Cuộc sống thường ngày

Bóng đàn bà ở đất biển Tây Nam

PHAN HOÀNG 09/03/2024 08:00

Một lần ghé cụm đảo Tây Nam của Tổ quốc, trong câu chuyện gom nhặt của tôi là bóng đàn bà. Kiểu gì thì họ cũng chính là chiếc mỏ neo bền chắc, dẫu ấm lạnh cuộc đời cứ trôi qua từng phận người…

cau-cang-vao-cum-dao-nam-du.jpg
Cầu cảng ở cụm đảo Nam Du. ảnh PHAN HOÀNG

Những người ở lại với đảo

Bà Trần Thị Sanh (60 tuổi), có tiệm tạp hóa ngay ngã ba cửa ngõ vào đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Nhớ lại những ngày nhộn nhịp trước đây, bà thở dài, không biết bao giờ buôn bán tấp nập trở lại. Từ COVID-19 tới giờ, ngày một đìu hiu. Vợ chồng bà Sanh là lớp người ra đảo theo đợt di dân từ năm 1993.

Lớp người đi từ các đợt mộ dân sớm, trước bà Sanh, bây giờ còn sống không nhiều. Nên ngồi bấm đốt ngón tay, là đọc vanh vách. Nào Tư Bình, Ba Hoàng, vợ Sáu Tịch, Ba Mùi, Năm Chiến…

Bà Nguyễn Thị Bé (60 tuổi) và chồng là ông Lê Trường Sơn (62 tuổi) theo cha ra đảo từ đợt đầu tiên cùng gần 20 hộ gia đình khác. Gia đình ông Sơn có 9 anh chị em thì có tới 6 người cùng đi. Cha ông là lớp cán bộ xung phong hơn 30 năm trước, khi có chủ trương đưa dân ra đảo.

Đảo Thổ Chu trước tháng 5/1975 vốn bình yên. Từ sau cuộc thảm sát của nhóm quân Khơ-me đỏ khiến hơn 500 dân thường thiệt mạng, đảo không có dân sinh sống. Mãi đến năm 1992, mới có lớp dân đầu tiên. Và thứ duy nhất họ có khi ấy, là thiếu thốn!

“Thời đó, may ai cũng đủ vợ đủ chồng mới vượt qua khốn khó mà gắn được với đảo tới bây giờ” - bà Bé, ông Sơn khẳng định khi kể về những năm tháng không nước, không lương thực, không điện.

be-gai-o-den-tho-chau.jpg
Những bé gái chơi ở Đền thờ Thổ Châu - ảnh PHAN HOÀNG

Cha ông Sơn và nhiều người già thuở ấy, bây giờ nằm lại ở Đồi Mít. Đó là khoảnh đồi cao nhất, nhìn ra biển. Họ không chọn quay về nằm ở đất liền, hình như để con cháu đời sau nhớ rằng, Thổ Chu luôn có nắm đất giữ tro cốt cha ông.

Nhiều lớp người sau này khi chọn đảo sinh sống cũng nói rồi sẽ chọn nghĩa trang Đồi Mít cho mình. Như ông Nguyễn Văn Minh - chồng bà Sanh. Ông Minh từng làm trưởng ban quản lý cảng cá Thổ Chu, nên thấm cảnh đìu hiu của cảng cá bây giờ.

“Chừng 5 năm trước, chỗ cầu tàu này điện sáng đêm, người đông như hội. Chợ đêm chợ ngày gì cũng gấp mấy lần chợ ở Dương Đông (Phú Quốc). Bây giờ cá mắm ế ẩm, đàn ông đàn bà ngồi chao vao cả ngày” - ông Minh nói.

Ngồi chao vao như hai người đàn ông tôi gặp khi vừa đặt chân xuống đảo vào buổi sáng. Ông Dũng làm nghề bờ và ông Út làm nghề biển. Buổi chiều, khi tôi rời đảo, đôi lần gặp lại hai ông cũng ở loanh quanh tiệm cà phê.

Ông Dũng hai đời vợ, nhưng rồi không bà nào ở với ông. Giờ ông chọn về Thổ Chu sống. Sáng sáng ra ngồi phía cầu tàu, nhìn biển mà chẳng biết buồn hay không…

Khoảng trống phía cầu tàu

Ông Nguyễn Thanh Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang), cho biết, thương mại, dịch vụ và hậu cần nghề cá là chính ở đây. Không làm hậu cần, ở đây phải xoay đủ thứ mới đủ sống.

cum-dao-nam-du.jpg
Cụm đảo Nam Du - ảnh PHAN HOÀNG

Xoay đủ thứ, như Duyên. Cô sinh năm 1988. “Ai cũng nói tuổi Thìn sướng, mà nhỏ giờ em thấy mình cực hoài, chắc trẻ cực sau già đỡ” - Duyên nói.

Duyên chở tôi vòng quanh từ bãi Ngự qua bãi Dong để ngắm đảo. Duyên buôn bán lặt vặt ở chợ kiêm nghề xe ôm, có mối là chạy kiếm thêm ít đồng nuôi con. Mẹ của Duyên cũng nằm lại ở Đồi Mít. Đất này, với cô giờ đã là núm ruột. Duyên có hai con gái học cấp 3 ở Phú Quốc.

Ở đảo Thổ Chu này, những đứa trẻ chỉ học hết cấp 2. Lên cấp 3, các em phải vào trọ học ở đất liền Phú Quốc. Nhưng con số cũng chỉ ít ỏi trên đầu ngón tay. Còn lại, các em ráng hết cấp 2, rồi theo cha theo mẹ đi biển. Nên Duyên bảo, mình cực mấy cũng ráng.

Cô cười khùng khục khi nghe tôi nói “thôi ở vậy nuôi con cho khỏe thân, đừng đèo bồng chi mệt he. Đàn bà mình, có con là đủ rồi”. Kiểu khùng khục của Duyên làm tôi hơi ái ngại có khi mình lỡ lời.
Nhưng như những người đàn bà tuổi Thìn mà tôi từng gặp, họ mạnh mẽ đến từng ánh mắt bâng quơ.

Cười xong cô nói: “Đã thoát cái nợ rồi, tròng vô làm gì khổ”. Duyên có chồng bộ đội, rồi ly dị vì không sống được với nhau nữa. Mấy năm nay Duyên một mình nuôi con. “Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi”…

Đàn bà chạy xe ôm ở đảo này có nhiều. Tôi không biết được cảnh nhà họ thế nào nhưng nhìn bên ngoài, họ giống nhau đến bảy, tám phần. Không lam lũ nhưng xuề xòa và chân thành.

Mấy năm trước COVID, riêng các công đoạn của hậu cần nghề cá cũng đủ việc, dư sống với cư dân Thổ Chu. Ba năm trở lại đây, biển giã ngày càng hom hem - là chữ dùng của họ, bởi tàu các nơi không vào cập cảng như trước. Những phụ nữ như Duyên, cứ nhìn về khoảng trống phía cầu tàu, thở dài sườn sượt.

Khoảng trống trong mắt trẻ

Ở chợ Thổ Chu, tôi gặp thằng bé nói mình tên Nguyễn Văn Của. “Con học hết lớp 6 rồi không học nữa. Bà ngoại hết tiền nuôi rồi”. Của kể, nhà còn 3 đứa em. Mẹ đi làm ăn ở đâu có khi cả năm mới về. Hình như mẹ đi biển.

cho-o-cum-dao-nam-du.jpg
Chợ ở cụm đảo Nam Du - ảnh PHAN HOÀNG

Một tay Của bị teo do đợt sốt năm nào không rõ, không cầm nắm được nhưng khi tôi muốn chụp hình cùng ông Út ông Dũng ở cầu cảng, em hí hửng đòi giúp.

Đó là tấm hình nghiêng ngửa, mất nét nhưng tôi rất thích - tấm duy nhất tôi không xóa đối với hình không đạt chuẩn. Cha Của cũng đi làm ăn xa ở đâu, em không biết. Em không học nữa vì học không nổi và cũng chỉ quanh quẩn ở chợ, ở cầu cảng chờ mẹ.

Ở quần đảo Nam Du, tôi gặp đứa trẻ 12 tuổi, là Phan Chí Trung. Trung mới vào lớp 2. “Năm ngoái, nhà nước cho con tiền học. Vậy là hai anh em cùng vào lớp 1. Đi học cho biết chữ, bán vé số cũng vui hơn” - Trung nói.

Trung không biết mặt mẹ mặt cha. Hồi ba, bốn tuổi em được dì mang từ Đồng Tháp tới Nam Du sống với ngoại. Trung đưa mắt nhìn ra biển, nói một hơi: “Con cũng hông biết nhớ mẹ là sao? Cô hỏi câu nào dễ hơn được không? Ví dụ như con thích lớn lên làm gì, đi đâu? À, con thích được qua bên Hai Bờ Đập sống. Vì ở đây, nhà ngoại sát vách nhà đèn, ầm ầm cả ngày lẫn đêm, nhức đầu lắm. Con cô tầm tuổi con hả? Vậy chắc cô có thể tả hình dáng mẹ con được ha?”.

Hai Bờ Đập là hòn đảo nhỏ phía đối diện. Trung huơ tập vé số chắc nịch rằng mình sẽ không rời Nam Du. Ở đây có bà ngoại biết đâu mẹ sẽ biết tìm về.

Vĩ thanh

Ở đảo Thổ Chu, khi ngang qua căn nhà gần tấm bia cột mốc chủ quyền ở ấp Bãi Ngự, thoáng thấy bóng lưng người đàn bà ngồi đốt vàng mã. Khi đã về đất liền, những sợi khói và tro bay lên hôm ấy bám vào trí nhớ tôi. Chúng khiến tôi cứ nghĩ đến hai con số khá giống nhau: 500.

Ngay gần cầu cảng khi bước lên Nam Du, là Đài tưởng niệm để tưởng nhớ gần 500 ngư dân bị thiệt mạng trong cơn bão số 5 năm 1997. Và ở Thổ Chu, có Đền Thổ Châu - nơi tưởng niệm hơn 500 dân thường bị Khơ-me đỏ sát hại vào tháng 5/1975.

Ký ức đau thương mấy chục năm trước phai mờ trong trí người qua các thế hệ, thi thoảng được phác lại đôi mảnh rời trong ngày giỗ chung. Mảnh rời ấy vẫn đủ sức nhắc nhớ người hôm nay trân quý những gì có được.

Là hòa bình. Là cuộc sống yên ổn làm ăn sinh sống dẫu mọi thứ đầy gập ghềnh, chông chênh. Thế hệ thứ 3, thậm chí thứ 4 như hai bé gái chơi xếp thuyền tôi gặp ở Đền thờ Thổ Châu - vẫn bám đảo mà sống.

Câu chuyện bên ly cà phê ở chợ trôi theo cơn bụi cuốn lên giữa cái nắng nung người xứ đảo…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bóng đàn bà ở đất biển Tây Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO