Bông hoa miền biên viễn

THIÊN THU 05/04/2016 08:29

Dù nơi biên giới xa xôi còn lắm bộn bề gian khó, nhưng bằng tình thương yêu học trò vô bờ bến, bầu nhiệt huyết cháy bỏng của tuổi trẻ, cô đã âm thầm chịu đựng, vượt lên trên tất cả để cống hiến cho quê hương. Giờ đây, tiếng nói cười, tiếng đánh vần ê a của lũ trẻ ngân vang giữa núi rừng sâu thẳm hứa hẹn một ngày mới vươn xa. Ấy là chúng tôi đang nói tới cô giáo Zơrâm Kiên, người dân tộc Tà Riềng, sinh ra và lớn lên tại xã biên giới La Dêê (huyện Nam Giang) giáp với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Năm cô vừa tròn 13 tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời vì bệnh sốt rét. Là chị cả trong gia đình, cô phải một thân lo cho cuộc sống của sáu đứa em. Hoàn cảnh cho cô thấu hiểu cuộc sống túng bấn cùng cực, phong tục tập quán bản địa còn quá lạc hậu với bao hủ tục, mê tín dị đoan. Muốn thoát nghèo, có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định thì đồng bào phải biết chữ. Ý thức được điều đó, cô quyết tâm bám trường lớp học chữ. Để trang trải cuộc sống, một buổi cô đến trường, một buổi vào rừng kiếm củi, bẻ măng, bắt ốc. Cô giáo Zơrâm Kiên bùi ngùi nhớ lại: “Lên bậc THCS, tôi được xét chọn vào học Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện, cách nhà hơn 90 cây số. Những ngày đầu nhập học nỗi nhớ nhà, nhớ em không sao chịu được. Rồi cái bụng luôn cồn cào vì đói, người run cầm cập vào mùa đông vì chỉ có độc nhất manh áo mỏng mỗi khi đến lớp. Tôi tưởng chừng như gục ngã nhưng rồi tự nhủ với lòng phải thật kiên trì, không được bỏ học giữa chừng”.

Trong điều kiện, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng bằng niềm đam mê, ý chí và nghị lực, Zơrâm Kiên đã phấn đấu không mệt mỏi theo học ngành sư phạm để đem cái chữ về với buôn làng. Năm 1999 cô tốt nghiệp loại giỏi hệ trung cấp sư phạm mầm non và được Phòng GD-ĐT huyện Nam Giang phân công về giảng dạy tại địa phương. Sau nhiều năm làm giáo viên cắm bản, cô đã được đề bạt qua một số vị trí công tác, và nay là Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo liên xã La Dêê - Đắc Tôi. Với cương vị Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô đã không ngừng bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như nâng cao phẩm chất đạo đức, uy tín nhà giáo. Mặt khác, bằng sự yêu nghề, mến trẻ và đặc biệt được sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp cũng như sự tin tưởng của Hội cha mẹ học sinh, cô cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên đã vận động 100% các em trong độ tuổi đến trường. Mặc dù các điểm trường lẻ cách nhau khá xa, địa hình núi non hiểm trở, nhưng bằng trách nhiệm của một nhà giáo tận tụy, cô thường xuyên tổ chức tốt các tiết thao giảng, dự giờ thăm lớp… Ngoài ra, cô còn có sáng kiến tổ chức các hội thi như “Bé khéo tay”, “Bé kể chuyện, đọc thơ”, “Bé với trò chơi dân gian”, “Tiếng Việt của bé”… nhằm tạo không khí sôi nổi, để trẻ thêm hào hứng, phấn khởi trong học tập. Từ đó, việc bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy cũng không còn nữa. Đồng thời năng lực giảng dạy và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên cũng từng bước được cải thiện, nâng cao.

Không chỉ hết lòng vì đàn em thân yêu, cô còn luôn trăn trở với cuộc sống của người dân trong xã và đã phối hợp với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng 657 đứng ra mở lớp học xóa mù chữ ban đêm nhằm giúp bà con dân bản biết đọc, biết viết. Bận rộn là vậy, nhưng dường như lúc nào mọi người cũng thấy nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt tận tụy của cô giáo Zơrâm Kiên - người con dân tộc Tà Riềng.

THIÊN THU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bông hoa miền biên viễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO