Đến cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) trong tiết trời lạnh mang đến cho du khách những trải nghiệm, cảm xúc khó quên.
Lần đầu đặt chân đến Mộc Châu, cô gái trẻ Cơ Tu Pơloong Manh - Bí thư Chi bộ thôn Aréh - Đhrôồng (xã Tà Lu, Đông Giang) bày tỏ ngạc nhiên khi dừng chân trước gian hàng di động dọc tuyến quốc lộ 6. Là bởi, “họ làm quá chuyên nghiệp”, cách người Mông tiếp thị du khách rất khác so với mường tượng của Pơloong Manh lúc bước chân ra khỏi làng.
Chúng tôi được bố trí tại khu nghỉ dưỡng Thảo Nguyên ngay trung tâm Phiêng Luông (thị trấn Nông Trường Mộc Châu). Giữa không gian rộng thoáng, một bên tựa lưng vào núi đá càng khiến nhiệt độ giảm sâu trong sương núi lúc về khuya.
Người dẫn đường tên Quân nói với tôi, Mộc Châu quanh năm khô hanh nên độ ẩm rất thấp, nhiệt độ trung bình khoảng 10 - 12 độ C. Thời tiết ở vùng này phù hợp phát triển trồng cây dược liệu, cây ăn quả và nông sản đặc trưng, đặc biệt là cải trắng - một loài cây được nhiều người mệnh danh là “thiên đường hoa”, xem đó như một biểu tượng của mùa thu trên cao nguyên nông trại bò sữa này.
Thời gian này, Mộc Châu rực rỡ trong sắc màu hoa cỏ, sương lạnh trở thành đặc sản du lịch với bồng bềnh mây bay, tạo điểm nhấn đầy ấn tượng cho du khách thích khám phá và trải nghiệm.
Tôi dạo một vòng thung lũng Phiêng Luông và dừng chân ở đồi chè xanh mướt. Tôi như chìm đắm trong hương thơm của những búp chè non, tỏa mùi dịu thanh như tái hiện cảnh vật ở đồi chè quê xứ Trung Mang huyền ảo.
Trong sương núi bảng lảng, trên tuyến quốc lộ, thỉnh thoảng lại bắt gặp những cặp vợ chồng người Mông trở về sau chuyến lên rẫy. Bên trong những chiếc gùi, rau cải được xếp thành từng bó, mang về nhập cho các cửa hàng ăn uống, phục vụ du khách. Đó là kiểu du lịch liên kết, sản vật được xem như một thứ hàng hóa “hái ra tiền” giúp người dân… sống được với nghề.
Ngày thứ 2 ở Mộc Châu, chúng tôi di chuyển đến bản Lùn (xã Mường Sang). Nơi này là vùng đất ngụ cư lâu đời của đồng bào Thái, Mông và một ít người Khơ Mú. Điều rất lạ, ở bản Lùn, mặc dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng cộng đồng bản địa vẫn giữ nét riêng nhà sàn độc đáo.
Trưởng bản Vì Văn Hạnh nói, đó là cách mà người Thái làm du lịch. Bởi nhà sàn gắn liền với câu chuyện của bếp lửa - một nếp sống phổ biến ở vùng đất được mệnh danh là “xứ lạnh của Tây Bắc”, vừa giúp cộng đồng bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tạo không gian lưu trú cho du khách trong hành trình khám phá non ngàn. Mùa xuân, trên những vạt đồi của bản, ngập tràn hoa cải trắng, tạo nên vẻ đẹp rất riêng.
Một đồng nghiệp của tôi nói, ở Mộc Châu, người ta làm du lịch theo hướng tiếp nối liên hoàn, trải dọc đều ở các bản làng với từng điểm đến và sản vật riêng biệt. Điều đó nhằm tránh đi sự trùng lặp gây nhàm chán, mở ra vùng du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm và khám phá cho du khách.
Mộc Châu được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hoang sơ, tinh khôi đến mộc mạc. Nhiều địa danh trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài nước như: Ngũ động bản Ôn, đồi chè trái tim, thung lũng mận Nà Ka, rừng thông bản Áng…
Đặc biệt là trang trại bò sữa rộng lớn với hàng nghìn con bò sữa khỏe mạnh xếp hàng đều tăm tắp trong chuồng, giúp du khách trải nghiệm cảm giác thực tế cho bò ăn, theo dõi quá trình vắt sữa, hay tự tay vắt sữa đầy thú vị.
Buổi sáng, trước khi rời đi, chúng tôi đón ánh nắng xuân lấp lánh, cảm nhận được hơi sương rét buốt ở thung lũng Phiêng Luông. Thị trấn Nông Trường Mộc Châu hiện ra trong màn sương bồng bềnh theo nhịp sống mới. Trên lưng chừng núi, từng mái nhà sàn thấp thoáng dưới những chùm hoa trắng nở dài theo chuyến xe về xuôi…