Bóng cây ven đường thiên lý

HỨA XUYÊN HUỲNH 26/11/2023 09:50

Thêm vạt cây xanh, chỉ là thêm một chấm xanh trên bản đồ. Nhưng đó là những chấm xanh biết nói cười, biết chào mời…, như bóng cây trên đường thiên lý xưa.

Cao đỉnh, nơi có khắc hình ảnh cây mít, đặt ở Thế miếu.
Cao đỉnh, nơi có khắc hình ảnh cây mít, đặt ở Thế miếu.

1. Từng có nhà văn ở miền Nam ra Huế, thấy ven các con đường trong thành nội trồng san sát nhãn lồng, đã không ngần ngại gọi đấy là “sáng kiến quyến rũ”. Nhãn lồng Huế cho trái thơm ngon, ngọt thanh, mỏng vỏ. Phải vững tâm tin tưởng lắm ở cái nết na đạo đức của khách bộ hành thì người ta mới trồng giống cây quý ấy ngoài đường, mới không khiêu khích thiên hạ.

Ông liên tưởng đến một đoàn quân có kỷ luật dưới sự chỉ huy của một danh tướng đi ngang qua vườn mơ còn nhốn nháo, huống hồ là với quần chúng phức tạp của đô thị…

Viết lấp lửng vậy, không nói rõ đoàn quân nào, nhưng tôi đoán ông vừa khéo nhắc chuyện Tào Tháo dẫn quân đi đánh Trương Tú, ngang qua một nơi không có nước uống, liền chỉ về phía trước nói: sắp tới một vườn mơ.

Quân sĩ nghe nhắc đến trái cây chua liền ứa nước miếng, đỡ khát… Tào Tháo chỉ kể lại cho Lưu Bị nghe chuyện năm cũ trước khi bước vào cuộc luận anh hùng vang danh thiên hạ, chép trong “Tam quốc diễn nghĩa” hồi thứ 21.

Nếu nhãn lồng ngoài đường là hàn thử biểu đo đếm nết tốt của người dân, thì lũ ve lại trở thành “linh hồn sôi nổi” của cây vào mùa trái chín. Tiếng ve khiến nhà văn ấy nhớ đến bài thơ “Thu dạ lữ hoài ngâm” của cụ Đinh Thận Duật viết ở kinh đô Huế, rồi cắc cớ hỏi vì sao bài thơ chỉ nói đến ve (thiền) và liễu, mà không phải là ve và… nhãn lồng.

Ở Huế, có những hàng cây ăn trái ven đường như thể không thèm xác lập chủ sở hữu, cứ đến mùa lại ra hoa kết trái. Kinh ngạc hơn, lại có giống cây ăn quả còn được khắc lên Cửu đỉnh và cho trồng dọc đường thiên lý Bắc Nam.

Cây mít được khắc trên Cao đỉnh với 3 chữ Hán “ba la mật”. Ảnh: H.X.H
Cây mít được khắc trên Cao đỉnh với 3 chữ Hán “ba la mật”. Ảnh: H.X.H

2. Thật khó rạch ròi nguyên do chính yếu khiến cây mít được vua Minh Mạng cho khắc hình trên Cửu đỉnh đặt trước Thế miếu. Là để lưu dấu một ký ức táo bạo của chính vua Minh Mạng, sau khi ngài lệnh cho 3 bộ Lại, Hộ, Công khuyến khích dân trồng cây và được tâu nên chọn cây mít để trồng bên đường cái quan và ven sông?

Hay để tôn vinh loài cây mà vua cha Gia Long từng cho lấy gỗ tạc pho tượng Phật dâng cúng ngôi chùa ở miền Nam, cảm tạ nơi từng che chở những ngày ngày hoạn nạn, như cách tôn vinh loài cây bình dị vùng núi Quảng Nam? Lòn bon xứ Quảng khi “lên” Cửu đỉnh được tặng mỹ danh nam trân 南珍 (thức quý phương nam), còn mít được khắc nổi 3 chữ Hán 波 蘿 密: ba la mật.

Đó là chép theo mặt chữ được trích dẫn lâu nay, còn vì sao dùng “ba la mật” theo phiên âm của Hán ngữ để nói về cây mít, liệu có phải xuất phát từ chữ “blái mít” của tiếng Việt cổ như một số nhà nghiên cứu kiến giải hay không, lại là chuyện khác.

Nếu chỉ là một trong các hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn để khắc, thì cây mít càng không gây nhiều ấn tượng đến vậy. Mà “ngoại truyện” của nó mới thật sự ý nghĩa.

Rằng các bộ trong triều Nguyễn kiến giải nên trồng giống cây này vì quả có thể ăn, gỗ có thể làm rường cột. Hoặc diễn đạt theo một cách khác: trồng mít dọc đường thiên lý vừa có bóng râm cho người đi đường, vừa có quả chống đói, vừa có gỗ làm nhà…

Chuyện tưởng chỉ có trong quá khứ. Gần 2 thế kỷ sau, người dân ở TP.Hạ Long (Quảng Ninh) tìm thấy bóng dáng cây mít trên đường thiên lý xưa qua những hàng cây chà là trĩu quả trồng ở tuyến đường đẹp nhất thành phố, hay những hàng xoài ven đường 10 làn và đường khu bến Đoan. Xoài được chọn vì tán rộng, ít rụng lá, xanh tốt quanh năm. Khi trái chín, khách đi đường cứ thoải mái hái, công ty cây xanh chỉ đưa ra một khuyến cáo: không nên bẻ cành.

3. Ở xứ Quảng, không phải không có loài cây cổ thụ trồng dọc bờ sông, trồng ngoài đường. Tôi từng lần tìm những cây vải cổ thụ ven sông Cẩm Lệ (Đà Nẵng), để đứng về phe các nhà nghiên cứu lãng mạn muốn giải nghĩa chữ “cẩm lệ” nghĩa là “cây vải tươi đẹp”, bắt nguồn từ “Cẩm giang Lệ thủy”. Lệ (荔), từ chữ lệ chi, tức cây vải. Tìm, và may mắn đã gặp một vài cây ở bờ bắc sông Cẩm Lệ bây giờ.

Nhắc nhiều đến cây cối vì sắp đến ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11) và ngày Đô thị Việt Nam (8/11) cũng chưa lùi quá xa, với những thông điệp về phát triển rừng, sử dụng tài nguyên rừng bền vững, bao nhiêu mét vuông cây xanh mỗi người để đáp ứng tiêu chuẩn đô thị xanh…

Ở miền Trung, cứ sắp vào mùa mưa bão lại thấy tỉa tót cây xanh. Tỉa thế nào cho cành lá không đủ nhiều để hứng gió làm gãy cành bật gốc, nhưng cũng để mùa nắng năm sau tán lá kịp tỏa bóng xoa dịu bớt cái nắng cho người đi đường. Đánh đổi nỗi đau ngắn, để mua lấy niềm an vui dài. Những lúc thấy hàng cây trên phố bị xén trụi, tôi không hề tiếc nuối mà chỉ lẩn thẩn nghĩ: hàng cây ấy vừa bước ra khỏi tiệm cắt tóc thôi. Rồi tóc sẽ dài ra…

Người ta từng tin cậy khách bộ hành, khi họ đi ngang qua hàng cây ăn trái đang trĩu quả ở cố đô. Cây xanh cũng đang ngày càng được tin cậy, theo cách khác. Có hẳn chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, rồi những dự án trồng triệu cây, nghìn cây. Nhưng các nơi không chỉ trồng để đếm đủ số lượng gốc cây, mà còn tính toán xa hơn.

Như trồng theo cụm, theo vùng, chọn cây bản địa nào sẽ sinh lợi lớn. Như tuyến phố trồng sưa còn đường phải trồng cau, phượng, bằng lăng tím, giáng hương, lát hoa, lim xẹt… Chỉ tiếc, chưa thấy con đường cây nào đủ dài để “vắt” qua nhiều khu phố, nhiều đơn vị hành chính và vượt thoát sự khác biệt lẫn sở thích.

Nghĩ đến đây, càng thấy nhớ những hàng cây trên đường thiên lý.

Các chuyên gia cây xanh có thể sẽ tranh biện về các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, địa bàn, cảnh quan, sức chống chịu… để bàn tính chuyện trồng cây ăn trái ngoài đường.

Cũng đâu còn khách bộ hành chậm rãi đi dọc đường thiên lý như xưa, giờ đã là cao tốc với những chuyến xe vun vút lao qua… Nhưng từ chuyện cây ăn quả trồng ngoài đường, chúng ta thử nghĩ về những gì tiền nhân đã nghĩ và đã làm.

Thêm vạt cây xanh, chỉ là thêm một chấm xanh trên bản đồ. Nhưng đó là những chấm xanh biết nói cười, biết chào mời. Như hàng mít xưa trên đường thiên lý… Một khi đặt cây giống xuống đất cho chúng bén rễ, đã nghĩ về ngày sau sẽ có ai đó dựa lưng tránh nắng và hái trái ăn lót dạ, hẳn đó phải là suy nghĩ rất lành.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bóng cây ven đường thiên lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO