Bóng đá xứ Quảng thiếu gì?

TƯỜNG VY 24/03/2016 09:21

Quảng Nam đang có đội bóng chơi tại đấu trường cao nhất cả nước V-League. Nhưng điều đó không có nghĩa bóng đá xứ Quảng phát triển mạnh.

Văn Việt (thứ 3 từ trái sang) là một trong những cầu thủ xuất sắc được đào tạo và trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá Quảng Nam.
Văn Việt (thứ 3 từ trái sang) là một trong những cầu thủ xuất sắc được đào tạo và trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá Quảng Nam.

Nhạt nhòa chất Quảng

Đã qua rồi cái thời các câu lạc bộ bỏ tiền tỷ đổ xô đi mua cầu thủ để thực hiện mục tiêu của đội bóng. Thời gian gần đây, nhiều đội bóng như Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội T&T… đang ngày càng đẩy mạnh việc trẻ hóa lực lượng dựa vào tuyến đào tạo trẻ của câu lạc bộ. Không ngạc nhiên bởi sử dụng “sản phẩm” do mình tạo ra sẽ  giúp “tăng thu” khi có thêm chất địa phương của đội bóng để lôi kéo khán giả đến sân, đồng thời “giảm chi” cho việc mua cầu thủ. Điều đó đang là xu hướng chọn lựa tất yếu của hầu hết đội bóng đang thi đấu tại V-League và bài toán kinh tế này tỏ ra khá hiệu quả.

Trong khi đó, với bóng đá xứ Quảng, có vẻ như đang diễn ra chiều ngược lại! Chỉ cách đây 2 năm, đội QNK Quảng Nam vẫn còn sử dụng nhiều cầu thủ do chính câu lạc bộ đào tạo. Dù chưa thật xuất sắc nhưng những cái tên như Văn Việt, Thanh An, Hoàng Đức, Văn Bửu, Quốc Thắng, Ngọc Vỹ, thủ môn Hồng Điệp sẽ làm cho người hâm mộ không bao giờ quên nhờ “chất Quảng” của mình. Tuy nhiên ở mùa giải năm nay, trong đội hình QNK Quảng Nam đã gần như sạch bóng cầu thủ “made in Quảng Nam”. Những cầu thủ gốc Quảng như Thanh Hưng, Minh Tuấn không thể khỏa lấp khoảng trống mà các cầu thủ được đào tạo và trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá Quảng Nam để lại.

Kể từ khi còn thi đấu ở giải hạng nhì hay hạng nhất và mùa giải đầu tiên lên chơi V-League, các cầu thủ xứ Quảng luôn để lại dấu ấn đậm nét. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là trung vệ Văn Việt, người có thời gian mang băng đội trưởng QNK Quảng Nam và từng được gọi lên đội tuyển U23 Việt Nam hay thủ môn Hồng Điệp. Vài năm gần đây, tuy còn nghèo nhưng Quảng Nam mỗi năm rót 13 tỷ đồng tiền ngân sách cùng với nhà tài trợ nuôi đội bóng. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh và người hâm mộ. Tuy nhiên, dường như câu lạc bộ QNK Quảng Nam đang đi chệch hướng trong việc xây dựng đội bóng mang bản sắc xứ Quảng. QNK Quảng Nam đang dần đánh mất bản sắc địa phương. Nhạt nhòa chất Quảng, cũng đồng nghĩa với việc họ tự đánh mất mình trong tình cảm dạt dào của người hâm mộ xứ Quảng.

“Mất” đào tạo trẻ

Có thể nói, trước đây, do hạn hẹp về kinh phí dẫn đến điều kiện cơ sở vật chất như sân tập, nơi ăn chốn ở, chế độ dinh dưỡng của vận động viên chưa đảm bảo. Thế nhưng công tác đào tạo bóng đá trẻ Quảng Nam đã có những kết quả nhất định. Từ lò đào tạo của mình, nhiều cầu thủ như Quốc Huy, Văn Tuyến, Văn Bé, Huỳnh Dũng, Trần Hậu… gánh vác trách nhiệm chính của đội bóng khi thi đấu ở giải hạng nhì, hạng nhất quốc gia. Những năm sau này, bên cạnh các cầu thủ gắn bó với đội bóng quê hương, một số tìm bến đỗ mới và khẳng định được mình như trung vệ Hoàng Đức từng thi đấu cho Khánh Hòa, Hải Phòng hay Thanh An đang chơi cho Long An. Xứ Quảng chưa bao giờ thiếu tài năng bóng đá, thậm chí cầu thủ người Bắc Trà My Huỳnh Quốc Anh xuất thân từ lò đào tạo Quảng Nam còn giành Quả bóng vàng Việt Nam.

Tuy nhiên, trong vòng 5 - 7 năm trở lại đây, bóng đá trẻ Quảng Nam không còn trình làng được một gương mặt mới nào. Đã vậy, ngay ở một số giải đấu trẻ quốc gia như U17, U19 hay U21 quốc gia, đội bóng Quảng Nam phải mượn cầu thủ từ câu lạc bộ khác để thi đấu nhưng cũng không có được bất cứ thành tích khả quan nào. Ông Nguyễn Húp - Giám đốc điều hành câu lạc bộ QNK Quảng Nam thừa nhận hiện tại đang đào tạo các lứa U13, U17 và U21 nhưng chất lượng chưa tốt. Nhận thấy vấn đề này nên câu lạc bộ QNK Quảng Nam đang xúc tiến thành lập Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ với quy mô khoảng 150 vận động viên lứa tuổi từ U13 đến U21 nhằm phát hiện tài năng, tuyển chọn đào tạo để sau này bổ sung lực lượng cho đội QNK Quảng Nam tham gia thi đấu V-League.

Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo bóng đá trẻ để xây dựng thương hiệu đội bóng mang bản sắc địa phương được các câu lạc bộ thực hiện từ nhiều năm qua. Với bóng đá Quảng Nam, điều này tuy muộn nhưng vẫn còn hơn không! Một đội bóng mạnh theo đúng nghĩa không hẳn là đổ tiền tỷ mua cầu thủ từ các địa phương khác đến để đem về danh hiệu. Thực tế tại V-League đã chứng minh, người hâm mộ có khi không cần danh hiệu, cái mà họ cần là đội bóng mang đậm dấu ấn bản sắc địa phương, thi đấu hay, đẹp với tinh thần cống hiến hết mình. Thế nên, có đội bóng giành chức vô địch nhưng không giành được tình cảm của nhiều người hâm mộ, trong khi không ít đội bóng khi ra sân luôn ngập tràn khán giả bất kể kết quả thế nào.

TƯỜNG VY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bóng đá xứ Quảng thiếu gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO