Cùng hiện trạng quản lý, sử dụng đất ở vị trí cận kề nhau khi bị thu hồi để thi công dự án kè bờ sông Bàn Thạch nhưng các hộ dân dân thuộc phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) nhận chính sách chi trả bồi thường theo kiểu “bên trọng bên khinh” nên họ đã khiếu nại nhiều lần lên các cơ quan chức năng của TP.Tam Kỳ.
Công trình thi công kè bờ sông Bàn Thạch vùi lấp đất của hộ ông Bảo hơn 1 năm nay vẫn chưa bồi thường. Ảnh: TRẦN HỮU |
Thi công hơn 1 năm vẫn chưa bồi thường
Trong đơn khiếu nại tập thể, người đại diện cho 8 hộ dân ở khối phố Hồng Lư và Hương Sơn thuộc phường Hòa Hương là ông Trần Ngọc Bảo (khối phố Hồng Lư) trình bày: 8 hộ dân (gồm Trần Ngọc Bảo, Phan Lợi, Phan Tiến, Nguyễn Ngọc Nhựt, Phan Cường, Phan Văn Huấn, Nguyễn Văn Đào, Đào Thanh Cường) có các thửa ruộng dọc bờ sông Bàn Thạch. Trong đó, 4 hộ ông Phan Cường, Phan Văn Huấn, Nguyễn Văn Đào và Đào Thanh Cường đã được cơ quan chức năng điều chỉnh loại đất bồi thường (BT) và chi trả các khoản hỗ trợ (HT) khác theo quy định, còn lại 4 hộ Trần Ngọc Bảo, Phan Lợi, Phan Tiến và Nguyễn Ngọc Nhựt vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm (4 hộ này có 4 thửa ruộng dọc bờ sông Bàn Thạch). Điểm kè mới của dự án kè bờ sông Bàn Thạch giai đoạn 2 giáp với vị trí tuyến kè cũ. Tất cả 4 thửa ruộng đều nằm giữa tim đường của tuyến thi công công trình. Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh Tam Kỳ là cơ quan trực tiếp kiểm kê, chi trả BT, HT. Theo 4 hộ dân, cơ quan BT chỉ đưa ra duy nhất hình thức chi tiền BT về loại đất bằng trồng cây hàng năm khác là không đúng loại đất thực tế mà họ đang quản lý, sử dụng. Đơn cử, tại Biên bản tính giá trị BT-HT ngày 13.7.2017 của Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh Tam Kỳ, ông Trần Ngọc Bảo được BT với diện tích 858,1m2 với loại đất trồng cây hàng năm khác, với tổng số tiền hơn 94,3 triệu đồng; ông Nguyễn Ngọc Nhựt được BT với diện tích 878,7m2 đất với hơn 96,6 triệu đồng; ông Phan Lợi BT gần 156m2 với số tiền hơn 17 triệu đồng và ông Phan Tiến bị thu hồi 265,3m2 với giá trị BT hơn 29 triệu đồng. Điểm giống nhau là cả 4 hộ đều không được HT bất cứ chi phí nào khác, ngoài BT mỗi loại đất với mức giá đất trồng cây hàng năm.
Sau khi Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh Tam Kỳ lập biên bản áp giá BT mời nhận tiền, thì tất cả 4 hộ đều không đồng ý nhận tiền và tiếp tục khiếu nại. Tại Thông báo số 334/TB-UBND, ngày 31.5.2017, kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh trong cuộc họp trực báo tiến độ BT, giải phóng mặt bằng kè sông Tam Kỳ, trong đó có đoạn qua Hòa Hương nêu rõ đã thống nhất chủ trương áp giá BT đất nông nghiệp với 8 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp nêu trên. Tại Công văn số 1511/UBND-VP, ngày 24.7.2017, cũng do Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh ký có nêu, để tránh tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp, đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh Tam Kỳ khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.Tam Kỳ và báo cáo kết quả trước ngày 30.7.2017. Tuy vậy, vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. |
Ông Bảo bức xúc nói: “Tại sao một loại đất lúa, quá trình sử dụng đất tương tự nhau, chung một tuyến kè, các đợt trước thì được BT đầy đủ chế độ chính sách của Nhà nước còn lần này chỉ áp dụng BT tiền đất chứ không có các khoản hỗ trợ nào khác. Điều này hoàn toàn không đúng với Quyết định số 43/2014 và số 02/2016 của UBND tỉnh”. Chấp hành chủ trương chung, tháng 7.2016, các hộ dân còn cho đơn vị thi công mượn tạm 5m bề ngang đổ đất dọc theo 4 thửa ruộng với chiều dài 100m. Ông Nguyễn Ngọc Nhựt cho biết, toàn bộ diện tích ruộng 4 thửa của bà con đều trúng giữa tim đường đê bờ kè; vị trí lại nằm ngay đầu nút giao thông. Tuy nhiên, đến nay hơn 1 năm vẫn chưa giải quyết BT. Dẫn phóng viên ra hiện trường chứng kiến diện tích đất của gia đình bị vùi lấp bởi thi công đường, ông Bảo nói: “Đất đai của 4 gia đình đã nằm dưới công trình giao thông, năm lần bảy lượt gõ cửa các ngành chức năng của thành phố nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho công dân”.
Bất nhất
Vì sao các hộ dân liên tục khiếu nại đòi quyền lợi? Qua thu thập hồ sơ và quan sát thực địa, cho thấy bức xúc của các hộ dân là có cơ sở. Chẳng hạn, khu đất của ông Trần Ngọc Bảo nằm sát với lô đất của ông Nguyễn Đô (sát mép sông). Ngoài được BT về đất lúa, gia đình ông Đô còn được nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Ông Bảo nói: “Đất của ông Đô nằm sát với đất của gia đình, tại sao BT cho ông Đô là loại đất trồng lúa và được HT các khoản khác, còn chúng tôi thì không? Nếu đem so sánh với biên bản BT cho hộ ông Nguyễn Thành Công là con trai ông Nguyễn Đô thì chúng tôi sẽ mất đi một khoản tiền HT chính sách khoảng 70% giá trị của tổng diện tích đất bị thu hồi”. Về nguồn gốc đất, qua tìm hiểu được biết, nguyên trước đây của Hợp tác xã Sơn Trà cũ (nay là khối phố Hương Sơn) cấp cho 4 hộ dân nằm sát bờ sông Bàn Thạch. Sau khi nhận ruộng sản xuất lúa từ năm 1983 đến 1995 thì bị chất thải của Nhà máy điện Tam Kỳ chảy tràn ra ngoài làm lúa chết. Dân đắp bờ ngăn lại nhưng thủy triều xâm lấn không sản xuất được. Đến năm 1997 làm đường bê tông lấp luôn mương thủy lợi nên sản xuất của bà con bị ngưng trệ.
Điều làm cho một số hộ dân bức xúc là cơ quan BT thực hiện chi trả theo kiểu “bên trọng bên khinh”. Sau khi cơ quan BT lập biên bản tính giá BT-HT, người dân không đồng ý nhận tiền nên đâm đơn khiếu nại, thì được điều chỉnh tăng mức lên cao rất nhiều so với cách tính ban đầu. Chính cách làm cảm tính, thiếu căn cứ của Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh Tam Kỳ đã làm cho các hộ dân khiếu nại vượt cấp. Sáng 5.10, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh Tam Kỳ cho biết, đang trình thành phố xem xét giải quyết quyền lợi loại đất lúa, kèm theo bổ sung chính sách HT cho 4 hộ ông Trần Ngọc Bảo, Phan Lợi, Phan Tiến và Nguyễn Ngọc Nhựt giống như đã giải quyết cho 4 hộ trước.
TRẦN HỮU