Nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn và không thống nhất với cách đặt vấn đề về nguồn lực đầu tư theo như dự thảo Đề án phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021.
Băn khoăn là vì, đầu tư một khoản ngân sách không hề nhỏ, song cách quản lý, vận hành hồ bơi ra sao, rồi công tác duy tu, bảo dưỡng như thế nào là những câu hỏi chưa có lời giải. Thậm chí, mức thu học phí, đối tượng miễn giảm cũng cần phải bàn bạc, thảo luận kỹ; bởi tùy thuộc vào vùng miền, đồng bằng thu tiền nhưng các địa phương miền núi phải tính đến phương án miễn giảm. Có ý kiến còn lo ngại rằng, không khéo Nhà nước đầu tư tiền tỷ xây dựng hồ bơi rồi bỏ không trong khi người dân tìm đến các hồ bơi của tư nhân vì nước được xử lý sạch sẽ hơn.
Băn khoăn, lo ngại của nhiều người cũng là điều dễ hiểu khi mà hiệu quả chưa biết thế nào trong khi “tiền tươi thóc thật” từ ngân sách bỏ ra đầu tư hàng loạt hồ bơi tại các trường học. Hơn nữa, không giống với các thiết chế thể thao khác như sân bóng đá hay cầu lông, hồ bơi khi đưa vào sử dụng thì song hành với công tác quản lý đòi hỏi việc duy tu, bảo dưỡng, nhất là khâu xử lý nước phải thường xuyên, liên tục mới tạo ra môi trường nước sạch sẽ, hợp vệ sinh. Công đoạn này tốn kém nguồn kinh phí không hề nhỏ và đây cũng là điều khiến cho các trường học - đơn vị quản lý hồ bơi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý, vận hành.
Thực tế vẫn có một vài địa phương quan tâm qua việc đầu tư ngân sách xây dựng hồ bơi, lập ban chỉ đạo và vận động học sinh học bơi, tiêu biểu như thị xã Điện Bàn. Nhưng nhìn trên bình diện cả tỉnh, không quá khi cho rằng, phổ cập bơi trong đối tượng học sinh đang có một khoảng trống cho dù tính cấp thiết đã tăng lên cấp độ khẩn khi mà mỗi năm trung bình có gần 20 trẻ em Quảng Nam bị chết do đuối nước và UBND tỉnh cũng vừa tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi. Loay hoay trong việc lựa chọn giải pháp đầu tư, quản lý vận hành, đề án phổ cập bơi, phòng chống đuối nước sau 3 năm vẫn chưa có “đường ra” để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Điều đó cũng có nghĩa trong thời gian tới, bơi vẫn phải tiếp tục… “tự bơi”.
Nhân nói đến câu chuyện về phổ cập bơi, có lẽ nên nhắc lại cách làm của Swim Việt Nam. Trong 10 năm qua, tổ chức này đã hỗ trợ nguồn kinh phí lên đến hơn 12 tỷ đồng để thực hiện chương trình phổ cập bơi trong tỉnh, bao gồm xây dựng 8 bể bơi tại các địa phương (Hội An, Đại Lộc, Tam Kỳ, Tiên Phước, Duy Xuyên, Quế Sơn), tổ chức dạy bơi, kỹ năng sống dưới nước cho học trò và đào tạo giáo viên. Nhờ đó, đến nay đã có 62.000 học sinh được phổ cập bơi, nắm được những kiến thức về an toàn, phòng chống đuối nước và cả trăm giáo viên được đào tạo cơ bản về phương pháp dạy bơi. Cũng qua chương trình của Swim Việt Nam, thể thao học đường của tỉnh đã từng gây bất ngờ khi gặt hái được thành tích cao tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.
Dù vậy, sự hỗ trợ của Swim Việt Nam hay các cá nhân, doanh nghiệp chỉ là chung tay, góp sức chứ không thể quyết định đến cả một chương trình phổ cập bơi lâu dài, căn cơ trên địa bàn tỉnh. Chưa thể nói đến chuyện phổ cập nếu không có kế hoạch đầu tư phát triển hồ bơi cũng như chương trình giảng dạy bài bản trong nhà trường. Tất nhiên không thể đầu tư dàn trải, như ý kiến của ông Đoàn Minh Trung - Giám đốc chương trình Swim Việt Nam: “Tỉnh Quảng Nam chỉ cần có 30 hồ bơi tại các trường học, địa bàn nào rộng có thể bố trí 5 hồ. Chừng đó là đủ để hoàn thành phổ cập bơi cho toàn bộ học sinh”.