Bón phân vi sinh cho lúa nước

LỮ ĐINH HÀ MY 22/05/2014 08:27

Lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh trên ruộng lúa nước tại xã nông thôn mới thôn A Cấp (xã A Nông, huyện Tây Giang) đã cho kết quả khả quan.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học - công nghệ), người dân thôn A Cấp đã tự sản xuất được phân hữu cơ vi sinh từ chế phẩm vi sinh bón trên ruộng lúa nước khá thành công. Mô hình sản xuất lúa nước bón phân vi sinh áp dụng trên diện tích 2.000m2 chia đều cho 2 hộ ông A Rất Bắc và hộ bà A Vô Cới sản xuất giống lúa Xi23 trong vụ đông xuân 2013 - 2014. Sau gần 1 năm thực hiện, so sánh với mô hình đối chứng thì mô hình thí điểm cho hạt lúa chắc, bóng mẩy; cây lúa đẻ nhánh khỏe, đầu tháng 6.2014 mới đến kỳ thu hoạch nhưng năng suất dự kiến ước đạt trung bình 45 tạ/ha, khá cao so với năng suất chung của địa phương. “Nhờ được sự quan tâm của các anh chị đến đây hướng dẫn trồng lúa nước với kỹ thuật mới bà con thấy thiết thực và phấn khởi lắm. Tôi cũng mong muốn chương trình sẽ tiếp tục” - bà A Vô Cới, chủ hộ thí điểm mô hình nói.

Qua tham quan mô hình người dân cho thấy năng suất cây lúa cao hơn nhiều so với cách làm cũ. Ngành chức năng kết luận ban đầu rằng phân hữu cơ vi sinh bón trên cây lúa nước có hiệu quả rõ nét. Đây là cơ sở để trung tâm ứng dụng ở một số nơi trên địa bàn miền núi, đặc biệt phổ biến kiến thức để người dân hình dung, tiếp cận kỹ thuật bón phân hữu cơ vi sinh. “Qua mô hình này giúp người dân thấy được sự cần thiết của phân hữu cơ vi sinh, chắc chắn người dân sẽ tiếp nhận và ứng dụng trong quá trình sản xuất của mình” – ông Phan Văn Phu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học công nghệ Quảng Nam cho biết. Ông Tăng Thường Dưỡng - Phó Bí thư Đảng ủy xã A Nông cho biết, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật giúp bà con nâng cao nhận thức về việc sử dụng phân bón sạch, địa phương mong muốn thời gian tới trung tâm tiếp tục giúp đỡ để người dân nâng cao năng suất cây trồng. Trong những năm gần đây, ruộng lúa nước trên địa bàn huyện được khai hoang mở rộng, tuy nhiên việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào ruộng lúa nước chưa được quan tâm. Mô hình này rất thiết thực với người dân.

Hiện đã có thêm 30 hộ dân tại địa phương đăng ký tham gia ứng dụng mô hình sản xuất lúa nước bón phân vi sinh. Người dân mong muốn phía trung tâm tạo điều kiện hỗ trợ thêm nữa về kỹ thuật tự sản xuất phân vi sinh tại hộ và cung cấp chế phẩm vi sinh để bà con ứng dụng hiệu quả không chỉ trên cây lúa mà trên nhiều loại cây trồng khác, đặc biệt là lúa sau khi sạ sẽ sử dụng phế phụ phẩm kết hợp phân vi sinh (meo nấm) để làm nấm rơm, giúp người dân tăng thu nhập kinh tế gia đình.

LỮ ĐINH HÀ MY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bón phân vi sinh cho lúa nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO