Giải bóng đá hạng nhất quốc gia 2017 đã hạ màn cuối tuần qua với chức vô địch và tấm vé thăng hạng V-League duy nhất thuộc về Nam Định.
Nam Định sẽ góp mặt tại V-League 2018. TRONG ảnh: Niềm vui của đội Nam Định khi thăng hạng nhất năm 2014 tại sân Tam Kỳ. |
Đây là phần thưởng xứng đáng cho các cầu thủ trẻ đội bóng thành Nam khi họ đã thể hiện được phong độ, bản lĩnh trong những thời khắc quyết định, bất chấp sự đeo bám quyết liệt đến từ đội Huế. Như vậy, sau 7 năm mòn mỏi chờ đợi, người hâm mộ Nam Định mới có dịp được chứng kiến đội bóng quê hương góp mặt trở lại ở giải đấu cao nhất cả nước từ năm 2018. Sân vận động Thiên Trường - một trong những sân cỏ hiện đại hàng đầu và đẹp nhất cả nước đã lại sôi động như thời hoàng kim của bóng đá Nam Định. Hình ảnh khán giả Nam Định vui ngút trời với pháo sáng lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Lịch sử của bóng đá Nam Định có nhiều thăng trầm. Họ đã có thời gian dài thăng hoa khi bóng đá nước nhà bắt đầu chuyển sang mô hình chuyên nghiệp với không ít nhà tài trợ có máu mặt “chống lưng” như Sông Đà, Megastar, Mikado. Tuy nhiên, năm 2010 đội bóng Nam Định chia tay V-League sau một mùa giải thi đấu bết bát. Đó là kết cục tất yếu của cách làm bóng đá thiếu chiều sâu. Nước chảy chỗ trũng. Nơi đâu có nhiều tiền, chế độ đãi ngộ xứng đáng sẽ thu phục cầu thủ giỏi và đó là nguyên nhân làm cho bóng đá Nam Định bị “chảy máu” tài năng dù họ chưa bao giờ thiếu nhân tài trên sân cỏ. Nhưng chưa dừng lại, chỉ 1 năm sau đó, vết thương của bóng đá Nam Định lại thêm một lần nữa bị “xát muối” khi họ tiếp tục xuống chơi ở giải hạng nhì năm 2011. Rồi trầy trật mãi họ mới lên hạng nhất trở lại. Còn nhớ vào năm 2013, cửa lên chơi ở giải hạng nhất khá rộng mở khi 6 đội dự vòng chung kết tranh đến 5 suất lên hạng. Thế nhưng, nhiều cầu thủ Nam Định đã đổ gục trên sân Tam Kỳ khi họ là cái tên duy nhất “trụ” lại ở hạng nhì. Đến năm 2014, lần thứ 2 liên tiếp góp mặt ở vòng chung kết, họ mới giành quyền lên chơi hạng nhất và đến nay sau 3 mùa giải mới chính thức “trở lại mái nhà xưa”.
Nam Định được xem là một trong những cái nôi của bóng đá cả nước với rất nhiều cầu thủ tài năng, trong đó đáng kể nhất là anh em Nguyễn Văn Dũng - Nguyễn Văn Sỹ (hiện Văn Sỹ đang là Giám đốc kỹ thuật CLB Nam Định). Thời còn chơi ở V-League, nơi đây cũng từng là bến đỗ của nhiều ngoại binh chất lượng như Achilefu hay Amaobi - những cầu thủ giành giải thưởng vua phá lưới. Sân Thiên Trường từng được xem là “chảo lửa” bởi sự cổ vũ của khán giả và cả pháo sáng chẳng kém sân Lạch Tray của Hải Phòng. Người Nam Định thì cuồng nhiệt không chỉ trên sân nhà mà họ có thể đi đến bất cứ đâu để cổ vũ cho đội bóng quê hương. Thế nên, sự trở lại của bóng đá thành Nam làm cho cả nước vui vì góp phần giúp cho bức tranh V-League thêm sinh động, hấp dẫn.
Giành quyền lên chơi ở giải đấu cao nhất cả nước, song ngày vui của bóng đá thành Nam chẳng thể nói trước là kéo dài bao lâu, bởi môi trường V-League khác hẳn hạng nhất cả về lực lượng lẫn nhu cầu kinh phí cùng nhiều thứ khác. Tiềm lực kinh tế của đội bóng sẽ quyết định mọi thứ, trong đó có việc tăng cường lực lượng để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nâng cao chế độ lương thưởng cho cầu thủ, ban huấn luyện. Vấn đề này thì những người làm bóng đá Nam Định hiểu hơn ai hết và là bài học xương máu khiến họ trong 7 năm qua phải vật lộn nơi giải hạng nhất, thậm chí hạng nhì. Vì vậy, ngay sau khi đội bóng giành quyền lên hạng, cựu tuyển thủ quốc gia và hiện là Giám đốc kỹ thuật CLB Nam Định Nguyễn Văn Sỹ đã nói đến câu chuyện tìm nguồn kinh phí cho đội bóng ở mùa giải mới.
Rõ ràng bóng đá thành Nam phải có cách làm khác và cũng khác hẳn so với thời điểm hiện tại khi đội còn thi đấu ở giải hạng nhất. Nhưng thay đổi bằng cách nào thì đó là điều mà những nhà quản lý bóng đá và cả chính quyền địa phương tỉnh Nam Định phải xắn tay áo vào cuộc ngay từ lúc này để không lặp lại “vết xe đổ” như 7 năm về trước.
ANH SẮC