Có lẽ trên thế giới, không ai ưu ái cho văn nghệ sĩ bằng nước mình. Cho lập hội, cho nhà, cho xe, biên chế, lương, tài trợ sáng tác, trao thưởng, tôn vinh. Ngoài chuyện quản lý, thì việc trân trọng giới sáng tác xuất phát từ việc dân á đông có truyền thống ngâm ngợi, mà đụng đến món này, không ai qua mấy ông nhạc sĩ, nhà thơ.
Chính vì thế mới có chuyện vừa rồi, khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật, ông Hữu Thỉnh, nhà thơ, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xin chính phủ cho xe, xin kinh phí cho hội, bởi tầm cỡ như ông, lương ngang bộ trưởng, nhưng không có xe đi, phải mượn xe rách nát.
Trên mạng, đá ném ào ào, rằng đừng biến nghệ sĩ thành kẻ xin tiền.
Lại có người bênh, đây là lỗi nhà nước không quan tâm, ông Hữu Thỉnh có than ca, thì cũng có lý, bởi nhà nước đẻ ra các hội, thì phải nuôi.
Rồi, vừa xong đại hội Hội Nhà văn Hà Nội sau 7 năm gián đoạn. Bầu bán xì xèo, um sùm, cuối cùng cũng có chủ tịch là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, với tuyên bố là chấp nhận khác biệt, mời các nhà văn trẻ vào tham gia.
“Nghệ thuật tiến bước giữa hai vực thẳm: một bên là phù phiếm, một bên là tuyên truyền. Trên sóng đất nổi lên chính giữa mà nhà nghệ sĩ lớn đi tới, mỗi bước chân là một mạo hiểm, một liều lĩnh tột cùng. Nhưng trong sự liều lĩnh đó và chỉ ở đó mà thôi mới có tự do nghệ thuật” (Albert Camus).
Tình cờ đọc lại đoạn trên của nhà văn lừng danh này, nhớ chuyện xin xỏ, bầu bán vừa diễn ra, ngao ngán. Ông xin cái này, cái kia, thôi được, nhưng tôi hỏi lại ông, nghệ sĩ là phải sáng tác, vậy bao năm qua, ông có sản phẩm chi nổi tiếng khiến thiên hạ phải nhốn nháo tìm đọc, xã hội nóng sốt lên? Thưa, không có. Xin đừng đổ thừa cho những ràng buộc cơ chế. Bây giờ là mạng. Chẳng ai cản được anh công bố tác phẩm. Hay là ông nói không có tiền là không có tác phẩm? Nói vậy là coi thường bao người sáng tác âm thầm không cần đến hội hè đoàn thể, không cần ngửa tay xin ai, họ vẫn miệt mài sáng tạo. Cho nên, ông Hữu Thỉnh bị ném đá, không hề oan. Còn ông, với tư cách cá nhân, là nhà thơ, có lẽ sẽ không oách hơn hoặc tệ hại hơn, nếu ông đi xe sang hay xe rách.
Trăm sự cũng do hội mà ra, kể cả chuyện bầu bán này nọ. Tại vì anh đánh giá cao anh quá. Cũng tại hội viên kỳ vọng quá, phải vào hội để có danh. Tôi không tin rằng, vào để gặp anh em cho vui, vì nếu phải có hội mới vui, e rằng tư duy ông bà đó có vấn đề. Bà tân chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội coi bộ rộng rãi, phóng khoáng, có lẽ vì bà chưa già và bà là người viết có chút tăm tiếng, nhưng thưa rằng, nói vậy cũng bằng thừa. Chấp nhận sự khác biệt, chính là đời sống, chứ không phải là hội, nếu như người viết coi những lời phán quyết từ chuyện nhân danh hội đến những giải thưởng nâng lên đặt xuống, là chuyện nhỏ.
Bao giờ những bóng ma tiền bạc, những ghế ngồi đẻ ra đặc quyền ở các hội văn nghệ bị giải trừ, lúc đó, cái danh các hội mới hết bị xã hội tẩy chay. Bởi thưa rằng, các vị sống nhờ tiền thuế của dân, nhưng làm ăn sụt bệ lò rèn, thì nên trả cái danh hão kia đi, nếu không sáng tác được, cũng không sao, còn nếu vẫn tiếp tục viết, hiến cho đời những hương hoa từ tủy huyết, thì đây là phần thưởng lớn nhất của các vị.
MỘC MIÊN