Bóng nắng

NGUYỄN BÁ HÒA 11/05/2014 09:36

Nắng đổ trên mái tôn hầm hập, chui qua các lỗ thủng rọi trên mặt đất những hoa nắng bầu dục. Tiệm sửa xe đầy nắng và nóng. Nói là tiệm cho oai, thật ra đó là một cái chòi tôn nhỏ chưa đầy sáu mét vuông. Ở góc chòi, nó cẩn thận lau chùi ông thần tài bằng nhựa rồi đặt lên cái tran nhỏ, cả cái tran lẫn ông thần tài nó đều nhặt được từ góc phố mang về. Nó vừa làm vừa lẩm bẩm: “Người ta vứt bỏ ông, con trân trọng ông, hãy phù hộ cho con”. Mà lạ thật, khi nào vắng khách nó vái là lập tức có được bốn năm chiếc xe để sửa, tiền chẳng bao nhiêu nhưng đủ qua ngày để đợi tin mẹ. Mẹ đưa anh nó đi chữa bệnh ung thư ngoài Huế. Ngôi nhà nhỏ trong xóm đóng cửa, mẹ kiếm tiền mua tôn, tre, sắm ít đồ nghề dựng cái chòi sửa xe trên mảnh đất còn trống của ông Long ngoài phố. Mẹ nó chu toàn mọi việc trước khi đi:

- Con đã hai mươi tuổi, hãy tự kiếm sống một thời gian đợi mẹ về sẽ tính. Nhà ta tuy nghèo nhưng suốt đời làm ăn lương thiện!

Nó hiểu những điều mẹ nói. Ba mất khi nó chưa đầy năm tuổi, mẹ bán trái cây ở chợ nuôi hai anh em khôn lớn. Anh nó đang học đại học phải bỏ dở vì bệnh. Học xong cấp ba nó phải nghỉ học phụ với mẹ kiếm tiền chữa bệnh cho anh.

Bóng nắng đốt trên má nóng hổi. Giật mình nhìn ra cửa, đã quá trưa. Từ sáng đến giờ, cả tuần nay không có khách. Nó van vái lau chùi thần tài nhiều lần nhưng không hiệu nghiệm. Vì đói hay vì không có tin tức của mẹ mà ruột gan nó cứ cồn cào khó chịu. Mẹ cũng có nhiều bệnh, hay là... Nó lo sợ, hoảng hốt. Đưa tay tát vào má, chỗ cái bóng nắng đang đốt da thịt. Ai đó đi ngang hỏi:

- Ông chủ đâu bé!

Nó trả lời cộc lốc:

- Ông chủ đây!

- Nhóc con biết gì mà sửa!

Tức giận nó đá mạnh vào khoảng không trước mặt, đá văng chiếc ghế nhựa, đá vào thùng đồ nghề, vô tình hay cố ý đá văng luôn cái tran thờ, thần tài ngã lăn quay chấp chới. Kéo mạnh cửa chẳng thèm khóa, nó bỏ đi, đá phăng những gì vướng chân, một chiếc lá khô tội nghiệp, một mảnh giấy thừa vô dụng, kể cả ngọn cỏ non mới nhú lên từ giữa khe nhỏ của hai viên gạch. Lòng nặng trĩu nhưng nó không khóc, cũng chẳng buồn, chỉ là cái bóng giữa cuộc đời đang cuộn chảy. Ngước mắt nhìn lên, một cô gái trạc tuổi hắn đang loay hoay với chiếc xe chết máy. Hết đạp rồi đề vẫn không nổ, trán lấm tấm mồ hôi, mắt dáo dác tìm người. Ánh mắt nó chạm vào cô gái, dửng dưng. Lương tâm hay thói quen nghề nghiệp đưa nó đến gần, gương mặt cô gái rạng rỡ hy vọng. Chỉ vài giây, đạp máy, chiếc xe nổ êm. Bỏ đi không nghe cô gái nói lời cảm ơn và ánh mắt thân thiện dành cho nó. Lại cúi gằm mặt, lại đá phăng những gì vướng chân, cả gió và nắng.

- Bạn đi đâu tôi cho quá giang chút nè!

Không nghe rõ, chỉ loáng thoáng nhận ra tiếng người, nó quay lại, là cô gái khi nãy vẫn ngồi trên xe, máy vẫn nổ. Xe không hư, gọi mình làm gì! Nhầm chăng? Nó lại lững thững đi.

- Cảm ơn bạn đã giúp tôi. Bạn đi đâu tôi chở cho, đi cùng hướng với bạn mà, đừng ngại!

Đã nghe rõ. Nhưng làm gì có ai cùng hướng với nó, cái hướng bất hạnh chờ đợi anh, mẹ và cả nó nữa. Suy nghĩ đó kéo nó trở lại với nỗi bồn chồn lo lắng. Bụng rỗng không, đi đâu cũng chẳng biết. Cảm ơn làm gì, thà trả công đủ một ổ bánh mì lót bụng! Ơn nghĩa bây giờ có bằng ổ bánh mì đâu chứ! Đói quá nên nghĩ vậy thôi chứ đời nào nó nhận, giúp cô ấy đâu phải vì ổ bánh mì! Bất giác nhìn kỹ cô gái, đôi mắt có vẻ biết điều, mái tóc buộc thắt lại rồi chui ra từ cái lỗ nhỏ phía sau chiếc mũ bảo hiểm, loại mũ thời trang mà nó thường thấy ở những cô con gái nhà giàu. Nhìn chiếc xe, còn mới lắm, nếu bán đi cũng được hơn chục triệu. Hay là quá giang đến một đoạn đường vắng hất cô ta xuống đường rồi vù thẳng vào tiệm cầm đồ, số tiền ấy đủ bay ra Huế thăm mẹ và anh. Nó dậm chân thật mạnh, đưa tay đập thẳng vào đầu, hất tung suy nghĩ đen tối không biết đến từ lúc nào. Cô gái thấy nó giận dữ nên giật mình rồ xe chạy thẳng.

Mẹ dặn sống lương thiện, tại sao lại nghĩ như vậy, nó bật khóc. Bặm môi, cắn răng nuốt nước mắt vào lòng, không thể thế này được! Cả tuần đợi tin, hy vọng rồi thất vọng, vái thần tài rồi đá bay thần tài. Niềm tin có hay không có? Ước mơ vào đại học khi mới lớp mười, ước mơ lớn dần rồi vỡ tan như chiếc bong bóng dư hơi. Càng ước mơ càng bất hạnh, càng kỳ vọng càng mất niềm tin. Mỏi chân và mệt lả, tựa vào một gốc cây ven đường ngồi nhìn xe cộ qua lại, nó thiếp đi lúc nào không biết. Nó thấy anh khỏe ra, mẹ vui mừng, ngày mai mẹ sẽ đưa anh về, bác sĩ đã chẩn đoán sai, anh không bị bệnh ung thư, điều trị đông y ở bệnh viện tỉnh là khỏi. Nó nhảy cỡn lên vui mừng... rồi bừng tỉnh. Cái gốc cây bên cạnh, người xe vẫn qua lại không hề biết sự tồn tại của nó. Một sức mạnh vô hình kéo nó bật dậy, đẩy nó quay về cái chòi sửa xe đầy bóng nắng thường ngày. Xô cửa bước vào, dựng lại tran thờ, sắp xếp bàn ghế và ngồi đợi.

- Vá xe không con!

Nó vui mừng nhưng bình thản:

- Dạ có!

Người đàn ông trạc tuổi ba nó đẩy chiếc xe vô chòi rồi tìm ghế ngồi, nó cặm cụi làm.

- Thêm ít đồ nghề, trang trí đàng hoàng cho ra cái tiệm, để thế này chỉ có những người lỡ đường như bác mới ghé vào mà thôi, làm sao kiếm sống nổi!

Nó dạ lí nhí trong cổ họng không thành lời.

- Chỉ vá xe hay làm thêm các thứ khác nữa?

Chạm vào tự ái nghề nghiệp, nó trả lời ngay:

- Làm được tất cả!

- Vậy con xem thử, cứ mỗi lần bác chạy xa một chút là nghe tiếng máy kêu rạo rạo!

- Dạ!

Vá xong, nó mở máy xe một cách thành thạo. Ông khách hết quan sát nó, lại quan sát cái chòi, gần chiều nhưng bóng nắng vẫn không dịu đi, trên lưng nó lỗ chỗ những đốm sáng.

- Một ngày con kiếm được bao nhiêu? Đủ sống không?

- Hay là con về làm với bác, không phải sửa xe đâu nhưng tiền công nhiều hơn tiền sửa xe đấy!

Nó bắt đầu chú ý lắng nghe và mạnh dạn hỏi:

- Làm việc gì và bao nhiêu tiền hả bác?

- Công việc của bác ổn định rồi. Thấy con nhanh nhẹn chăm chút làm ăn nên bác muốn giúp con thôi.
- Làm việc gì và bao nhiêu tiền công hả bác?

- Xe máy của bác con sử dụng chuyển vật liệu đi, có chuyến có tiền.

Nó đặt chiếc kềm xuống đất, thừ người ra.

- Hay là ngoài chở vật liệu con phụ bác việc bán hàng, lương tháng sẽ ổn định.

Có phải người tốt muốn giúp đỡ hay là một sự lừa đảo? Báo chí đăng tin nhiều cảnh lừa đảo phỉnh dụ lớp trẻ làm điều phạm pháp nhan nhản ra đó nên chuyện cảnh giác là rất bình thường. Như hiểu được suy nghĩ của nó người đàn ông ấy nói thêm:

- Nhà bác ở đầu đường lớn, bán vật liệu xây dựng, con đi ngang qua sẽ thấy, bác muốn giúp đỡ con nhưng... tùy con thôi!

Trong đầu nó trăm câu hỏi trào ra nhưng chẳng tìm thấy một câu trả lời cụ thể nào. Đi làm thuê cho người ta là điều chưa bao giờ nghĩ đến, mẹ có chấp nhận không, gia đình nghèo thật nhưng chưa thấy ai đi làm thuê cả, đi làm thuê là việc làm lương thiện, mẹ bảo phải sống lương thiện kia mà! Nhưng một điều mà nó khẳng định được xã hội này, trên con phố hẹp của thành phố nhỏ bé này, vẫn có người tốt muốn giúp đỡ nó. Loay hoay trong đầu những tự vấn tự đáp nó không làm được gì nữa.

- Bây giờ con không làm được, ngày mai bác tới lấy xe, con bảo đảm sẽ sửa tốt cho bác!  

- Được, nhưng ngày mai trả lời bác nhé!

Ông đưa cho nó hai mươi ngàn đồng:

- Tiền vá xe của con, ngày mai bác kiểm tra xe rồi gửi tiếp.

Hôm sau, người đàn ông cầm theo một tờ báo đến ngồi ở góc chòi chăm chú đọc và chờ đợi. Bây giờ nó lại quan sát ông, cố khái quát lên thế nào là gương mặt của một người tốt nhưng đành chịu. Có tiếng còi xe, cả hai đều nhìn ra

- Ba đây!

Nó ngạc nhiên đến kỳ lạ, con gái ông ấy chính là cô bé mà trưa hôm qua nó đã sửa giúp chiếc xe chết máy...

Cầm hai mươi ngàn trên tay, như vậy là có được một bữa cơm tối. Nó đóng cửa tiệm, những bóng nắng đã biến đi đâu từ lúc nào, nhưng nó biết chắc chắn rằng ngày mai chúng lại trở về. Bên kia đường, từ quán cà phê cóc những âm thanh vui nhộn tươi trẻ vang lên mà những ngày qua nó không hề hay biết.

NGUYỄN BÁ HÒA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bóng nắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO