Những quả dầu khô rớt xuống mỗi độ tháng 5 sẽ khiến người đi đường tương tư về “mùa trái dầu bay Sài Gòn”. Mùa thu, lại nhắc nhớ hoa sữa nồng nàn đầu phố đêm đêm Hà Nội… Còn với các đô thị ở khúc ruột miền Trung, có bóng dáng loại cây nào in sâu trong tâm tưởng?
Khi muồng tím bật gốc
Cuối tháng 10, tâm bão số 5 (bão Matmo) tràn vào Nam Trung Bộ, nhưng ở mé ngoài từ Quảng Ngãi ra đến Đà Nẵng cũng mưa to gió lớn. Có điều, trong những bản tin thiệt hại, thường thì chuyện sạt núi lấp đường chết người được chú ý nhiều hơn so với chi tiết cây xanh bật gốc. Người ta đếm được hơn 560 gốc muồng tím, lim xẹt ngã đổ trên đường phố Đà Nẵng. Cây ngã đổ, hoặc sẽ dựng lại, hoặc cưa bỏ. Không có thêm “tình tiết” đặc biệt…
Sau sự cố này, chuyện quy hoạch cây xanh (trên những trục đón luồng gió chính, trục đại lộ), chuyện kỹ thuật trồng (không có hệ rễ sâu)… hẳn sẽ còn “nóng”, thuộc trách nhiệm giải trình của công ty cây xanh và ngành xây dựng. Nhưng vài ý kiến đặt ra rất thú vị, khi cảnh báo về “lộ trình” của những luồng gió để tính chuyện giữ cây. Ấy là mỏm núi mũi Bạch Mã được cho là điểm nghinh phong, chia luồng gió đông - bắc ra 2 hướng: một vòng lên vịnh Bắc Bộ, một thổi dọc vịnh Đà Nẵng xuống phía nam. Vì thế, với cây cối trồng trên những tuyến đường hướng bắc - nam ven bờ biển vịnh Đà Nẵng, ven cửa sông Hàn (nơi trở thành kênh truyền dẫn gió bắc rất mạnh)… cần lựa giống có rễ sâu cành dẻo.
Nhưng với người yêu cây và luôn nghĩ về những mảng xanh của phố, họ chỉ hỏi câu đơn giản: Mươi mười năm sau, bóng mát có kịp tỏa xuống trong mùa nắng gắt? Hỏi, rồi nhớ những hàng dầu cao vút ở phương Nam.
Mỗi khi nhìn cổ thụ, thân cao vượt tán sum sê hoặc chi chít thương tích, bạn sẽ hình dung ra vùng đất ấy được thiên nhiên ưu đãi hay thời tiết khắc nghiệt. Nhiều người ở miền Trung, mỗi khi vào Nam ngước nhìn hàng dầu cao vút bên đường hay xanh mát trong công viên, sẽ không khỏi chạnh thương những hàng cây bật gốc ở vùng đất lắm mưa nhiều gió xứ mình… Vài năm trước, một vị lãnh đạo TP.Đà Nẵng khi nói về mảng xanh trong phố cũng từng so sánh với cây cối miền Nam. Ông bảo, đại ý, cây cối ở các tỉnh miền Trung khó “gầy dựng”, dành dụm chừng 5 - 7 năm nhưng chỉ qua một trận bão là “hết vốn liếng”, phải túc tắc trồng lại…
Trở lại với cây cối phương Nam. Tôi biết những cây dầu rái, sao đen, chò nâu... được trồng trên nhiều tuyến đường ở TP.Hồ Chí Minh. Những lần vào TP.Hồ Chí Minh, trú ở khách sạn trên đường Trương Định (Quận 3), tôi hay ngang qua công viên Tao Đàn và lần nào cũng nhẩm đoán trong đầu: Những cây cao vút trong kia đã đứng đó hơn trăm năm chưa nhỉ…
Tự nhiên thấy thương những hàng muồng tím, lim xẹt sau cơn bão Matmo.
Con đường ký ức và “vĩ thanh sa kê”
Cây xanh trên nhiều tuyến phố ở Quảng Nam cũng nhiều phen “lâm nạn” trước bão. Nhưng không phải là lúc tiếc nuối những hàng cây đã mất…
Giờ đây, mỗi lần ngang qua thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), thoáng thấy những tán cây sưa ở khu phố mới, tôi lại nhớ nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Lúc đó, ông viết bài về góc phố tràn sưa ấy, tình cờ tôi là người trung gian cậy nhờ một nhiếp ảnh gia trẻ (cư ngụ ở Nam Phước) chụp giúp bức hình để gửi minh họa. Thành ra, gặp cây lại nhớ đến chuyện cũ…
Tam Kỳ cũng vậy. Sau hơn 20 năm kể từ ngày trở thành tỉnh lỵ Quảng Nam, nhiều con đường nơi đây thực sự trở thành “con đường”. Qua lại không biết bao lần trên tuyến Nguyễn Du, mãi đến một hôm thấy le lói những cụm hoa tím, tôi mới để ý ven bờ hồ điều hòa đã xanh ngắt bằng lăng. Ai không ở thị xã nhỏ bé vào thời điểm tái lập tỉnh 1997, sẽ khó mường tượng ra đại lộ Hùng Vương “vạm vỡ” bây giờ vốn dĩ là tuyến đường nhỏ hẹp, xơ xác vài cây dừa cao vút.
Như bất cứ đô thị nào, từ vài năm nay chính quyền TP.Tam Kỳ đã tính toán yếu tố đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu… để chọn giống cây đặc trưng cho mỗi tuyến đường. Đại lộ Hùng Vương đã thấy bóng dáng cây dầu, như một “gợi ý” từ phương Nam. Ngoài những vệt cây “không phù hợp” buộc phải xử lý như hoa sữa dọc đường Huỳnh Thúc Kháng, giờ đã có sưa vàng cho tuyến Phan Bội Châu, Bạch Đằng… Tất nhiên, ven sông Tam Kỳ vẫn nguyên vẹn vàng sưa. Me được trồng ven đường Phan Châu Trinh, Lam Sơn…, nhội ở các tuyến Đỗ Đăng Tuyển và Lê Đình Dương, long não dành cho nơi cần hỗ trợ xử lý môi trường như tuyến Trần Phú dẫn lên khu công nghiệp Thuận Yên. Ở các không gian công cộng, sân trường… thành nơi phô diễn của muồng tím, lộc vừng.
Nhiều con đường mát bóng cây đã là một phần lịch sử của thành phố tỉnh lỵ. Tiện thể, có vài dòng “vĩ thanh” dành để nhắc về những loài cây vắng mặt.
Đọc tùy bút của Tràng Thiên, thấy ông có bài viết rất hay về loài cây sa kê. Ông tìm trong sử liệu cũ để dẫn ra chi tiết: Ngày mùng 9 tháng 3 năm Gia Long thứ tư, trấn quan Gia Định nhận lệnh truyền phải bứng cây con “sa kê”, phòng hộ cẩn thận, đưa về kinh. Thế rồi, cũng theo quan sát của tác giả, loài cây ấy hình như… mất tích ngoài Huế. Có chăng là thoáng thấy một cây sa kê đơn lẻ ở địa chỉ 17 Tôn Thất Nhơn, nội thành Huế (sau đổi ra số 19 Đinh Công Tráng). Có người bảo cây sa kê được gọi tên khác là mít nài, lại có thuyết cho rằng 2 giống cây khác nhau. Song, ở thời điểm viết tùy bút (tháng 12.1972), tác giả Tràng Thiên nhận ra sa kê “không thấy bóng dáng ở kinh thành” nơi nhà vua lệnh chuyển đến, mà cả nơi chuyển đi cũng có dấu hiệu giống cây ấy đã “rút lui”, đơn cử Vĩnh Bình.
Thế rồi, sa kê giờ đã quay lại, rất nhiều nơi. Chả rõ giống sa kê với tên khoa học Artocarpus altilis, được ghi nhận thuộc giống bản địa của bán đảo Mã Lai và các đảo miền Tây Thái Bình Dương kia, có phải chính là giống mà vua Gia Long từng muốn mang giống về trồng ở kinh thành Huế. Nhưng nhắc chuyện để thấy, mỗi loài cây sẽ hợp với thủy thổ từng vùng, và khu biệt hơn, sẽ hợp với từng khu phố hoặc cho riêng tuyến phố.
Tất cả chỉ muốn tìm ra bóng cây cho phố. Vì nếu không, phố sẽ không có ký ức.