Việc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh phát hiện, xử lý cơ sở bơm nước vào bò trước khi giết mổ đã đánh động những “mảng tối” trong lĩnh vực này.
Lực lượng PC49 Công an tỉnh kiểm tra 1 lò giết mổ gia súc. Ảnh: N.Q.V |
Gian lận thương mại
Tháng 1.2017, Phòng PC49 Công an tỉnh đã phát hiện, xử phạt 5,5 triệu đồng đối với hành vi bơm nước vào bò trước khi giết mổ của ông Ngô Văn Sơn (khối phố Đình An, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên). Mới đây, lực lượng chức năng lại phát hiện, xử lý trường hợp bơm nước vào 8 con bò trước khi giết mổ của ông Lê Thanh Truyền (tỉnh Phú Yên) tại cơ sở giết mổ của bà Ngô Thị Thanh Xuân (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn). Phòng PC49 Công an tỉnh đang tham mưu, xử phạt 25 triệu đồng đối với vi phạm này. Thiếu tá Hồ Quang Hải - Đội trưởng Đội 4 - Phòng PC49 Công an tỉnh cho biết, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ đã không còn là trường hợp hiếm hoi xảy ra trên địa bàn tỉnh. Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng về pháp luật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc bơm nước vào gia súc thực chất là gian lận thương mại, nhằm làm tăng trọng lượng cho heo, bò giết mổ đã khiến cho người tiêu dùng bị thiệt hại. Khi bò, heo bị bơm nước thì chất lượng thịt không đảm bảo, thậm chí người tiêu dùng có thể bị đầu độc do nước bẩn tấn công khiến thịt biến chất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2016, có rất nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh đã bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ. Nguy hiểm nhất là hành vi phạm pháp này lại diễn ra với mật độ lớn vào thời điểm cận tết khiến người tiêu dùng bị thiệt hại nặng. Việc phát hiện, xử lý các trường hợp bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ không hề dễ dàng bởi các đối tượng có thể bơm nước ở nhiều địa điểm khác nhau rồi mới đưa vào cơ sở giết mổ. “Ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ do các xã, thị trấn quản lý, tình trạng môi trường ô nhiễm là vấn nạn rất khó giải quyết. Do đầu tư thấp, nước bẩn dùng trong giết mổ không hề được xử lý trước khi thải ra môi trường xung quanh. Ở các cơ sở này, dụng cụ đều không đảm bảo vệ sinh. Các thành phần bẩn từ phân, lông, phế phẩm của gia súc đều theo dòng chảy ngấm vào mạch nước ngầm trong lòng đất. Nguồn nước ngầm đó lại được các cơ sở giết mổ hút lên để bơm vào gia súc nên nguy cơ nhiễm bẩn trong thịt là rất cao” - Thiếu tá Hồ Quang Hải nói. Theo Phòng PC49 Công an tỉnh, việc phát hiện và xử lý vi phạm bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ được phát hiện từ quá trình thâm nhập thực tế, điều tra, theo dõi.
Cần đồng bộ các giải pháp
Ngày 9.10.2013, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi với mức xử phạt 5 - 6 triệu đồng đối với hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2017/NĐ-CP tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ lên tối đa 25 triệu đồng. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quảng Nam cho rằng, chế tài xử phạt như vậy vẫn còn nương nhẹ và đề xuất nên đình chỉ hẳn việc giết mổ ở cơ sở vi phạm. Vì hành động này gây độc hại đến sức khỏe của đại đa số người tiêu dùng chứ không chỉ tổn thất vật chất, tiền bạc. Ông Ngô Tấn cho rằng, khi mua thịt gia súc, người tiêu dùng nên cẩn thận quan sát thịt. “Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm tại các quầy hàng có uy tín về chất lượng. Người mua nên lựa chọn thịt có màu đậm, có độ đàn hồi cao, thớ thịt săn chắc. Những sản phẩm thịt có màu nhạt, thịt nhũng nhão, ấn vào để lại dấu tay, chảy nước có nguy cơ bị bơm nước rất cao” - ông Tấn nói.
Theo Phòng PC49 Công an tỉnh, qua theo dõi, ở các khu giết mổ tập trung như Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) hay các khu giết mổ lớn do các công ty thực hiện, việc đầu tư phục vụ giết mổ bài bản, không có trường hợp bơm nước vào gia súc. Bởi vậy, để chấn chỉnh thực trạng trên thì rất cần giám sát chặt chẽ hoạt động ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ của chính quyền cơ sở. Chỉ có vậy mới hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động giết mổ, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, tránh sử dụng thịt gia súc bị bơm nước. Theo đó, cán bộ thú y cơ sở cần phải năng nổ, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc giết mổ theo phân công chức năng. “Lực lượng của PC49 Công an tỉnh có giới hạn, không thể có mặt cùng lúc ở tất cả cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh. Việc giết mổ lại diễn ra ở các thời điểm rất nhạy cảm là đêm tối cho đến sáng. Bởi vậy, lực lượng chức năng rất cần nhận được sự tố giác của quần chúng nhân dân ở nơi có hoạt động giết mổ gia súc trái luật định. Chính quyền cơ sở cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ cơ sở giết mổ đầu tư quy củ cho hoạt động giết mổ, đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm” - Thiếu tá Hồ Quang Hải nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT