Bỗng dưng thấy phố trên cồn

PHÙNG TẤN ĐÔNG 06/05/2018 11:08

Những ai từng sống dọc sông Thu Bồn từ vùng trung du đến hạ du hẳn chứng kiến cảnh xuất hiện, tồn tại lâu hay mau, rồi cũng có thể biến mất của những cồn bãi trên sông sau những cơn mưa lụt. Dân gian hay gọi những cồn bãi giữa sông theo tên loại cây người dân ven sông ra đất cồn canh tác như cồn bắp, cồn dâu, cồn đậu… hay đơn giản là cồn. Chuyện tên cái cồn bắp Cẩm Nam (Hội An) cũng vậy. Sau khi được giao đất cồn, cồn bắp nếp mang tên chủ đầu tư với tên mới là cồn Gami…

Tin liên quan

  • Dự án Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An được cấp phép như thế nào?
  • Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An: Sẽ rà soát lại dự án
  • Dự án Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An: Khuất tất?
  • Dự án Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An: Phản hồi chính thức từ Sở Xây dựng
Dự án Gami, Hội An. Ảnh: Internet
Dự án Gami, Hội An. Ảnh: Internet

1.  Khi nhận diện về đặc trưng địa - văn hóa của Hội An xưa, kể từ hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An (23 – 24.7.1985), các nhà khoa học đều nhìn nhận “Hội An là một thương cảng ở cửa sông, ven biển, một trung tâm ngoại thương của xứ Quảng nói riêng và của Việt Nam, của vùng Đông Nam Á nói chung” (GS. Trần Quốc Vượng - Báo cáo đề dẫn hội nghị - Kỷ yếu do UBND Hội An xuất bản 3.2008). Xét ở bình diện địa hình, địa mạo, các nhà khoa học cho rằng “địa hình, địa mạo Hội An lại hết sức đa dạng và phức tạp. Đây thuộc địa hình cồn - bàu cửa sông - ven biển vừa bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt, vừa có biển, có hải đảo lại vừa có núi có rừng. Theo kết quả nghiên cứu địa chất, các cồn cát cổ nhất của khu vực Hội An được tạo thành cách đây một vạn năm” (Cát Nguyên Hùng, Hoàng Anh Sơn - Sơ lược về địa chất vùng Hội An - Kỷ yếu hội thảo văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An 1995, tr.1 - 4). Các cồn cát “có nguồn gốc biển (5 - 7m) và sông biển (4 - 6m). Ngoài ra còn có các bãi bồi cao 1 - 1,5m mới được tích tụ khoảng từ 100 - 300 năm hoặc muộn hơn nữa là các bãi cát ven lòng sông mới có tuổi dưới 100 năm nên rất dễ bị thay đổi” (Vũ Văn Phái, Đặng Văn Bào - Đặc điểm địa mạo khu vực Hội An và vùng lân cận - Đô thị cổ Hội An - NXB KHXH, H.1991, tr.87 - 100).

2.  Việc bê tông hóa cồn bắp giữa sông trước hết có đảm bảo rằng không tác động xấu đến môi trường tự nhiên nhất là dòng chảy tự nhiên của sông Hội An - một nhánh của sông Thu Bồn khi sông chảy qua An Hội (cũng là một bãi bồi) và Cẩm Nam (một cồn đất có tuổi hàng trăm năm), đặc biệt có bảo đảm lưu lượng nước thoát ảnh hưởng đến sự tồn vong của di sản trong mùa lũ lụt hay không? Người Hội An còn nhớ việc cơ quan hữu quan dùng ca nô cao tốc giải cứu cho gần trăm công nhân xây dựng các hạng mục kiến trúc trên cồn Gami mắc kẹt giữa cơn lụt năm ngoái. Nhiều bậc cao niên trầm ngâm khi nghĩ về viễn cảnh “phố dựng trên cồn” rằng “đừng đùa với tạo hóa”, bởi ông bà ta có câu cửa miệng “bồi thì ở, lở thì đi”. Sự ứng biến thuận với tự nhiên của người xưa có thể có điều không còn phù hợp với khả năng ứng phó của con người thời nay nhưng chí ít có điều hợp lý với an sinh của người dân. Người Hội An đang lo vì sự xâm thực bờ biển Cửa Đại  do biến đổi khí hậu, do nạn cát tặc… chưa biết khi nào ngưng, rồi cũng đúc rút sơ sơ một bài học không mới từ minh triết dân gian, đó là “lấy nhu thắng cương” - thay kè cứng bằng kè mềm và tốt nhất là kè mềm từ xa.

Cồn Gami với các công trình kiến trúc có độ cao trên cả chục mét, kè cứng, có đoạn lấn sông (chiếm dụng mặt nước) để kè, vừa mới có vài hạng mục giai đoạn đầu đã gây sạt lở nhẹ kè bờ sông phía đối diện - kè bờ sông cuối đường Phan Bội Châu (Sơn Phong) thuộc khu vực I - khu vực bảo tồn nghiêm ngặt của khu phố cổ. Mùa hè đã như vậy, mùa lụt tới sẽ ra sao? Cho đến nay phần lớn những người quan tâm nghiên cứu văn hóa Hội An (tiêu biểu như các hội viên của Hội khoa học lịch sử Hội An) đều chưa đọc được bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của các kiến trúc cồn Gami, thì những người dân trực tiếp chịu ảnh hưởng từ sự tác động môi trường làm sao biết được?

3.  Cồn Gami đang ráo riết xây dựng các hạng mục với tiến độ nhanh. Báo giới lúc đầu bàn thảo chuyện đúng sai, hay dở của vở diễn “thực cảnh”, dần về sau mới nói đến cảnh quan tự nhiên, cảnh quan lịch sử của một Hội An di sản khi “bỗng dưng thấy phố trên cồn”. Hội An “đang quản lý và khai thác tổng chiều dài các tuyến đường sông là 64km, bao gồm các nhánh sông của hạ lưu sông Thu Bồn như sông Hội An, sông Đế Võng” (sách “Tác động - Những ảnh hưởng của du lịch với văn hóa và môi trường ở châu Á - Thái Bình Dương: Du lịch Văn hóa và Quản lý Di sản tại Khu di sản thế giới Đô thị cổ Hội An - UNESCO xb, Bangkok, 2008, tr.59). Sau cồn này sẽ là bãi nọ, “sông kia rày đã nên đồng” (Tú Xương), cồn Gami có là “tiền lệ” cho cảnh “bãi bể hóa nương dâu”, trong khi các cồn bãi tự nhiên hạ lưu sông Thu Bồn - trong đó có cồn Gami là vùng cần phải bảo tồn nguyên trạng trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Sự việc quả đáng lo ngại khi nghe ở tỉnh bạn, người ta còn dành cho nhà đầu tư du lịch nguyên cả một hòn đảo đang trong thời gian đệ trình hồ sơ công viên địa chất toàn cầu nữa kia mà.

Ngay chuyện bảo tồn và phát triển, xét về phương diện cảnh quan tự nhiên đã có ý kiến trái chiều như việc có người cho rằng “vì sự phát triển (hiểu là du lịch) thôi thì tiếc chi một cái cồn” trong khi những người có trách nhiệm thì kiên định “không phát triển Hội An bằng mọi giá, bằng việc đánh đổi văn hóa cho lợi ích kinh tế nhất thời”. Trên cồn Gami có một sân khấu thực cảnh với sàn diễn cho 500 diễn viên chưa kể thiết bị, máy móc âm thanh, ánh sáng, đạo cụ và một phố “giả cổ”. Chỉ riêng việc dựng một “thực cảnh” (tái hiện một cảnh ảo như thực) bên cạnh một phố di sản đang hiện tồn thì thấy ngay cái “thừa” của sự tái hiện. Thì phố vẫn phố xưa, vẫn cảnh đó người đây đêm ngày sinh động, hà cớ phải tìm đến nơi “ảo cảnh” để kết nối với tâm thức người xưa bằng một phố giả? rõ là “gánh vàng đi đổ sông Ngô - nửa đêm tơ tưởng đi mò sông Tương”…

4. Người viết bài này chưa được xem vở diễn nhưng qua việc trả lời báo chí của một nhà quản lý về chất lượng nghệ thuật của vở diễn, rằng vở diễn là dành cho số đông khán giả chứ không chỉ cho những nhà nghiên cứu, thì cảm thấy “chạnh lòng”. Chạnh lòng vì vừa với tư cách công chúng bản địa bởi câu ấy có thể hiểu là đánh giá về sự dễ dãi trong cảm thụ nghệ thuật của công chúng, vừa là sự xem nhẹ những người quan tâm đến văn hóa, chưa kể những người nghiên cứu để bảo tồn các giá trị văn hóa nhân văn ở một đô thị đang hướng đến mục tiêu thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

Hãy ưu tiên cho văn hóa vùng cồn bàu cửa sông ven biển - một giá trị đặc trưng đô thị, một đô thị thương nghiệp - thương cảng cửa sông ven biển còn bảo lưu nguyên vẹn không gian lịch sử như Hội An. Cũng đừng để những ai yêu Hội An lo ngại, coi cồn Gami là “sự đã rồi”, ai cũng chăm chắm vào việc “chỉnh sửa” kịch bản vở diễn mà không quan tâm đến một câu hỏi chí lý rất chi là văn hóa: “vở diễn (cứ cho là) hay ho, hoành tráng, đáng xem này nên diễn ở đâu?”.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bỗng dưng thấy phố trên cồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO