển nguyên vật liệu qua lại để thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhưng đến nay hộ bà Phạm Thị Thanh (SN 1953, thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) vẫn chưa được chi trả bồi thường.
Nhà bà Thanh bị nứt tường nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa chịu chi trả bồi thường. |
Trong đơn, bà Thanh cho biết, khi thi công gói thầu 3A thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhà thầu phải sử dụng đường liên xã, liên thôn để vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng. Các loại xe siêu trường, siêu trọng chở vật liệu ngoài phá hoại đường giao thông, còn làm hư hại nhà cửa của người dân, đặc biệt 7 hộ dân tại thôn Nông Sơn 2. Vì thi công trong thời gian dài nên nhà thầu cũng tiến hành bồi thường theo từng đợt. Trong lần bồi thường đầu, 7 hộ dân, trong đó có hộ bà Thanh đều được chi trả tiền đủ. Tuy nhiên, đợt 2 năm 2016, trong khi 6 hộ dân được nhận tiền bồi thường thì hộ bà Thanh không được chi trả, dù các đơn vị liên quan đã giám định, xác định mức độ hư hại.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, trong quá trình sử dụng đường liên thôn, liên xã phục vụ thi công gói thầu 3A, việc vận chuyển thiết bị, vật tư của nhà thầu có tải trọng quá lớn gây nứt nhà của các hộ dân dọc hai bên tuyến đường công vụ. Để có cơ sở khắc phục hậu quả, nhà thầu đã thực hiện ký quỹ tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Điện Bàn với giá trị 1,4 tỷ đồng, giá trị còn lại 1,7 tỷ đồng thực hiện bảo lãnh ngân hàng. Việc triển khai kiểm định, bồi thường tiến hành qua nhiều lần, nhưng do nhà thầu không thực hiện đúng cam kết nên người dân khiếu nại. |
Ngày 1.8 vừa qua, tại trụ sở UBND xã Điện Phước, có đầy đủ đại diện chính quyền huyện, xã, đơn vị thi công và chủ đầu tư đã thống nhất sau ngày 30.8, nếu đơn vị thi công không chi trả tiền cho người dân thì chủ đầu tư dự án đường cao tốc cam kết sử dụng chi phí của hạng mục bảo hiểm công trình gói thầu 3A chi trả trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, đến nay gia đình bà vẫn chưa được giải quyết quyền lợi. “Tại sao 7 hộ cùng một lô đất liền kề, nhà sát nhau, trong khi nhà tôi bị hư hại nặng nhất do xe công trình gây ra mà đơn vị thi công chỉ đền bù 6 hộ, còn riêng tôi thì để lại” - bà Thanh thắc mắc. Theo hồ sơ, ngày 25.8.2016, đơn vị bảo hiểm giám định tổn thất nhà thiệt hại là Công ty CP Giám định Thái Dương (trụ sở đóng tại TP.Đà Nẵng) đã lập biên bản giám định, làm cơ sở để chi trả bồi thường cho bà Thanh. Hiện những vị trí nứt nhà, gia đình bà Thanh đã tự bỏ tiền ra khắc phục, sửa chữa; trong khi đó, Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Quảng Nam (Sở Xây dựng) cũng thực hiện xong công việc này vào đầu năm 2015. Bà Thanh đề nghị đơn vị bảo hiểm cần căn cứ vào đó để tham chiếu và thống nhất khối lượng, mức độ hư hại tại hiện trường.
Điều làm cho bà Thanh bức xúc là ngày 25.8.2016, Công ty CP Giám định Thái Dương và đại diện đơn vị thi công đến kiểm định và lập biên bản giám định tổn thất về nhà ở, đã đề cập nguyên nhân tổn thất theo hướng bất lợi cho gia đình, đặc biệt ghi thêm nội dung: “biên bản ghi nhận toàn bộ tổn thất được chủ nhà xác nhận, cam kết không khiếu nại thêm”. Qua tìm hiểu của phóng viên, do các đơn vị kiểm định chưa tìm được “tiếng nói chung” nên giải quyết quyền lợi cho người dân rất chậm chạp, làm phát sinh đơn thư khiếu nại về dự án đường cao tốc. Đặc biệt, riêng trường hợp 7 hộ dân ở thôn Nông Sơn 2, Quảng Nam đã có Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng) kiểm định đủ thẩm quyền và thực tế đơn vị này đã kiểm định mức độ thiệt hại nhà bà Thanh cũng như 6 hộ khác trong 3 ngày (19, 20 và 21.1.2015), nhưng chủ đầu tư không lấy kết quả đó làm căn cứ để chi trả cho người dân, mà phải đưa Công ty CP Giám định Thái Dương vào. Điều này đã gây thêm nhiều vướng mắc trong quá trình chi trả bồi thường thiệt hại cho dân.
TRẦN HỮU