Bóng rừng xa xôi... - Bài 1: Quẩn quanh với rừng

Ghi chép của LÊ QUÂN - VINH ANH 12/07/2017 08:17

Những cánh rừng ngun ngút xanh, lạ thay, lại khiến người dân vùng đầu nguồn Thu Bồn vất vả với cuộc mưu sinh hơn. Ở ngay đất rừng, nhưng lại thiếu đất sản xuất để ổn định đời sống.

Người dân nơi thượng nguồn Thu Bồn nhiều năm nay vẫn cứ quẩn quanh với chuyện tồn tại trên đất rừng.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Người dân nơi thượng nguồn Thu Bồn nhiều năm nay vẫn cứ quẩn quanh với chuyện tồn tại trên đất rừng.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

BÀI 1: QUẨN QUANH VỚI RỪNG

Người dân nơi thượng nguồn Thu Bồn cứ xoay đi trở lại, hay thậm chí quẩn quanh với chuyện tồn tại trên đất rừng. Ngước mắt lên phía trước nhà mình, vẫn còn đó những cánh rừng rậm rạp, trong diện bảo vệ của rừng quốc gia. Đó cũng là chốn bất khả xâm phạm, khóa chặt cánh cổng sinh kế của nhiều người dân!

1. Những bóng rừng, lâu rồi, đã thôi gây mơ tưởng với người dân Nà Lau, Cấm La (Quế Lâm, Nông Sơn). Cũng lâu rồi, người dân phía tây đèo Le này giấu đi cái khí chất hoang dại của người sinh ra từ rừng, để bắt đầu cho nhiều cuộc hành trình khác. Những cuộc thiên di mỗi năm mỗi dằng dặc chuyện trở về. Trai tráng ra đi. Đàn bà cũng kiếm cho mình con đường để đi. Núi rừng đã thôi là chốn để họ “bán linh hồn” mình. Đất này, đã từng chứng kiến những cuộc tìm đến, với tên gọi vùng kinh tế mới. Bà Trần Thị Nghĩa, người thanh niên thuở nào xung phong lên khai phá vùng đất mới, cố nén cho mình những tiếng thở dài. “Giải phóng xong, năm 1976 đi kinh tế mới, lên tới trên Cấm La này. Đường thì trần ai, không có thứ gì hết. Được đâu hơn năm thì tôi quay về, anh chị em đi với mình cũng quay về. Năm 1985, lúc đó tôi đã có gia đình, lại ngược lên. Rồi ở luôn trên này. Ngó rứa đã hơn ba chục năm” - bà Nghĩa nói. Ba mươi năm ròng rã cuốc từng nhát đất, để khai hoang hơn 20ha đất rừng. Những con đất rướm mồ hôi và cả máu của một đại gia đình chọn đầu con nước làm chốn dung thân. Bà Nghĩa kể rằng ở nơi này đa số là những người từ vùng dưới lên, chọn ở lại và chọn vùng đồi núi này làm quê hương. Thậm chí, chọn làm cả nơi ngủ yên một giấc dài - như người bạn đời của bà. Ở lâu, quen dần với cái khổ cực ngày một chất chồng. Ở yên một ngày là chịu không thấu. Phải lên rừng, xuống suối. Phải vác rựa vác cuốc lên rẫy, mới là sống.

Ông Tương với phương tiện dùng để đi rừng và vào suối bắt ốc nuôi 8 đứa con. Phía sau là ngôi nhà của vợ chồng ông.Ảnh: HIỀN VINH
Ông Tương với phương tiện dùng để đi rừng và vào suối bắt ốc nuôi 8 đứa con. Phía sau là ngôi nhà của vợ chồng ông.Ảnh: HIỀN VINH

Những ngọn núi của miền thượng nguồn lắm điều kỳ lạ. Dầu đã đi đã đến đã gửi cả một quãng đời dài của mình ở đó, người ta vẫn không khỏi dỗ mình thoát ra những thảng thốt. Mùa này, với dân ở rừng là mùa thiêng. Hay ít ra, họ không dám đặt chân lên những cánh rừng cách nhà mình quá một dặm đường. Vì những “ông Voi” trở về. Hay vì cả những ám ảnh mơ hồ. Cứ mỗi buổi chiều, khi trời vừa đổ cơn dông, nhập nhoạng trong cái thứ ánh sáng khó mà gọi tên, những người đàn ông bó gối trước nhà. Uống rượu. Đêm dài buông xuống trong cái hơi lạnh suồng sã của đất trời. Những đứa trẻ miền này, phần lớn ra đời trong cảnh huống ngặt nghèo như vậy. Chưa đầy 50, đã tới 8 đứa con, như ông Nguyễn Văn Tương. Rồi ở tuổi vậy, đứa thứ 8 còn lẫm chẫm đi, đã thấy làm lễ đầy tháng cho đứa cháu nội đầu. Chúng tôi dừng lại trong căn nhà tuềnh toàng vừa được lợp lại tôn mới, sau trận mưa bão cuối năm ngoái của ông Tương. Vẫn đầy tiếng nói cười. Vẫn rộn ràng những thanh âm sống động của một gia đình hạnh phúc. Dẫu rằng mỗi buổi sớm trưa vừa xong miếng cơm hôm này đã lo đến miếng ăn của ngày mai. Nhưng ông Tương nói đất trời này không cướp của ai thứ gì, sinh được thì nuôi được. Đông con là phúc lớn. Và cứ vậy mà bám vào những con suối đầu nguồn bắt ốc đong gạo nuôi con lớn. Rẫy, đã dùng để trồng cao su.

2. Vợ của ông Tương là em gái bà Nghĩa. Mắt xích gia đình đã kéo những người vùng đất mới lại gần nhau hơn, để sống với nhau trong những cánh rừng đồi lúp xúp. Câu chuyện khai hoang đất này, tưởng cũ, nhưng vẫn còn mới. Mới, bởi hàng chục hộ dân “vùng kinh tế mới” từ những năm 1985 -1986, vẫn chưa nắm được quyền sử dụng đất trong tay. Bà Nghĩa kể gia đình mình, cả ông chồng và 8 đứa con, cứ mải mê cày xới như vậy, mà quên mất rằng, gần 24ha đất rừng quanh khu nhà mình đang ở, vẫn chưa được chứng nhận. Chưa có giấy tờ, thì hẳn nhiên, là đất của Nhà nước. Nhà của gia đình ông Tương cũng vậy. Nhà Lương Văn Bình hơn 11ha tự thân khai hoang nhiều năm trước, vẫn như vậy… Khi người dân Trung Phước (Nông Sơn) sống đời thư thái hơn bởi biết cách đong đếm những sản vật của rừng, thì dân vùng đầu nguồn Tí, Sé, Dùi Chiêng này… vẫn buộc mình phải tần tảo với từng vuông đất nhỏ. Một ngọn đồi lên xanh, bằng những rẫy keo, bằng hàng trăm cây cao su, không phải chuyện ngày một ngày hai. Hàng chục năm trời ròng rã và quần quật.

Bà Trần Thị Nghĩa kể về những vất vả với chuyện trồng cao su của cả đại gia đình mình. Ảnh:  HIỀN VINH
Bà Trần Thị Nghĩa kể về những vất vả với chuyện trồng cao su của cả đại gia đình mình. Ảnh: HIỀN VINH

Cấm La, Nà Lau bây giờ, không còn hoang vu, mờ mịt hay xa ngái. Nhưng rừng, thì quả thật đã xa vạn dặm. Rừng với những cây đàn, cây lim, cây sổi… và thú rừng, đã được đưa vào diện bảo vệ, quy hoạch thành khu bảo tồn quốc gia. Cũng không thể nào muốn thì mang cuốc mang máy ra cày xới để trồng trọt sản xuất. Điện đã về tận nóc nhà cuối cùng. Đường bê tông chạy dọc theo những ngọn đồi, theo cả vào con suối ngay chân núi. Nhưng người thợ rừng… thì lại khó nhọc hơn. Thợ rừng, chứ không phải lâm tặc. Nghiệt thay, người ta cứ quy cho bất cứ ai vác rựa vào rừng là kẻ đi phá. Nhưng thông thường, kẻ khó thường hay bị nghi ngờ. Những người dân làm nghề rừng tìm một sinh kế mới. Ông Tương nói ông đi làm “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy. Có một người dân Quế Phước làm trang trại, thương hoàn cảnh nhà đông con, mà giúp ông một con bò. Chăm gần một năm trời cho con bò này đẻ, thì mỗi con bê gia đình ông Tương nhận được một nửa tiền bán. Vậy cũng qua ngày… Bà Nghĩa thì chăm cháu cho những đứa con trai con dâu con gái con rể đi làm quanh vùng, là phát rẫy keo cho người khác, làm thợ hồ, đi bắt ốc suối cân đổi gạo. Và duy chỉ còn một người làm công nhân cao su, sau khi cả đại gia đình cùng 24ha đất rẫy góp vào làm cao su đại điền trong khoảng 8 năm nay.

Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói, đời sống người dân Quế Lâm nay đã thay đổi rất nhiều so với nhiều năm trước. Điều này ai cũng thấy. Và thay đổi, nghĩa là những thứ xung quanh họ, đã khác đi nhiều so với hàng chục năm trước. Nhưng với chính bản thân người dân, hình như, ngày mỗi khó khăn hơn trước trong cuộc mưu sinh. Dù cao su, đã thành những cánh rừng tít tắp trải dài gần 1 nghìn héc ta trên vùng đầu nguồn này. Nhưng giấc mơ đổi đời ngay chính trên đất mình quá gập ghềnh.

3. Thời điểm hiện tại, hầu như tất cả đất rừng người dân khai hoang từ mấy chục năm trước, đã giao hẳn cho công ty cao su. Đất trồng cao su bây giờ, là đất của công ty, không còn là đất của người dân nữa. Mà nào đâu từ trước đến giờ đã là đất của dân. Đất của Nhà nước, người dân tự ý khai hoang, theo lời một người dân đã giao hơn 20ha đất trồng keo khi xưa cho nông trường cao su. Tự bỏ rừng cao su cũng có nghĩa họ đã tự bỏ đi miếng đất mình dày công khai hóa. Để “cứu vãn” trước tình trạng dân đang xoay xở mưu sinh, chính quyền huyện Nông Sơn đồng ý cấp cho mỗi hộ dân tại Quế Lâm 1ha đất rừng đồi sản xuất. Nhưng oái ăm, gần mấy tháng giao đất, không một người dân nào dám khai vỡ. Những “ông Voi” chiều nào cũng ùa ra khu vực giáp ranh - cũng là khu vực đất được giao cho dân sản xuất, để kiếm ăn… Những cuộc xoay xở qua ngày dài tháng rộng cứ vậy, kể cả lúc cao su được chọn để làm cây kinh tế chính của 8 năm về trước…

_______
Bài 2: Ngưng... mơ giấc cao su

Gần 8 năm trời chăm sóc, từ cây con đến thời điểm lấy mủ, người ít đổ vài chục triệu, người nhiều gần cả trăm… nhưng hiện tại, giấc mơ đổi đời từ cao su gần như tan rồi.

Ghi chép của LÊ QUÂN - VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bóng rừng xa xôi... - Bài 1: Quẩn quanh với rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO