Bồng Miêu - nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam

NGUYỄN QUANG HIỀN 16/01/2023 09:14

Các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn đóng góp nguồn lực đáng kể vào giá trị chung của ngành công nghiệp Quảng Nam, cũng như số thu ngân sách hằng năm của tỉnh. Tuy nhiên, một điều rất thú vị mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này, là ngay từ đầu thế kỷ 20, Quảng Nam đã có nhà máy thủy điện đầu tiên của cả nước – thủy điện Bồng Miêu.

Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về lịch sử phát triển ngành thủy điện Việt Nam, tôi nhận thấy, cho đến nay, báo chí đều ghi nhận rằng, nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam (và cả Đông Dương) là thủy điện Suối Vàng Ankroet tại Đà Lạt (Lâm Đồng) do người Pháp xây dựng từ tháng 10/1942 và hoàn thành năm 1945 để cấp điện cho TP.Đà Lạt. Tuy nhiên, với các tài liệu thu thập được, tôi có thể khẳng định, Bồng Miêu (Quảng Nam) mới là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam.

Thủy điện Bồng Miêu ra đời như thế nào?

Với mục tiêu khai thác tài nguyên thuộc địa, từ tháng 5/1876, Chính phủ Pháp đã phái cử các đoàn cán bộ địa chất và kỹ sư mỏ khảo sát, thăm dò, tìm kiếm tài nguyên mỏ để phát triển công nghiệp tại nhiều nơi ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Thông thường giai đoạn khai thác đầu tiên tại các mỏ là thủ công, nhưng bên cạnh một số mỏ nằm ở miền núi thường có nguồn thủy năng từ các dòng sông, con suối đầu nguồn.

Điều này dẫn đến việc các nhà tư bản thực dân không chỉ xin cấp nhượng địa mỏ để khai thác mà còn xin cấp nhượng địa cửa nhận nước và quyền được xây dựng các công trình trên và bên cạnh dòng chảy để làm đập ngăn nước, cũng như xây dựng nhà máy thủy điện nhằm sử dụng điện năng tại các công trình khai thác mỏ.

Với những nhượng địa mỏ cần khai thác nhưng ở xa nguồn thủy điện, ngoài đường dây hạ thế ngắn đủ dùng tại chỗ, họ còn xin cấp quyền để xây dựng đường dây điện cao thế.

Do tầm quan trọng của tài nguyên mỏ và sự cần thiết của nguồn dẫn động các máy móc thiết bị dùng trong khai thác mỏ, ngoài việc ban hành Công ước Pháp – Việt về mỏ, Quy chế về mỏ, Chính phủ Pháp còn ban hành nhiều văn bản hành chính, pháp lý về việc khảo sát, sử dụng nguồn “than trắng” để xây dựng các nhà máy thủy điện.

Cụ thể, năm 1912, Toàn quyền Đông Dương ban hành Thông tri số 72c về “Khảo sát những nguồn than trắng” như sau: “Hà Nội, ngày 20/5/1912. Toàn quyền Đông Dương gửi ông Thống đốc Nam Kỳ và quý ông Khâm sứ, Thống sứ.

Để có một hiểu biết về những nguồn “than trắng” có thể được sử dụng tại Đông Dương, tôi đã quyết định cho tiến hành tại mỗi tỉnh một cuộc khảo sát về chủ đề này.

Cuộc khảo sát phải được thực hiện bởi quan cai trị chủ tỉnh hỗ trợ người chỉ huy công việc này của tỉnh. Nó phải mang những thông tin chủ yếu sau đây:

1. Liệu có trong tỉnh những dòng nước mà thủy lực có thể thu nhận được?

2. Cung cấp bản vẽ chỉ rõ vị trí khả thi của các công trình thu năng lượng.

3. Giá trị nguồn năng lượng có thể sủ dụng được ra sao? A. Chiều cao của thác nước. B. Lưu lượng khi nước thấp, khi nước cao, thời gian của 2 giai đoạn này, những điều kiện thay đổi lưu lượng. C. Dung tích của hồ chứa tự nhiên hoặc hồ chứa nhân tạo bằng đập chắn.

4. Điều kiện để xây dựng nhà máy, đập chắn (kích thước, đất nền móng...) đánh giá sơ bộ về chi phí có thể để xây dựng những công trình này.

5. Điều kiện có thể sử dụng những nguồn thủy lực thu được, những nhà máy, những xí nghiệp nông nghiệp hoặc công kỹ nghệ... Tôi mong muốn quý ông sau khi tiến hành thực hiện xong cuộc khảo sát này, gửi đến tôi những kết quả ngay khi quý ông được biết về chúng”.

Về thủy điện Bồng Miêu

Để phục vụ hoạt động khai thác vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu, ngay từ năm 1901 - 1902, Công ty Société des Mines de Bong-Miû (thành lập năm 1897) đã tiến hành xây đập chắn ở thượng nguồn của thác nước cao khoảng 60m trên sông Vàng (Rivière d’Or).

Nước được dẫn về qua đường ống thép đường kính 0,5m đến một tua bin có bánh xe công tác Pelton để cung cấp cho nhà máy một lực dẫn động khoảng 50CV (cheval-vapeur, mã lực). Tua bin này dùng để vận hành nhà máy nghiền nằm ở hạ lưu sông Vàng và cũng để thực hiện việc điện phân, cũng như cấp điện chiếu sáng trong khu vực mỏ.

Sau năm 1906, doanh nghiệp khai thác mỏ đã thay thế tua bin bánh xe Pelton bằng tua bin trục ngang Neyret-Grenier, công suất đạt khoảng 150CV. Nhà máy thủy điện lúc này gồm 2 máy phát điện 550V và đưa điện đến các nơi sử dụng trong khu vực mỏ bằng đường dây điện trên không dài tổng cộng 1.850m, dây dẫn nhôm đường kính 50mm (tức dây A35 hiện nay). Báo chí Pháp đều ghi nhận nhà máy thủy điện Bồng Miêu được hoàn thiện vào năm 1910.

Các báo và tạp chí của Pháp đều ghi nhận các nhà máy thủy điện của nước ta theo thứ tự thời gian xây dựng như sau: Nhà máy thủy điện Bồng Miêu (Quảng Nam) năm 1910; Tà Sa (1917 - 1918); mỏ vàng Bảo Lạc (1926 - 1929); Bản Thi, Quảng Yên (1928 - 1929); Cát-cát Sa-pa (1929 - 1930); Ea Nao, Buôn Ma Thuột (1932 - 1933); Nà Ngần (1933); Suối Vàng Ankroet Đà Lạt (1942 - 1945); Bàu Cạn Pleiku (1949 - 1950).

Như vậy, có thể khẳng định, nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Dương chính là thủy điện Bồng Miêu, và Quảng Nam cũng chính là nơi khởi phát của ngành công nghiệp thủy điện Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bồng Miêu - nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO