Một khán giả cao tuổi có thâm niên “ghiền đá banh-lông” (ballon) thốt lên “hơn nửa thế kỷ chưa bao giờ bằng ngày hôm nay” khi đội U23 Việt Nam tiến thẳng đến trận chung kết giải U23 châu Á. Hàng triệu triệu trái tim “loạn nhịp” với những hân hoan, những bùi ngùi khi đội bóng thân yêu dừng bước với ngôi vị á quân. Kỳ diệu thay trái bóng. Tiếng gọi của niềm tự hào dân tộc. Khoảnh khắc “hòa hợp” tuyệt vời của gần trăm triệu đồng bào máu đỏ da vàng. Người Việt qua bao nhiêu tai trời ách nước vốn yêu thích những trò chơi trong hòa bình nhất là môn thể thao vua - một trò chơi thu hút cả loài người bất chấp sự khác biệt văn hóa. Hình ảnh du khách các nước khoác cờ đỏ sao vàng chia sẻ với người dân nước Việt ở Sài Gòn, ở Hội An, Huế, Hà Nội… đủ để thấy có một văn hóa, văn hóa bóng tròn, những thắng thua đẹp, trò chơi của cả một tập thể nhỏ “11 niềm tin yêu và hy vọng” trong một tập thể lớn là quê hương, đất nước và cả địa cầu. Bóng đá, vì thế là trò chơi mang tính chất phổ quát của toàn nhân loại…
Những ngày qua, người Quảng Nam an ủi nhau “như rứa mới có cái để gắng sức, rứa cũng may, đỡ đua xe, đỡ tai nạn, đỡ nhồi máu cơ tim, đỡ tăng huyết áp, ông trời có cho ai cái chi tròn trịa đâu!”. Một bạn làm thơ “tay ngang” ca tụng trận chung kết “dù cho mưa tuyết có rơi/ U23 đá trận suốt đời không quên”, một bạn khác “chuyên nghiệp” hơn khi gọi các cầu thủ là kẻ sáng tạo “kẻ sáng tạo thích làm những điều mọi người nghĩ rằng hắn không thể nào làm được” (Duy Bình). Lứa tuyển thủ U23 này được đào tạo kỹ từ các lò Hoàng Anh - Gia Lai, Hà Nội, Nghệ An… ngay từ thơ bé và có bao nhiêu “trải nghiệm” đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tới bến vinh quang đúng như hai câu thơ của cụ Nguyễn Trãi “…họa phúc hữu môi phi nhất nhật/ anh hùng di hận kỷ thiên niên” (họa phúc có nguồn gốc, có nguyên lai chứ đâu phải chuyện một ngày/ anh hùng để lại mối hận cả nghìn năm). Rõ ràng sự tiến bộ vượt bậc của đội tuyển U23 không phải là sự đột biến nhất thời bởi các tuyển thủ đã được “dạy” chơi bóng từ “thuở còn thơ”.
Bóng đá là trò chơi. Và có lẽ bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng dựa trên nguyên lý trò chơi giữa hai phe, phe nào cũng ứng xử, đối đãi với phe kia bằng những quy tắc suy đoán hơn thua, dụ dỗ, ngụy trang, cuốn hút nghẹt thở, đưa nhau đến cao trào kịch tính và màn “gỡ nút” để một bên vỡ òa hạnh phúc, một bên tê điếng khổ sầu. Bóng đá là trò chơi để con người “lăn” giữa nụ cười và nước mắt, giữa cái tất định và sự ngẫu nhiên, giữa cái khả thể và điều bất khả. Trong ba điều kiện để thành công “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong trận đấu cuối, ta bất lợi ở hai điều kiện tiên quyết là “thiên thời” và “địa lợi” dù ta đạt được “nhân hòa”. Trận chung kết dưới trời mưa tuyết với những tuyển thủ cao to vốn quen với “thủy thổ” và độ “quái” của nguyên lý trò chơi đầy kịch tính khiến ta “hụt hẫng” ở quả đệm xoáy “nhói lòng” người hâm mộ “phe ta”…
Vinh quang cũng dễ làm con người “ngợp thở” vì hoa tặng hay “chết” vì những lời chúc tụng. Hãy để các tuyển thủ “trở về mặt đất” nghỉ ngơi, chiêm nghiệm những được, mất đã qua, tự tin, tự hào và bước tiếp. Cái lớn lao ở người hâm mộ là được quyền tin vào một thế hệ vàng khởi từ mốc son 2018 và đó là giá trị niềm tin rằng tình yêu đã phục sinh, đã trở về…
PHÙNG TẤN ĐÔNG