Ba năm qua, TP.Tam Kỳ thực hiện hàng loạt dự án đầu tư xây dựng với hàng trăm hộ dân bị giải tỏa trắng. Tuy nhiên, địa phương gặp vướng mắc do thiếu quỹ đất dự phòng để bố trí tái định cư (TĐC), ách tắc khi bồi thường…
Thi công xây dựng cầu Kỳ Phú 1. Ảnh: B.HẠNH |
Nhiều dự án
Là thành phố tỉnh lỵ, Tam Kỳ đang trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm như: đường cứu hộ cứu nạn ven biển, Trung tâm Dịch vụ triển lãm TP.Tam Kỳ, đường quy hoạch 24m Khu công nghiệp Thuận Yên, cầu Kỳ Phú 1 và Kỳ Phú 2, Khu vườn tượng danh nhân và Bảo tàng tỉnh, Nhà văn hóa thiếu nhi, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Ông Ích Khiêm (kênh N2/49), đường Trần Hưng Đạo nối dài… Đó là chưa kể các dự án thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm như đường Đặng Dung – phường An Mỹ, đường Ông Ích Khiêm – phường An Sơn, các dự án đường bê tông và giao thông nông thôn… Một số dự án đang triển khai dang dở như đường Nam Quảng Nam, đường N10, các khu dân cư (KDC) Tây An Hà – Quảng Phú, Nam Tam Thanh, đường Kỳ Phú – Phú Ninh (đoạn Hùng Vương – Nguyễn Hoàng), KDC Đông Tân Thạnh, KDC phía tây đường Bạch Đằng, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh mở rộng…
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Tam Kỳ hiện nay là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Song hành với đó là chú trọng mạng lưới giao thông nông thôn, kiệt hẻm. Theo ông Nguyễn Văn Lúa – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, sắp tới, địa phương sẽ giải phóng mặt bằng lớn cho dự án mở rộng quốc lộ 1, các dự án phát triển đô thị loại 2 do Ngân hàng châu Á tài trợ như đường Điện Biên Phủ, kè và đê sông Bàn Thạch nối đê Bạch Đằng, hệ thống xử lý nước thải phường Hòa Hương, kè suối Tây Yên - phường Hòa Thuận… Những dự án này khi hoàn thiện sẽ là tiền đề cho thành phố phấn đấu trở thành đô thị loại 2.
Thiếu đất tái định cư
Việc triển khai đồng loạt các dự án đã gây áp lực cho thành phố trong khâu giải tỏa trắng, sắp xếp đất TĐC. Để giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở, Tam Kỳ đã vận dụng nhiều hình thức TĐC như bố trí dân cư sinh sống tập trung, TĐC tại các dự án khai thác quỹ đất, xen cư và TĐC tại chỗ… Không ít dự án trên địa bàn thực hiện theo “quy trình ngược” là giải phóng mặt bằng trước, sau đó mới tiến hành bố trí đất TĐC. Trong khi đó, quỹ đất dự phòng cho TĐC của Tam Kỳ rất hạn chế, không thể đáp ứng đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân. Điển hình là dự án ADB, đến nay địa phương còn nợ 10 lô đất TĐC đối với diện hộ phụ và 33 lô đất đã có thông báo tại Khu TĐC dự án ADB phường Tân Thạnh, do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Giai đoạn 2010-2012, TP.Tam Kỳ phê duyệt gần 200 phương án bồi thường hỗ trợ - TĐC, phần lớn là các công trình do địa phương làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất thu hồi 459ha (10ha đất ở) với 3.500 hộ dân nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng, trong đó hơn 200 hộ bị giải tỏa trắng. Tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ được phê duyệt 450 tỷ đồng (đã chi bồi thường 200 tỷ đồng). |
Vì chưa giải quyết dứt điểm những tồn tại trong chính sách bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, TĐC khiến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người dân kéo dài dai dẳng. Nhiều dự án buộc các cơ quan chức năng phải mất thời gian dài mới giải quyết xong như công trình nhà nghỉ Tam Thanh, thu hồi đất nông nghiệp tại KDC phố chợ An Sơn; TĐC đường Hùng Vương, KDC Nam đường Duy Tân, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, đường Thái Phiên, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm... Theo lý giải của lãnh đạo chính quyền TP.Tam Kỳ, nguyên nhân vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của địa phương là việc ban hành khung giá đất chung hàng năm của UBND tỉnh chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Giá đất bồi thường thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế. Giá đất giữa các vị trí đường chênh lệch lớn, chẳng hạn nút đường Tôn Đức Thắng – Duy Tân, phía bắc giá 5,5 triệu đồng/m2, nhưng phía nam chỉ ở mức giá 3,6 triệu đồng/m2. Kiệt hẻm của các trục đường chính cao hơn giá đất của các trục đường khác. Thêm nữa, có nơi đất vườn, đất nông nghiệp tổng mức bồi thường thiệt hại còn cao hơn giá đất ở liền kề. Riêng các dự án trên địa bàn phường Tân Thạnh, Hòa Thuận, việc xác định giá đất ở trung bình để hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp theo Quyết định 23 của UBND tỉnh chênh lệch giá rất lớn, dù có điều kiện như nhau. Chính sách bồi thường hỗ trợ chưa được bổ sung, điều chỉnh kịp thời.
Thực tế, không ít dự án đã triển khai trước đây gây ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, khiến người dân bỏ hoang không sản xuất được. Theo thống kê, tại các phường Tân Thạnh, An Sơn, Hòa Thuận có đến 50ha đất nông nghiệp bỏ hoang hoặc sản xuất bấp bênh, nhưng thành phố không có kinh phí bồi thường. Mặt khác, có dự án bồi thường nguyên thửa nhưng chỉ thu hồi một phần diện tích, còn lại bỏ hoang nên người dân tự ý lấn chiếm sử dụng.
BÍCH HẠNH