Dư luận cả nước vừa bị sốc sau thông tin một loạt cầu thủ trẻ của đội Đồng Tháp bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kỷ luật vì tham gia cá độ, đánh bạc tại giải U21 quốc gia năm 2019.
Gần như cả đội hình U21 Đồng Tháp với 11 cầu thủ bị xử lý với hình thức kỷ luật phạt tiền và cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức, trong thời gian nặng nhất là 5 năm, nhẹ nhất là 6 tháng. Đáng chú ý, trong số này có không ít gương mặt xuất sắc từng khoác áo đội tuyển U19, U21 Việt Nam và đang là cầu thủ của đội một Đồng Tháp chuẩn bị cho mùa giải hạng nhất năm 2020. Đây là một sự cố đáng tiếc cho bóng đá Đồng Tháp - một trong những “cái nôi” của bóng đá Đồng bằng sông Cửu Long - trong hành trình đi tìm lại ánh hào quang xưa.
Vụ việc này một lần nữa lại cảnh báo về “bóng ma” cá độ, dàn xếp tỷ số và những hành vi tiêu cực khác trong các giải bóng đá trẻ - nơi ít bị “săm soi” so với giải vô địch quốc gia hay hạng nhất. Trước đây không lâu, VFF cũng đã quyết định kỷ luật một số cầu thủ của đội Bình Định tại giải U19 quốc gia 2020 diễn ra vào tháng 3 với hành vi phi thể thao “thi đấu không đúng khả năng của mình mà không có lý do chính đáng”. Án kỷ luật đối với các cầu thủ trẻ Bình Định chỉ là “treo giò” vài trận do lỗi về thái độ thi đấu; tuy nhiên, đây được xem là lời cảnh báo, răn đe khá kịp thời, cũng là bài học dành cho không chỉ các cầu thủ trẻ. Điều này thêm một lần nhắc nhở những người làm bóng đá và nhà quản lý, rằng vấn đề rèn giũa đạo đức cho các cầu thủ trẻ vẫn là câu chuyện thời sự của bóng đá Việt Nam. Nếu thiếu sự quan tâm, không định hướng một cách bài bản đi cùng với các biện pháp chế tài cương quyết, trọng tài hơn trọng đức, sẽ ảnh hưởng tới tương lai của chính cầu thủ và dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả nền bóng đá.
Không bất ngờ khi hiện nay “vòi bạch tuộc” cá độ len lỏi vào rất nhiều nền bóng đá, trong đó có cả những giải đấu chuyên nghiệp được giám sát chặt chẽ trên thế giới. Vì vậy, cảnh giác với mặt trái cá cược bóng đá không bao giờ thừa đối với bất cứ quốc gia nào. Ngay cả ở giải vô địch quốc gia V-League những mùa giải qua, chưa phát hiện chuyện cá độ, bán độ song đã xuất hiện “lời ra, tiếng vào” với không ít nghi ngờ về tình trạng móc nối, nhường nhịn nhau giữa các đội bóng. Bởi vậy mà trước đề xuất phương án hết lượt đi rồi phân thành 2 nhóm thi đấu để chọn ra nhà vô địch và xác định đội xuống hạng, lãnh đạo nhiều CLB băn khoăn phát sinh tiêu cực sau khi các đội bóng đã hoàn thành nhiệm vụ. Không có lửa làm sao có khói!
Bóng đá Việt Nam từng trải qua nhiều giai đoạn nhức nhối với nạn bán độ trở thành những vết thương khó lành; trong đó, một số vụ việc nổi cộm khó thể quên như SEA Games 23 năm 2005, vụ CLB Vissai Ninh Bình tại AFC Cup 2014, vụ CLB Đồng Nai tại V-League 2014. Nhiều cầu thủ bị “treo giò” vĩnh viễn, thậm chí còn vướng vào vòng lao lý. Sau thời gian dài, “bóng ma” tiêu cực đã quay trở lại với bóng đá Việt Nam? Rõ ràng đây là một lời cảnh báo cho các nhà làm bóng đá.