(QNO) - Bốn ngày cắt rừng trốn khỏi bãi vàng thuộc Công ty THHH Phước Minh (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn), 4 em Seo Văn Viềng, Cụt Văn May, Cụt Văn Tuột, Cụt Buôn Hương (cùng quê Nghệ An) đang được một người dân tại thị trấn Khâm Đức cưu mang gần nửa tháng nay và mong muốn được về nhà an toàn.
Cứ thế mà chạy…
Để tránh tai mắt của chủ bãi, phải đợi đến đêm 4.6, chúng tôi mới tiếp cận được 2 em người dân tộc Khơ Mú là Seo Văn Viềng (SN 1995, quê ở bản Thau Đi, xã Bảo Nam) và Cụt Văn May (SN 1998, bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, cùng huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Trời đêm miền sơn cước sương phủ, se lạnh, câu chuyện của các em càng khiến chúng tôi nhói lòng…
Không chịu nỗi cảnh lao động khổ sai dưới hầm vàng tối tăm, 4 phu vàng quê xứ Nghệ cùng hội ý và quyết định cuộc trốn chạy. Đã nhiều ngày trôi qua và được người dân cho ăn, ở tạm, song vẻ mặt thất thần vẫn còn lộ rõ trên những khuôn mặt “già trước tuổi”. Thi thoảng, các em co rúm người rồi liếc, ngó xung quanh đầy cảnh giác. Riêng 2 em khác là Cụt Văn Tuột và Cụt Buôn Hương (cùng quê với Cụt Văn Mây) đã xin đi làm rẫy thuê cho một người dân khác để có tiền về quê.
Các em Cụt Văn May (bìa trái) và Seo Văn Viềng cùng anh Quang Văn Sự - người từng làm việc tại Công ty TNHH Phước Minh.Ảnh: VĂN HÀO |
Cả 2 em Viềng và May cho biết, tháng 3.2014, thông qua một người dắt mối dân tộc Thái (không biết tên), các em vào bãi Muối, xã Phước Thành làm thuê cho một chủ bãi vàng có biệt danh “Quang bớp”, thuộc Công ty TNHH Phước Minh (trụ sở tại thị trấn Khâm Đức). Trong chuyến đi này, có hàng chục lao động nhí khác và số ít đã trốn về quê vì không trụ nổi. Quệt nước mắt, Seo Văn Viềng kể: “Tụi em làm ngày 11 tiếng đồng hồ, họ kêu trả lương 2,5 triệu đồng/tháng nhưng phải làm đủ 6 tháng mới được nhận tiền. Làm dưới hầm sâu, tụi em ốm liên tục nhưng họ cứ bắt phải dậy đi làm; bữa cơm hằng ngày chỉ có cá khô”.
Không chịu được môi trường làm việc quá khắc nghiệt, 2 giờ sáng ngày 18.5, khi cả trại còn đang say ngủ, 4 em trên cùng nhau tháo chạy khỏi bãi vàng. Ròng rã 4 ngày đêm, đến tận tờ mờ sáng ngày 22.5, các em mới ra tới thị trấn Khâm Đức. “Tụi em cứ thế mà chạy. Có 2 đêm ngủ lại ở rừng, còn lại đi mãi. Đói quá nên nhổ sắn củ người ta trồng, rồi hái lá cây rừng để ăn cầm hơi. Rồi tiếp tục chạy…” - May nhớ lại. Vì không rành tiếng kinh lắm nên khi các em phát âm từng từ, từng chữ chậm rãi, kéo dài khiến người nghe buốt lòng.
Mong muốn về quê an toàn
Bây giờ, các em vẫn thấy mình… may mắn vì không chỉ thoát được “địa ngục trần gian” mà còn được người đàn ông tốt bụng cưu mang. “Sau khi gặp các em, sao anh không khai báo với chính quyền địa phương?”; người đàn ông tốt bụng lý giải: “Tai mắt, đệ tử của các chủ bãi vàng có khắp thị trấn này. Tôi sợ những điều không hay lại đến với các em. Vả lại, tôi cần giới truyền thông làm nhịp cầu thông tin rộng rãi để mọi người biết, cùng bảo vệ cho đến khi các em được về quê an toàn”. Hẳn thế mà anh tìm cách liên lạc với chúng tôi và chỉ đồng ý gặp vào buổi đêm.
Anh kể tiếp, đang lúc tỉa lúa thấy các em dìu dắt từ trên rừng xuống. Chân bước xiêu vẹo, mặt mày tím tái, các em không thốt nên được lời nào. Anh vội chạy đi mua hơn mười ổ bánh mỳ, nước để các em ăn chống đói. Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, anh ngụy trang cho các em rồi lần lượt đưa về nhà mình tại thị trấn Khâm Đức để các em ở tạm. “Bây giờ tụi em cũng không dám bước chân ra đường vì sợ. Ngoài được ăn ở tại đây, tụi em còn được gia đình mua cho mỗi người 2 bộ áo quần mới để mặc” - Viềng nói. Vì ngoài quê không có sóng điện thoại nên các em không thể liên lạc về cho gia đình. Chỉ biết, bây giờ các em rất nôn nóng để được về quê đoàn tụ sau những tháng ngày bị ép lao động khổ sai.
Hầu hết các phu vàng vào đây làm thuê đều có gia cảnh rất khó khăn, bỏ học giữa chừng. Gia đình Viềng và May cũng vậy, đông anh em, phải ly hương để lao động kiếm tiền. Các em cho biết chỗ bãi vàng mà các em trốn chạy có hàng trăm lao động tứ xứ, trong đó rất đông người cùng trang lứa, kể cả giới nữ. Chúng tôi tìm gặp anh Quang Văn Sự (nhà tại thị trấn Khâm Đức), người từng có 2 năm làm bảo vệ cho Công ty TNHH Phước Minh, cho biết: “ Tôi thường xuyên chứng kiến việc bóc lột sức lao động trẻ một cách tàn nhẫn tại bãi vàng. Thấy ai bỏ trốn, họ kêu tôi đi bắt lại, đánh đập nhưng tôi không nỡ lòng nên xin nghỉ. Điều kiện làm việc của các em rất tồi tàn và phải làm 8 tháng họ mới may cho một cái áo”.
Khi chúng tôi đăng bài này, lực lượng chức năng liên quan cần sớm vào cuộc làm rõ cũng như tạo điều kiện để các lao động nhí trên được về quê an toàn.
VĂN HÀO