(QNO) - Cũng như người hâm mộ cả nước, người hâm mộ Quảng Nam sẽ không bao giờ quay lưng với bóng đá đẹp, bóng đá tử tế. Họ sẵn sàng bỏ ra thời gian, công sức đồng hành, cổ vũ cho đội bóng trên từng cây số, trong từng sân bóng ở khắp cả nước, nhưng tình yêu xuất phát từ hai phía mới có thể bền chặt được.
CLB QNK Quảng Nam xây dựng lực lượng chủ yếu bằng các ngoại binh và cầu thủ ngoại tỉnh nên khó chinh phục người hâm mộ xứ Quảng. |
1. Giải U21 quốc tế báo Thanh Niên 2015 vừa khép lại với những dư vị hết sức ngọt ngào. Ở đó U21 HAGL đã bảo vệ thành công ngôi vô địch bằng lối chơi phối hợp nhỏ đẹp mắt, giàu cảm xúc, chinh phục hàng triệu trái tim Việt Nam yêu bóng đá.
Trong bối cảnh bóng đá nội hiện tại, khó tìm ra một đội bóng chơi hay và cống hiến như đội bóng phố núi. Phần thưởng dành cho họ cũng thật xứng đáng, mỗi trận đấu có HAGL từ V-League đến các giải trẻ, giải giao hữu các khán đài luôn được nêm chặt. Đặc biệt, tại giải U21 Báo Thanh Niên, U21 HAGL không phải là đại diện cho màu cờ sắc áo Việt Nam (nhiệm vụ này thuộc về đội U21 báo Thanh Niên), các học trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn vẫn nhận được nhiều tình cảm nhất.
Thành công của đội bóng bầu Đức gửi đi thông điệp mạnh mẽ cho giới chức bóng đá Việt Nam nói chung và các địa phương trong cả nước nói riêng, rằng để bóng đá có thể tồn tại trong tim người hâm mộ chỉ có duy nhất chân lý hãy “đá đẹp và tử tế”.
Tất nhiên, để cho ra một sản phẩm chất lượng như HAGL, bầu Đức đã phải đầu tư khá nhiều công sức và tiền của. Ông chủ tập đoàn HAGL phá bỏ hàng chục hecta cao su nhằm xây dựng học viện bóng đá, liên kết với Arsenal JMG đào tào các tài năng trẻ, kiên nhẫn chờ đợi 7, 8 năm trời mới có thể cho ra lò lứa cầu thủ đầu tiên.
Đó là phương pháp làm bóng đá từ gốc, khác hẳn với cách “xây nhà từ nóc” của không ít đội bóng Việt Nam đang thi đấu tại giải chuyên nghiệp V-League. Khác biệt thì quá rõ, đội bóng trẻ HAGL dù lao tâm khổ tứ với cuộc chiến trụ hạng, nhưng nhờ lối chơi có bản sắc khán giả vẫn yêu mến họ, trong khi những B.Bình Dương, Hà Nội T&T, Đồng Tâm Long An… đã không ít lần giành chức vô địch, họ vẫn phải chịu cảnh khán giả quay lưng.
2. Trở lại với câu chuyện bóng đá tỉnh nhà với đội bóng chuyên nghiệp QNK Quảng Nam. Nhiều năm chơi ở giải hạng Nhất và 2 mùa giải thi đấu ở V-League chúng ta vẫn chưa thể xây dựng được một tập thể, một lối chơi tạo ra được hào hứng cho người hâm mộ.
Soi chiếu từ cách làm bóng đá của HAGL rõ ràng giới chức bóng đá Quảng Nam chưa đi đúng đúng lộ trình. Chúng ta đã không coi trọng công tác đào tạo trẻ mà chủ yếu xây dựng lực lượng từ việc mua sắm cầu thủ từ các địa phương khác. Hệ quả, nhiều cầu thủ tìm đến đầu quân cho QNK Quảng Nam ít nhiều phai nhạt tinh thần vì màu cờ sắc áo.
Thực tế, trong mùa giải vừa qua, có những trận các học trò HLV Hoàng Văn Phúc chơi máu lửa để giành chiến thắng và nhận tiền thưởng, nhưng cũng có những trận họ lại để thua một cách khó hiểu. Đơn cử như họ có thể thắng các đội mạnh B.Bình Dương, SHB Đà Nẵng, FLC Thanh Hóa, nhưng lại dễ dàng để thua các đội chiếu dưới là Đồng Tháp, XSKT Cần Thơ, Đồng Nai. Đó là chưa kể tính bản sắc, tính địa phương trong lòng đội bóng dường như không tồn tại vì có quá ít cầu thủ xứ Quảng được thi đấu.
Cũng như người hâm mộ cả nước, người hâm mộ Quảng Nam sẽ không bao giờ quay lưng với bóng đá đẹp, bóng đá tử tế. Họ sẵn sàng bỏ ra thời gian, công sức đồng hành, cổ vũ cho đội bóng trên từng cây số, trong từng sân bóng ở khắp cả nước, nhưng tình yêu xuất phát từ hai phía mới có thể bền chặt được. Và có lẽ đã đến lúc giới chức bóng đá Quảng Nam nên nhìn nhận lại những hạn chế khuyết điểm nhằm xây dựng một mô hình bóng đá thực sự chuyên nghiệp, để CLB QNK Quảng Nam xứng đáng là đứa con tinh thần của nhân dân tỉnh nhà.
MẮT BÃO