Gần nửa thế kỷ qua, ca khúc “Bóng cây kơ nia” luôn làm say mê, rung động bao người. Nhưng oái oăm, người nghe thường chỉ nhớ bài hát là của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ít ai để ý đến dòng chữ: “Phổ thơ Ngọc Anh”!
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho biết: Năm 1960 đọc được bài thơ “Bóng cây kơ nia” của Ngọc Anh trong tuyển tập thơ “Tiếng hát miền Nam” liền bắt tay vào phổ nhạc, nhưng chưa ưng ý lắm. Năm 1964 Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Tây Nguyên và Quảng - Đà. Sáu năm lăn lộn ở đây, âm hưởng bài thơ “Bóng cây kơ nia” cứ ám ảnh ông. Cảm xúc ùa về thôi thúc, thế là ca khúc được Phan Huỳnh Điểu hoàn thành vào năm 1971.
Một người lặng lẽ
Tác giả “Bóng cây kơ nia” là Nguyễn Ngọc Anh, sinh ngày 3.3.1932 tại xã Đại Đồng huyện Đại Lộc. 15 tuổi vào Thiếu sinh quân, học trường Trung học Bình dân Liên khu V, sau đó làm phóng viên các báo Vệ Quốc Đoàn, Quân đội nhân dân Liên khu V… lăn lộn trên khắp chiến trường Quảng – Đà và Tây Nguyên. Năm 1954 tập kết ra Bắc, làm việc ở Ban Dân tộc Trung ương, rồi sang Ban Văn Sử Địa (tiền thân Viện Văn học Việt Nam sau này), chuyên nghiên cứu và dịch thuật văn hóa – văn học Tây Nguyên. Một số sáng tác thơ của Ngọc Anh đã ra đời trong khoảng thời gian này. Điều đặc biệt là dưới tất cả sáng tác của mình Ngọc Anh đều ghi: Dịch, Phỏng dịch hoặc Sưu tầm… nên người đọc ít biết có một nhà thơ Ngọc Anh chuyên sáng tác về chủ đề Tây Nguyên, là cây bút cùng thời với những tác giả của các tác phẩm nổi tiếng: “Bài cao chim chơ rao” (Thu Bồn), “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu” (Nguyên Ngọc)…
Thời gian ở Bắc, Ngọc Anh kết hôn với cô gái Hải Phòng Nguyễn Thị Xoa và có hai con trai được đặt tên Nguyễn Hà Bắc và Nguyễn Hồng Hải. Năm 1964 Ngọc Anh được điều trở lại chiến trường khu 5, công tác tại Ban Tuyên huấn, rồi Đoàn Văn công tỉnh Kon Tum, hoạt động quanh khu vực núi Ngọc Linh, ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Từ trái qua: Tạ Văn Sỹ, bà Nguyễn Thị Xoa (vợ Ngọc Anh), Nguyễn Hà Bắc và Nguyễn Hồng Hải (2 con trai Ngọc Anh) - Hà Nội, tháng 12-2014. |
Thời gian hoạt động ở đây, Ngọc Anh rất năng nổ đi về các buôn làng, gần gũi bà con, ghi chép, tìm hiểu về cảnh sắc, con người, truyền thống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, luôn nung nấu ý nguyện sẽ “làm một cái gì đó” về vùng đất này. Có lần Ngọc Anh tâm sự với bác sĩ Ksor Krơn (tức Nguyễn Văn Sĩ - sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum): “Em sẽ cố gắng đi sâu sát, viết nhiều gương chiến đấu, lao động của đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên; đọc thơ, ca hát cho mọi người nghe để bà con biết văn nghệ cách mạng”.
Tuy nhiên, trong đêm 15.10.1965, dưới bóng núi Ngọc Linh, Ngọc Anh đã ra đi khi mới vừa 33 tuổi! Về cái chết của Ngọc Anh, nhà thơ Thanh Quế bảo: khi đang bơm đèn măng sông, đèn nổ khí nén, Ngọc Anh bị bỏng nặng rồi mất! Nhà văn Nguyên Ngọc thì bảo: Lúc ấy vì thiếu thốn, bộ đội ở rừng muốn có ánh sáng phải đào lỗ xuống đất, lót đồ chống thấm, rót dầu vào rồi lấp kín, chỉ chừa chỗ đưa bấc (tim) đèn lên trên để thắp. Vào một đêm văn nghệ (hay họp hành gì đó), “đèn” hết dầu, thay vì để tắt hẳn mới rót dầu vào, vì nóng lòng phục vụ, Ngọc Anh chêm dầu khi bấc còn leo lét cháy. Dầu bắt lửa bùng lên, Ngọc Anh bị bỏng nặng. Bác sĩ Ksor Krơn là người trực tiếp chữa trị cho Ngọc Anh, nhưng không qua được.
Trong lòng người ở lại
Năm 1988, bà Xoa quyết tâm đi tìm hài cốt của chồng. Sau nhiều ngày lặn lội, bà Xoa cũng tìm tới vùng chân núi Ngọc Linh và được bà con Xê Đăng ở đây chỉ cho khu “Rừng Ma”, nơi chôn cất Ngọc Anh mà họ đã từng biết. Lâu ngày, mộ phần đã khuất đâu đó trong cỏ cây, không còn dấu tích. Bàn thờ đơn sơ được kê ra, hương khói được thắp lên để khấn hồn thiêng người đã khuất. Loay hoay thế nào, một cán bộ Sở LĐ–TB&XH (người hướng dẫn bà Xoa) bất ngờ vấp phải một tảng đá khuất lấp dưới bùng nhùng cây cỏ. Mọi người thấy tảng đá là lạ, có linh cảm, bèn lật lên và đào xới. Và họ tìm được hài cốt nhà thơ - liệt sĩ Ngọc Anh. Bà Xoa và người con trai òa lên nức nở. Gia đình cải táng phần mộ nhà thơ Ngọc Anh về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, cách quê nhà Đại Lộc không xa.
Ngày nay, ở làng Đak Viêng, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông - Kon Tum, nơi Ngọc Anh thường xuyên đi về hoạt động và được chôn cất khi hy sinh, còn rất nhiều người biết và nhớ Ngọc Anh.
Cụ bà Y Bình kể: Cuối năm 1964 có đoàn Văn công về tuyển diễn viên tại làng Đăk Viêng. Chỉ mỗi mình Y Đồng (sau đổi là Y Mai) được chọn. Y Bình cũng xin đi nhưng vì đang theo học lớp cứu thương, lại đang mang thai nên không được chọn. Đầu năm 1965 Y Bình đến trạm xá dã chiến sinh con, bất ngờ gặp lúc người ta đưa ông Đinh Ngà bị thương vào cấp cứu. Đinh Ngà (người dân tộc H’rê) cho biết ông cùng Ngọc Anh đang lo ánh sáng phục vụ đêm văn nghệ ở khu căn cứ Đak Wăk bên núi Pai Xi Cô thì máy đèn nổ tung, Ngọc Anh chết, ông bị thương nặng. Tin như sét đánh, Y Bình vô cùng tiếc nhớ cái người cao to đẹp trai, đàn giỏi hát hay, thường về làng Đak Viêng dạy bà con hát những bài ca cách mạng. Quanh vùng ai ai cũng yêu mến Ngọc Anh, nhất là cánh phụ nữ.
Cụ bà Y Hoa, chị ruột Y Đồng (tức Y Mai, người duy nhất của làng Đăk Viêng được tuyển làm văn công) bảo: Mình nhớ hôm tuyển diễn viên, thấy hai chị em đều còn trẻ, xinh gái lại hát hay, định tuyển cả, nhưng lúc đó mình đang là y tá thuộc một đơn vị của Tỉnh đội Kon Tum nên không được đi. Nhóm tuyển chọn có hai người, một người Kinh tên Ba cao to đẹp trai và một người dân tộc Giẻ-Triêng ở Đak Glei tên A Hoa. Sau này mới biết người tên Ba là Ngọc Anh. Mình có nhờ Ngọc Anh dạy cho nhiều bài hát và hát được chừng 20 bài, nay già yếu nên quên nhiều rồi, chỉ còn nhớ vài câu...
Ông A Nghin, chồng bà Y Hoa, góp lời: Lớp trẻ bây giờ chỉ biết hát “Bóng cây kơ nia” mới mà thôi (ý nói ca khúc của Phan Huỳnh Điểu), người già ở đây thì vẫn nhớ ngày xưa mình hát theo điệu kachoi do Ngọc Anh bày cho. Mỗi lần hát lên càng thấy yêu cái cây thân thuộc trên núi rừng mình, càng thấy nhớ bộ đội quê xa về chiến đấu ở quê mình... Ngọc Anh nó tốt lắm!
Vậy là đã rõ, dẫu cứ tự khiêm cung giấu mình, nhưng hình ảnh nhà thơ - chiến sĩ Ngọc Anh vẫn như một bóng kơ nia lừng lững trong niềm thương nỗi nhớ của bà con Xê Đăng bên bóng núi Ngọc Linh, như cô gái trong lời thơ – lời hát: “… Em và mẹ nhớ anh/ Như bóng cây kơ nia…”.
TẠ VĂN SỸ