Mỗi khi nói đến nhạc phẩm “Bóng cây Kơ nia” là người ta nghĩ đến Ngọc Anh - tác giả phần thơ và Phan Huỳnh Điểu - tác giả phần nhạc. Bài hát phổ thơ này đã trở thành một trong những biểu tượng mỹ cảm hài hòa của mối lương duyên giữa thơ ca và âm nhạc.
“Nhà thơ đã sinh ra cây Kơ nia”
Đó là tên một tập sách của nhà thơ Thanh Quế - một trong những người vì “mê mệt” bởi Bóng cây Kơ nia mà cất công sưu tầm, biên soạn, giới thiệu về nhà thơ Ngọc Anh và cây Kơ nia nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất của nhà thơ (1965 - 2000).
Theo nhà thơ Thanh Quế, Ngọc Anh tên thật là Nguyễn Ngọc Anh, sinh ngày 3.3.1934 tại xã Đại Đồng (Đại Lộc). Vào khoảng năm 1948 - 1949, ông vào thiếu sinh quân, học tại Trường Trung học Bình dân Quân sự Khu 5. Học xong, ông cùng một số bạn bè đi làm phóng viên mặt trận ở Tây Nguyên. Sau đợt ấy, ông về làm báo Vệ quốc quân thuộc Phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Quân khu 5.
Cùng làm phóng viên mặt trận ở Tây Nguyên với Ngọc Anh ngày đó có một số người mà sau này cả nước đều biết tiếng: nhà văn Nguyên Ngọc, nhạc sĩ Nhật Lai, nhạc sĩ Trương Đình Quang. Họ sống cùng với đồng bào dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Xê Đăng, Giẻ Triêng trong các buôn làng, làm đủ thứ việc: đánh giặc, làm rẫy, vận động quần chúng, tổ chức vũ trang tuyên truyền... Trong khi những người khác đều có sáng tác của riêng mình thì Ngọc Anh vẫn... im hơi lặng tiếng.
Cuối năm 1954, Ngọc Anh tập kết ra Bắc. Ông được phân công về công tác ở Ban Dân tộc Trung ương, sau đó về Viện Văn học làm công tác theo dõi văn học miền núi. Trong thời gian này, hồi quang những tháng ngày sống cùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã trở thành nguồn thi tứ giúp ông lặng lẽ viết nên nhiều tác phẩm ấn tượng.
Không gian đại ngàn ẩn hiện trong thơ ông đẹp như một bức tranh: “Trưa về ngồi kéo sợi/Dưới bóng mát nhà rông/Sợi dài hơn mây núi/Trắng ngỡ thác đầu buôn”...; trĩu nặng tình đất tình người: “Đất ông bà/Ta nhớ ta thương/Nhớ rẫy cũ làng xưa/Nhớ mùa gặt mới/Nhớ tiếng trâu ngoài làng/Tiếng voi đằng xa/Và tiếng chim ăn hoa buổi sáng”...
Đỉnh điểm trong sự nghiệp sáng tác của Ngọc Anh là “Bóng cây Kơ nia”, tác phẩm mang về cho ông sự thành công vang dội và giúp ông đàng hoàng ngồi vào “chiếu trên” của làng thơ ca Việt Nam. Bài thơ được in trong tập thơ “Tiếng hát miền Nam - thơ từ miền Nam gửi ra” (NXB Văn học, 1959), dưới tựa đề có ghi dòng chữ “Theo điệu Kachoi”, cuối bài thơ ghi: “Của dân tộc Hơrê, Ngọc Anh phỏng dịch 1959”. “Bóng cây Kơ nia” đã làm say mê bao người, được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc...
Từ thơ, nhạc bước ra ngoài đời
Trong một lần trò chuyện với kỹ sư lâm sinh Nguyễn Hữu Kim, mới hay cây Kơ nia người Kinh gọi là cây cầy, Quảng Nam gọi là cây cốc hay cây cốc dù. Phía tây đường 14B, đoạn qua thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) xưa kia có cả một rừng cốc. Cụ Nguyễn Duy gần 90 tuổi, người trong thôn kể rằng khi chế độ Sài Gòn thành lập quận Hiếu Đức đã cho chặt phá gần hết rừng cốc, chỉ chừa lại một ít trên một ngọn đồi có tên là Gò Cốc. Trên vùng đất Quảng Nam cũng có nhiều địa danh mang tên Cây Cốc, trong đó nổi tiếng nhất là chợ Cây Cốc ở xã Tiên Thọ (Tiên Phước). Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc năm 1954 và được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 9.2019, ghi dấu sự kiện hơn 330 đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống khi bị giặc Pháp đàn áp trong cuộc đấu tranh năm xưa.
“Bóng cây Kơ nia” ban đầu được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó thành công hơn cả là nhạc sĩ Phan Thanh Nam, được ca sĩ Tường Vi thể hiện thành công và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, qua những dòng tự sự đăng trên trang https://bcdcnt.net (Bài ca đi cùng năm tháng), cho biết ông cũng bị “Bóng cây Kơ nia” “hút hồn”, ngồi vào đàn nhưng phổ mãi chẳng thành nhạc.
Sau khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát “Bóng cây Kơ nia” do nhạc sĩ Phan Thanh Nam phổ nhạc qua giọng hát nghệ sĩ Tường Vi, ông... rút lui vào im lặng. Đành vậy, nhưng ông vẫn cứ cảm thấy có điều gì đó ray rứt trong lòng. Thế rồi, trong 6 năm (1964 - 1970) được cử đi công tác chiến trường B, ông thực sự được sống giữa rừng núi Tây Nguyên, được thấy và nghe các loại đàn dân tộc, các bài hát dân gian của người dân nơi đây. Mỗi ngày một ít, những hình ảnh, âm thanh đó cứ thấm dần vào tiềm thức, giúp ông có được ít nhiều vốn hiểu biết về đời sống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.
Sau đó, trong lần ra Hà Nội chữa bệnh, ông tình cờ lại mở tập thơ “Tiếng hát miền Nam”, đọc lại “Bóng cây Kơ nia” và cảm thấy bao hình ảnh, âm điệu và cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên hiện lên rất rõ nét. Ông vội vàng cầm ngay cây đàn mandolin và rung lên những âm hưởng đầu tiên. Ca khúc “Bóng cây Kơ nia” gắn với tên tuổi Phan Huỳnh Điểu ra đời từ đó, ngày 12.8.1971.
Người đầu tiên hát ca khúc này là Măng Thị Hội, người dân tộc Ba Na, tập kết ra Bắc, bấy giờ sắp sửa tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội. “Có lẽ vì thế mà bài hát đã khơi dậy trong tâm hồn cô một tình cảm mãnh liệt, da diết với quê hương Tây Nguyên khi thể hiện bài hát” - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhớ lại. Với giọng hát đầy ma lực chưa ai qua mặt được, Măng Thị Hội từ đó đã “chết tên” là “Măng Kơ nia”!
Trở lại với tác giả bài thơ “Bóng cây Kơ nia”, sau 10 năm tập kết ra Bắc, năm 1964, Ngọc Anh về lại miền Nam, công tác tại tỉnh Kon Tum, tiếp tục nghiên cứu về Tây Nguyên, về đồng bào các dân tộc. Ông lặng lẽ nằm xuống ngày 15.10.1965 bên những bóng cây Kơ nia đã được ông đưa vào thơ và nhạc sĩ đồng hương với ông thổi hồn vào nhạc.