|
Huyện Nông Sơn đang vận động người dân cố gắng bám trụ rừng cao su, còn Công ty Cao su Quảng Nam thì bảo rằng, thời điểm khó khăn đã qua, nhưng người dân Quế Lâm (Nông Sơn) vẫn ngao ngán với “mỏ vàng trắng” của mình…
Công nhân Nông trường Cao su Nông Sơn khai thác mủ cao su. Ảnh: HIỀN VINH |
Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn - ông Lê Ngọc Trung nói, mỗi hộ tại Quế Lâm bây giờ được cấp thêm 1ha đất để sản xuất. Những thửa đất nằm giáp ranh rừng phòng hộ. Tuy nhiên, vị trí địa lý không thuận lợi cộng với sự xuất hiện của đàn voi rừng, khiến dân không thể nào khai hoang sản xuất.
1.Người “dứt áo” với cao su khó khăn đã đành, người bám trụ cũng khốn khó chẳng kém. Căn nhà gạch trống hơ của vợ chồng anh Lương Văn Bình nằm trên một đỉnh đồi. Sát bên là rừng cao su rậm rì đã cho mủ. Vợ chồng anh Bình là một trong những hộ còn bám trụ với công ty cao su tại thôn Cấm La. Thời điểm giá cao su như hiện nay, có tháng tiền công thu nhập từ nhận khoán cạo mủ cả 2 vợ chồng chỉ đạt 1,5 triệu đồng. “Giá mủ cao su xuống thấp, sản lượng mủ cạo được lại ít nên có tháng thu nhập cả 2 vợ chồng chưa đến 2 triệu đồng. Biết thu nhập bấp bênh vậy nhưng đành phải bám trụ vì giờ nghỉ cũng chẳng biết làm nghề gì, đất đai đã giao cho nông trường cả rồi” - anh Bình nói. Anh Bình cho biết công việc cạo mủ cao su rất vất vả. Hàng ngày, 2 vợ chồng phải thức dậy lúc 3 - 4 giờ sáng để đi cạo mủ, đến 6 - 7 giờ thì về ăn cơm, sau mấy tiếng phải vào rừng để trút mủ.
Khó khăn là chuyện ai cũng nhận thấy, không chỉ người dân mà cả lãnh đạo địa phương và công ty cao su. Cao su thì đã trồng và đang phát triển tốt, công ty không thể chặt bỏ chỉ vì giá thấp, nhưng người dân thì vẫn phải sống, vẫn cần có tiền để ăn uống, chi tiêu hàng ngày. Vậy bài toán đặt ra là làm thế nào để người dân tiếp tục gắn bó với cây cao su khi giá cao su tiếp tục giảm. Trong khi công ty và người dân vẫn đang làm mọi cách để có được “tiếng nói chung”, cùng đồng lòng, chia sẻ vượt qua khó khăn thì lãnh đạo địa phương cũng đứng ngồi chẳng yên vì tình hình thực tế hiện nay của cao su và đời sống người dân. Ông Lê Đức Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quế Lâm xác nhận thực trạng có nhiều hộ dân, công nhân là người của địa phương đã từ bỏ công việc nhận khoán chăm sóc, thu hoạch cao su vì thu nhập thấp. “Xã chúng tôi có diện tích cao su đại điền lớn nhất huyện với hơn 700ha, trong khi cao su tiểu điền chỉ có 28ha. Thực tế thời gian qua đã có nhiều hộ dân rời bỏ cao su để đi làm những công việc khác. Xã cũng đã vận động dân chịu khó cùng công ty vượt qua khó khăn, chờ giá cao su tăng lên thì thu nhập sẽ cải thiện, nhưng nhiều hộ dân chỉ thấy cái lợi trước mắt là tiền công làm thợ hồ, lột vỏ keo mỗi ngày 150 - 200 nghìn đồng, cao hơn nhiều so với làm cao su nên đã nghỉ việc” - ông Thịnh cho biết.
2.Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, thời gian qua huyện rất quan tâm đến vấn đề phát triển cây cao su trên địa bàn và đặc biệt là tình hình thực tế đời sống của người dân, công nhân cao su. Với tình hình hiện nay, huyện ưu tiên phát triển trong diện tích 1.000ha trồng cao su đã quy hoạch và không có chủ trương mở rộng thêm, cố gắng làm sao để người dân chia sẻ với khó khăn của công ty mà tiếp tục bám trụ, gắn bó với cao su. “Với nhu cầu về nguyên liệu cao su cho các ngành công nghiệp, tôi nghĩ giá cao su sẽ tăng trở lại. Điều kiện khí hậu Nông Sơn thì cao su là cây trồng thích hợp nhất để xóa nghèo, giúp dân cải thiện cuộc sống. Tình hình hiện tại chỉ là nhất thời, mong sao người dân cố gắng bám trụ để vượt qua thời gian khó khăn này” - ông Trung nói.
Một cuộc đối thoại để tìm ra “hướng đi chung” giữa người dân địa phương với công ty cao su và chính quyền vừa được tổ chức. Trong khi huyện đề nghị công ty sớm có những giải pháp để chia sẻ với khó khăn của người dân, nhất là việc nâng cao thu nhập cho các hộ dân, công nhân, thì ông Nguyễn Văn Hoài - Giám đốc Nông trường cao su Nông Sơn lại cho biết, tình hình vẫn không đến mức khó khăn lắm. “Hiện có khoảng 120 hộ dân, công nhân nhận khoán cạo mủ cao su và thu nhập trung bình đạt khoảng 120 nghìn đồng/người/ngày. Trong năm 2017, chỉ có khoảng thời gian từ nửa tháng 5 đến nửa tháng 6, do lượng mủ cao su quá ít nên thu nhập của người lao động thấp” - ông Hoài nói. Nông Sơn có đến 350 hộ dân tham gia trồng cao su đại điền với nông trường. Câu hỏi đặt ra là, nếu sau này mủ cao su có giá trở lại, liệu những người dân Quế Lâm có thể quay lại đất rừng của mình? Ông Hoài cho biết, Công ty Cao su Quảng Nam thuê đất với thời hạn 50 năm, và dĩ nhiên họ có toàn quyền quyết định đối với nhân lực nông trường hiện tại. Đây cũng là điều khiến chính quyền huyện băn khoăn. Bởi khi dân rời bỏ đất trồng cao su, nghĩa là họ cũng tự chấm dứt sinh kế của mình. Nhưng khó mà để dân trụ cùng cao su khi họ đã phải đánh đổi rất nhiều như vậy.
Ở đất rừng nhưng lại thiếu đất sản xuất. Dân vùng đầu nguồn Thu Bồn tiếp tục than thở về một chuyện tưởng là nghịch lý, nhưng đang hiện hữu ngay trên vùng đất sống của họ. Rừng phòng hộ đầu nguồn không thể đụng vào. Những đồi keo bạt ngàn cũng đã có chủ. Thanh niên kéo nhau đi thành phố kiếm việc. Một dạo râm ran với cao su, nhiều người trở về. Nhưng sau mỗi cái tết, lại lũ lượt ra phố. Cuộc bám trụ với rừng, xem chừng quá nhọc nhằn…
Ghi chép của LÊ QUÂN - VINH ANH