Tôi theo lối tắt về làng Tích Phước nằm bên kia sông Tiên. Ngó sang bên phải, cái gò mồ côi giống nhũ hoa thiếu nữ, sim mua mọc đầy. Nơi ấy, ngày xưa ông Bốn Xiềng dựng túp lều tranh, nằm rung đùi hát vang những bài ca cách mạng…
Người làng Lâm Nam cho tôi hay, ông Bốn Xiềng đã về với đất khi tròn tuổi tám mươi. Tôi lặng lẽ thở dài thương cho một kiếp người. Và bất chợt tôi nhớ lại những lời mẹ tôi kể về ông Bốn Xiềng. Ông họ Nguyễn tên Xiềng, là con thứ tư của một gia đình có gốc gác ở xóm Chồi. Nạn đói năm Giáp Thân - 1944 đã “xóa sổ” cả gia đình bé mọn. Bốn Xiềng may mắn thoát khỏi bàn tay của tử thần nhờ moi móc được củ sắn rài nơi bờ bụi nhai nuốt cầm hơi. Rồi nạn đó cũng qua đi. Bốn Xiềng phiêu bạt đến làng Lâm Nam, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Thấy Bốn Xiềng dáng người thấp đậm vạm vỡ, hiền lành chất phác, lại siêng năng chăm chỉ, chị Năm Dậu ở làng Tích Phước đem lòng yêu thương. Cha mẹ chị Năm Dậu cũng nghèo rớt mồng tơi. Hai người kết duyên chồng vợ chẳng cần cưới cheo. “Cách mạng bùng lên rồi kháng chiến trường kỳ” (Giang Nam), Bốn Xiềng tham gia Vệ quốc đoàn. Chàng trai khỏe như vâm ấy xông pha nơi hòn tên mũi đạn không sợ hãi gì. Cho đến khi đánh trận Bồ Bồ ở đâu đó ngoài Điện Bàn, Bốn Xiềng bị một mảnh đạn găm vào đầu. Anh được đưa về tuyến sau, chữa trị tại Bệnh viện Cây Sanh. Lúc bấy giờ ông Đỗ Kỷ - cậu ruột của mẹ tôi, bị đau nặng cũng nằm điều trị ở bệnh viện đó. Từ làng Vạn Xứ, ba mẹ tôi cuốc bộ hơn hai mươi cây số xuống thăm ông cậu và tình cờ gặp Bốn Xiềng. Bị mảnh đạn xuyên vào sọ, ổng mất trí, nói năng y hệt người tâm thần.
Hạ tuần tháng 7.1954, Hiệp định Genève được ký kết. Đất nước ta tạm thời phân chia thành hai miền Nam - Bắc. Rất nhiều người xa gia đình vợ con đi tập kết. Ông Bốn Xiềng cũng vậy. Hơn hai mươi năm ấy, không ai biết ổng ở đâu, làm gì ở miền Bắc.
Một ngày kia, khi nước nhà hòa bình thống nhất, dân làng Lâm Nam từ các khu dồn lục tục kéo nhau về chốn cũ vườn xưa dựng nhà cửa làm ăn sinh sống. Từ miền Bắc, Bốn Xiềng cũng khoác ba lô hồi hương. Xã bảo ông là thương binh hạng 2/4, có hồ sơ giấy tờ chứng nhận. Bốn Xiềng vẫn nửa tỉnh nửa điên và sống lập dị khiến dân làng Lâm Nam, Tích Phước, Vạn Xứ cứ xôn xao bàn tán suốt một thời gian dài. Dù đã hai thứ tóc trên đầu nhưng với mẹ tôi, tôi vẫn mãi là thằng Cúc đẹt có tật bú cơm ngày nào. Thấy tôi háo hức chuyện ông Bốn Xiềng, mẹ tôi vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa kể chuyện ông cho tôi nghe. Mẹ bảo, hồi mới thống nhất nước nhà, thấy ông Bốn Xiềng khoác ba lô về quê, bà Năm Dậu chết điếng. Sau ngày đình chiến, chính quyền Ngô Đình Diệm khuyến khích đám dân vệ, nghĩa quân ve vãn tán tỉnh và lấy làm vợ những phụ nữ có chồng tập kết ra Bắc. Đó là kế sách thâm độc nhằm đánh bật gốc “hậu phương của đối phương” ở miền Trung của chính quyền Ngô Đình Diệm. Bà Năm Dậu là một trong rất nhiều phụ nữ không giữ nổi mình, “rổ rá cạp lại” với gã Tề dân vệ. Hai người có ba đứa con chung với nhau. Trở thành kẻ thua cuộc, ông ta không thuộc diện bị bắt buộc đi tập trung cải tạo, chỉ lên xã học tập một tuần rồi về nhà làm ăn. Ông ta đi dân vệ nhưng chẳng hung hăng sách nhiễu dân lành, cũng chẳng nhiệt tình lùng sục cộng sản khi màn đêm ập xuống. Dẫu vậy, ông ta vẫn nơm nớp lo sợ Bốn Xiềng trở về xử tội ông ta ở nhà “cướp đoạt” vợ ông.
Không nói ra nhưng bà Năm Dậu thấy xấu hổ khi nghe tin Bốn Xiềng hồi hương. Bà đã chờ đợi ông suốt bốn năm trời đằng đẵng. Cuối năm 1959, gã hàng xóm ở làng Tích Phước chiêu hồi cho hay, Bốn Xiềng đã chết trên đường đi tập kết ra Bắc do vết thương tái phát. Hết hy vọng sau bao tháng ngày ngóng trông chờ đợi, bà chấp nhận “rổ rá cạp lại” với Tề dân vệ, bởi ông ta kiên nhẫn bám đeo theo bà mãi. Vợ ông ta mất vì bệnh tật, bỏ lại đứa con gái bé bỏng. Thấy ông ta “gà trống nuôi con” cũng tội, bà mới gật đầu làm mẹ kế con bé. Giờ nó đã có chồng. Không ngờ Bốn Xiềng trở về khiến bà lo âu, bối rối… Một hôm trời vừa sập tối, Bốn Xiềng đường đột đến nhà bà. Ông mặc bộ quân phục vải Tô Châu, nai nịt gọn gàng, chân đi đôi dép râu đế đúc. Tề dân vệ thấy Bốn Xiềng đi tay không, chẳng mang theo súng ống, ông ta thở phào, khuôn mặt tái mét dần trở lại bình thường. Ông ta đã suy nghĩ kỹ. Trả lại vợ cho Bốn Xiềng, dắt ba đứa con về làng Tả Lâm sinh sống làm ăn. Ông ta rót nước mời Bốn Xiềng rồi cúi đầu lý nhí: “Thú thực với anh, tôi nghe người ta bảo rằng anh đã… vì thế tôi mới gá nghĩa vợ chồng với Năm Dậu. Bây giờ anh trở về, tôi xin trả Năm Dậu lại cho anh. Bốn cha con tôi sẽ về quê quán cũ”. Bốn Xiềng im lặng, chỉ nhếch mép cười.
Rồi bất ngờ Bốn Xiềng đứng nghiêm, cất giọng oang oang: “Cám ơn đồng chí đã chăm sóc người tôi yêu thương nhất trên đời. Đồng chí cứ tiếp tục sống như vợ chồng với đồng chí Năm Dậu, còn tôi đi đánh giặc giữ làng”. Dứt lời, Bốn Xiềng co hai khuỷu tay lại giả bộ cầm súng tiểu liên, miệng bắn “pằng pằng pằng… pằng pằng pằng…” và bước ra khỏi nhà, mất hút vào màn đêm.
Đứng nép bên cánh cửa liếp, bà Năm Dậu òa khóc. Bà không dám ra gặp mặt Bốn Xiềng vì xấu hổ. Bốn Xiềng còn sống nhưng không bình thường như xưa. Thôi, coi như số phận đã an bài. Hai tuần sau, họ dắt díu nhau về làng Tả Lâm sinh sống để không làm Bốn Xiềng bị tổn thương thêm nữa. Khi lên cơn điên, Bốn Xiềng chẳng biết gì nhưng lúc tỉnh trí chắc ông buồn lắm…
Những năm tháng ấy, tôi là cậu bé mười ba, mười bốn tuổi, học cấp 2 trường huyện. Nghỉ hè, tôi cùng bạn bè ra sông Tiên câu cá, bắt cua đá. Khi gần tới bờ sông, ngó qua cái gò mồ côi, tôi thấy nhà ông Bốn Xiềng làm bằng tranh tre nứa lá nhưng rất khác lạ. Nó có hình dáng tròn như cái nấm, cửa ra vào rộng không quá hai thước mộc, người to con lớn xác phải vừa cúi đầu vừa nghiêng mình mới vào được bên trong. Vuông sân nhỏ trồng hoa hai bên và phía trước. Hoa chuối nước. Hoa dong riềng. Hoa vạn thọ. Hoa tóc tiên. Vườn trồng ổi, mãng cầu, đu đủ, chuối lùn, chuối nai… Ông sống theo kiểu tự cung tự cấp. Thi thoảng mới đi chợ huyện mua mắm muối đủ dùng cho vài ba tháng. Đám trẻ con bọn tôi gọi ông là ông Bốn Trã. Tóc tốt, ông đứng trước gương lấy dao kéo vanh quanh nên nhìn cái đầu ông không khác gì cái trã kho cá. Ông rất hiền, nói giọng Bắc nghe thật ngộ. Có lẽ vì thế mà đám trẻ con bọn tôi thích thú, cứ đứng ngoài ngõ hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhiều lúc đang trả lời, chợt ông cười ha hả và co hai tay giả bộ cầm súng, bắn bằng miệng “pằng pằng pằng… pằng pằng pằng… chíu chíu…” làm đám trẻ con bọn tôi hoảng sợ bỏ chạy bán sống bán chết. “Ấy là khi ông Bốn Xiềng lên cơn điên. Con đừng hỏi chuyện nhiều, ổng mệt, lên cơn điên tội nghiệp”. Mẹ tôi dặn dò.
Từ đó, tôi và đám bạn ra sông Tiên tắm táp, không dám quấy rầy ông Bốn Trã nữa. Vắng trẻ con hình như ổng buồn. Có những chiều ổng ngồi nơi bậc ngõ hát như chưa bao giờ được hát những bài ca cách mạng. “Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ Như năm bông hoa nở cùng một cội/ Như năm ngón tay trên một bàn tay/ Khi xung trận cả năm người như một…”. Hết bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, Bốn Xiềng chuyển qua bài hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…”. Từ giọng ca chắc khỏe hào hùng, bất ngờ ông đổi giọng chuyển qua trữ tình với “Bài ca hy vọng”: “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân/ Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương/ Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ…”. Đám trẻ con bọn tôi đứng nép bên bờ duối lắng nghe ông Bốn Xiềng hát không biết chán. Hát đến khản cổ, ông lại gọi tên đồng đội rồi ôm mặt khóc hu hu. Tôi chưa bao giờ thấy người đàn ông nào khóc một cách chân thành, khóc một cách ngon lành như ông Bốn Xiềng. Khóc đã đời, ông đứng bật dậy chạy vòng quanh sân, vừa co hai khuỷu tay giả bộ cầm súng, vừa bắn liên thanh bằng mồm: “Pằng pằng pằng… Pằng pằng pằng… chíu chíu…”. Nhiều hôm ông còn hô xung phong y hệt đám trẻ con bọn tôi chơi trò đánh trận giả.
Là người lập dị nên ông Bốn Xiềng luôn có những hành động ít ai ngờ tới. Tôi vẫn còn nhớ mãi những việc làm khác người của ông. Hồi đó, cuối mùa mưa sông Tiên đã cạn nhưng đoạn đi theo lối tắt nước vẫn sâu đến thắt lưng người lớn. Dân hai làng Tích Phước và Lâm Nam chưa kịp góp tre gỗ, ngày công lao động làm cây cầu tạm bợ để qua lại. Học trò làng Tích Phước phải cởi hết quần áo cho vào bao ni lông cùng với sách vở túm lại đội trên đầu lội qua sông đi học. Không ít đứa giẫm đạp phải đá rêu trơn trượt té ngã, cũng may đoạn sông ấy nước bình nên không trôi mất áo quần sách vở. Ông Bốn Xiềng nhìn thấy lắc đầu. Hôm sau ông hì hụi đào hố chôn hai cây cọc gỗ to bằng bắp vế ở hai bên bờ sông Tiên, nối những sợi mây nước lại với nhau rồi giăng ngang qua sông, buộc chặt vào hai cọc gỗ. Học trò làng Tích Phước cứ bám vào sợi dây mây ấy qua sông, không còn phải lo sợ té ngã ướt hết sách vở, quần áo. Cõng gùi, cầm dao đi bẻ măng, ngang qua trường Đình, gặp hôm học sinh sắp hàng chào cờ đầu tuần, ông dừng lại, tháo gùi khỏi vai, đứng nghiêm, đưa tay phải lên ấp ngực trái và cất giọng hát: “Đoàn quân Việt Nam đi…”. Khi trường làm lễ chào cờ xong, ông mới đeo gùi lên vai đi bẻ măng…
Theo thời gian, tôi lớn lên, rời làng đi bộ đội. Sau năm năm phục vụ trong quân ngũ, tôi về quê xin việc làm ở một cơ quan nhà nước. Rồi tôi rời quê ra phố. Thỉnh thoảng về làng Tích Phước thăm nhạc phụ nhạc mẫu, tôi chạy xe trên con đường mới to rộng thênh thang. Bây giờ đầu hai thứ tóc, sắp sửa nghỉ hưu, tôi mới lần theo lối tắt ngày nào để tìm lại ký ức tuổi thơ. Gò mồ côi vẫn còn đó nhưng ông Bốn Xiềng đã thành người thiên cổ từ lâu. Nhìn cái gò giống nhũ hoa thiếu nữ mọc đầy sim mua, tôi cảm thấy trống vắng hụt hẫng… Đứng chôn chân bên đường, tôi thầm gọi: “Ông Bốn Xiềng ơi!”.
NGUYỄN TAM MỸ